Câu hỏi 33: Trong vụ án ly hôn, trong trường hợp nào thì Tòa án có quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án? Kết quả của việc đình chỉ này sẽ như thế nào? Tạm ứng án phí mà nguyên đơn đã đóng sẽ được giải quyết như thế nào? Nếu không đồng ý với quyết định đình chỉ vụ án của Tòa án thì một trong hai bên vợ, chồng có quyền kháng cáo quyết định đó không? Thời hạn kháng cáo quyết định đình chỉ vụ án là bao lâu và được tính từ thời điểm nào? Nếu kháng cáo quyết định đó là được thì vợ, chồng sẽ nộp đơn kháng cáo cho cơ quan Nhà nước nào?

  1. Các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn

Đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn là việc Tòa án ra quyết định chấm dứt việc giải quyết vụ án khi có các căn cứ luật định. Thông thường, vụ án sẽ được giải quyết khi Tòa án ra bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật – là phán quyết về việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của các bên. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, nếu các căn cứ đình chỉ vụ án xuất hiện thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án, đồng nghĩa với việc vụ án sẽ được khép lại. Cũng như các vụ án dân sự khác, sau khi thụ lý vụ án ly hôn, Tòa án có quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

  • Nguyên đơn hoặc bị đơn trong vụ án lý hôn qua đời. Việc vợ hoặc chồng chết trong khi giải quyết vụ án ly hôn đồng nghĩa với việc hôn nhân của họ cũng tự động chấm dứt theo. Do đó, Tòa án sẽ không cần tiếp tục giải quyết việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu ly hôn của họ. Các vấn đề về tài sản nếu có tranh chấp sẽ được giải quyết theo vụ án về thừa kế giữa chồng hoặc vợ còn sống với các bên thứ ba có liên quan khác;
  • Nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt và bị đơn không có yêu cầu phản tố hoặc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập[1]. Trong trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố hoặc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án và địa vị tố tụng của các đương sự sẽ được thay đổi[2]. Lưu ý rằng nếu nguyên đơn rút đơn trước hoặc tại phiên tòa phúc thẩm vụ án ly hôn thì cần có sự đồng ý của bị đơn[3];
  • Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; và
  • Các trường hợp phải trả lại đơn khởi kiện nhưng Tòa án đã thụ lý[7], chẳng hạn như trong trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện (ví dụ chồng yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai) hoặc đương sự không đủ năng lực hành vi dân sự (do bị tâm thần hoặc một bệnh nào khác mà làm mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi và được Tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự), người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án, v.v.. Nếu vì một lý do nào đó mà Tòa án đã thụ lý thì vẫn có quyền đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn.

2. Kết quả của việc đình chỉ vụ án ly hôn

Khi đình chỉ vụ án, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ, đồng thời sẽ xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu có yêu cầu. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Tòa án sẽ gửi quyết định đó cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp[9].

Đối với đa số các vụ án dân sự, khi bị Tòa án đình chỉ, đương sự thường không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau đó không có gì khác so với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ một số trường hợp như nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc được triệu tập đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, người khởi kiện có đủ năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, đối với vụ án ly hôn, sau khi bị đình chỉ vụ án ly hôn, đương sự vẫn có quyền nộp lại đơn khởi kiện trong đa số các trường hợp[11], trừ một vài ngoài lệ như trong trường hợp một trong hai bên vợ hoặc chồng chết hoặc người khởi kiện vẫn không có quyền khởi kiện hoặc vẫn chưa có năng lực hành vi dân sự.

3. Xử lý tiền tạm ứng án phí trong trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn

Khi đình chỉ vụ án ly hôn, tiền tạm ứng án phí mà nguyên đơn đã đóng có thể được trả lại hoặc sung vào công quỹ Nhà nước tùy từng trường hợp cụ thể sau đây:

Trong trường hợp tiền tạm ứng án phí nguyên đơn đã nộp được sung vào công quỹ Nhà nước:

  • Một bên vợ hoặc chồng đã chết;
  • Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp nguyên đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan[13].

Trong trường hợp tiền tạm ứng án phí nguyên đơn đã nộp được trả lại[15]:

  • Nguyên đơn rút toàn bộ đơn khởi kiện;
  • Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
  • Nguyên đơn không có quyền khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
  • Nguyên đơn chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật;
  • Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; và
  • Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán.

4. Kháng cáo quyết định đình chỉ vụ án ly hôn

Hệ quả của việc đình chỉ vụ án ly hôn chính là việc đóng lại vụ án và không xem xét các yêu cầu của các bên. Do đó, pháp luật đã quy định cho phép các bên được quyền kháng cáo quyết định đình chỉ vụ án của Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, một trong hai bên vợ hoặc chồng có quyền kháng cáo quyết định đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục phúc thẩm[17]. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày vợ hoặc chồng nhận được quyết định đình chỉ vụ án ly hôn [18]. Nếu vợ hoặc chồng không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thì quyết định đình chỉ vụ án ly hôn sẽ có hiệu lực pháp luật.

Khi thực hiện quyền kháng cáo, người kháng cáo là vợ hoặc chồng phải làm đơn kháng cáo. Đơn kháng cáo phải được vợ hoặc chồng gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định đình chỉ vụ án bị kháng cáo[21]. Tòa án cấp sơ thẩm sẽ có trách nhiệm xem xét đơn kháng cáo. Nếu đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm sẽ yêu cầu vợ hoặc chồng kháng cáo đóng tạm ứng án phí phúc thẩm và sau khi vợ hoặc chồng hoàn thành nghĩa vụ đóng tạm ứng án phí thì Tòa án cấp sơ thẩm sẽ chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án cấp phúc thẩm để giải quyết.


[1] Điều 227.2.(a) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[2] Điều 245 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[3] Điều 299.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[7] Điều 192.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[9] Điều 217.3 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[11] Điều 192.3.(b) và Điều 218.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[13] Điều 218.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[15] Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[17] Điều 218.4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[18] Điều 273.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[21] Điều 272.7 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.