Câu hỏi 50: Làm thế nào để một trong hai bên vợ chồng ly hôn có thể thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quyết định của Tòa án? Ai là bên có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con?

Khi tiến hành thủ tục ly hôn, phân chia tài sản chung và việc nuôi dưỡng con chung là các vấn đề rất dễ xảy ra tranh chấp. Đặc biệt là đối với quan hệ nuôi con chung, ngay cả sau khi có quyết định của Tòa án có thẩm quyền, các vấn đề trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chung vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp giữa cha và mẹ, ít nhất là cho đến khi con trở thành người thành niên và có thể tự nuôi sống bản thân mình. Trong trường hợp Tòa án đã quyết định ai trong cha hoặc mẹ có quyền trực tiếp nuôi con, sau khi ly hôn, người cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền yêu cầu Tòa án quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Quyền này được thực hiện khi cha và mẹ thỏa thuận với nhau về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con hoặc người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con. Riêng đối với con là người chưa đủ 18 tuổi, một trong hai bên vợ hoặc chồng ly hôn còn có thể thay đổi người trực tiếp nuôi con bằng cách yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con[1]. Nếu yêu cầu này được Tòa án chấp nhận và ra quyết định hạn chế, người cha hoặc mẹ còn lại được thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng và đại diện theo pháp luật cho con[2]. Người đang trực tiếp nuôi con chưa đủ 18 tuổi chỉ bị hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con khi có một trong các hành vi chẳng hạn như phá tán tài sản của con, có lối sống đồi trụy, xúi giục, ép buộc con làm những việc vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; hoặc khi bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con[3]. Tuy nhiên, thời hạn hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên tối đa chỉ là 05 năm và người được thực hiện quyền nuôi con phải bảo đảm đủ điều kiện để trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con[4].

Ngoài ra, người thân thích – là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời[9] – hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em; Hội Liên hiệp phụ nữ khi đủ căn cứ chứng minh người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con hoặc có các hành vi thuộc trường hợp bị hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên cũng có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con[10].


[1] Điều 86.1 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[2] Điều 87.1 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[3] Điều 85.1 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[4] Điều 85.2, 87.2.(b) Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[9] Điều 3.19 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[10] Điều 84.5, 86.2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.