Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định nguyên tắc đặc biệt là con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi để bảo vệ tốt hơn quyền của con, mặc dù về nguyên tắc chung, người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn do vợ và chồng tự thỏa thuận và nếu hai bên không thỏa thuận được, Tòa án sẽ quyết định căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Trong trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên nhưng không muốn trực tiếp nuôi con, người mẹ phải thỏa thuận được với người cha về việc người cha sẽ trực tiếp nuôi con nhưng vẫn phải bảo đảm lợi ích về mọi mặt cho con. Trong trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con, người cha sẽ có quyền trực tiếp nuôi con nhưng phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với lợi ích về mọi mặt của con[1].
Suy cho cùng, nguyên tắc cốt lõi mà luật hướng đến việc phân định người trực tiếp nuôi con là dựa vào quyền lợi về mọi mặt của con. Do đó, dù là con dưới 36 tháng tuổi nhưng người mẹ vẫn phải đáp ứng các điều kiện cơ bản chẳng hạn như chỗ ở, thu nhập, thời gian trông nom, chăm sóc, nuôi dạy con, v.v. Con dưới 36 tháng tuổi sẽ được Tòa án ưu tiên giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng để đảm bảo sự phát triển bình thường về mặt tâm sinh lý của con. Tòa án chỉ cân nhắc quyết định giao con dưới 36 tháng tuổi cho người cha nuôi dưỡng khi cha mẹ có sự đồng thuận về điều đó hoặc khi người cha chứng minh được rằng người mẹ không có đủ điều kiện để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con.
[1] Điều 81.3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.