Luật Hôn nhân và Gia đình quy định Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con, khi có yêu cầu của những cá nhân, cơ quan, tổ chức sau:
- Cha, mẹ;
- Người thân thích;
- Cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình;
- Cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em; hoặc
- Hội Liên hiệp phụ nữ.
Qua đó, có thể thấy rằng pháp luật không cho phép con có quyền yêu cầu thay đổi người cha hoặc mẹ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục mình sau khi cha mẹ ly hôn. Pháp luật quy định 03 trường hợp con được cha, mẹ nuôi dưỡng, gồm: con chưa thành niên, con mất năng lực hành vi dân sự, con không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình[1]. Đối với trường hợp con chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự, xuất phát từ nguyên nhân những người con này là người chưa đủ hoặc không có khả năng tự mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, bao gồm các quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự, do vậy, con không thể tự mình yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi mà chỉ có thể được thực hiện thông qua các cá nhân, cơ quan, tổ chức nêu trên. Hơn nữa, trong quá trình giải quyết ly hôn, Tòa án quyết định người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục đã xét đến nguyện vọng của các con từ đủ 07 tuổi trở lên. Và từ nguyên nhân thực tế, trẻ con hoặc người mắc bệnh tâm thần, người không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thường hay thay đổi suy nghĩ và đưa quyết định một cách tùy tiện. Điều này sẽ dẫn đến việc xáo trộn công việc, cuộc sống của cha mẹ sau khi ly hôn, tăng áp lực hoạt động cho Tòa án và cơ quan thi hành án nhưng không bảo đảm được nguyên tắc bảo đảm được quyền lợi về mọi mặt của con.
[1] Điều 69.2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.