Như đã phân tích ở phần trước, để thỏa thuận phân chia các tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có hiệu lực, thỏa thuận này phải được lập thành văn bản và được công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc phải công chứng theo quy định của pháp luật và phải tuân theo hình thức giao dịch nhất định nếu pháp luật có quy định. Các trường hợp thỏa thuận của vợ chồng có liên quan đến tài sản được công chứng như sau:
- Động sản phải đăng ký quyền sở hữu;
- Bất động sản;
- Quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất; và
- Một trong hai bên vợ hoặc chồng muốn công chứng bản thỏa thuận.
Sau khi thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có hiệu lực, nếu vợ hoặc chồng muốn thay đổi nội dung đã thỏa thuận hoặc hủy bỏ thỏa thuận này thì sẽ thực hiện như sau:
- Đối với trường hợp văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng được vợ chồng tự nguyện thỏa thuận lập: vợ chồng sẽ làm một văn bản thỏa thuận mới và đến tổ chức hành nghề công chứng mà đã công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản vợ chồng trước đó để làm thủ tục thay đổi[1]. Nếu là văn bản thỏa thuận nhưng không công chứng, chứng thực và cũng không thuộc trường hợp phải công chứng thì vợ chồng có thể tự thỏa thuận với nhau về việc sửa đổi hoặc hủy bỏ; và
- Đối với trường hợp việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì văn bản thỏa thuận chấm dứt hiệu lực việc chia tài sản chung phải được Tòa án công nhận[3].
Lưu ý rằng trong một số trường hợp nhất định, khi thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng, vợ chồng phải thông báo đến các chủ nợ và phải được sự đồng ý của họ trước khi tiến hành thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng.
Chẳng hạn A và B là vợ chồng, A và B đã thỏa thuận trong văn bản phân chia tài sản chung của vợ chồng trước đó rằng xe ô tô trị giá 500 triệu sẽ thuộc quyền sở hữu riêng của A. Sau khi thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, A đem chiếc xe ô tô đó kinh doanh vận tải hành khách công nghệ nhưng thua lỗ và cầm cố chiếc xe cho một tiệm cầm đồ D mà A quen, nhận được 300 triệu đồng, và tiệm D không giữ xe của A. Sau đó, bằng sự tự nguyện của mình, A và B muốn sửa đổi nội dung thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng rằng chiếc xe ô tô trên sẽ thuộc sở hữu riêng của B. Thỏa thuận này ảnh hưởng đến quyền đòi nợ bằng cách theo đuổi tài sản cầm cố của chủ nợ là tiệm cầm đồ D. Vì vậy, A và B phải thông báo đến tiệm cầm đồ D và phải đạt được sự đồng ý của chủ tiệm cầm đồ D trước khi sửa đổi thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng nêu trên.
Trên thực tế, đặc biệt là đối với những thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng bằng văn bản phải công chứng, khi thỏa thuận đã có hiệu lực và bên vợ hoặc chồng được chia tài sản đã giao dịch với bên thứ ba chẳng hạn như các bên thế chấp, cho thuê, trước khi sửa đổi, hủy bỏ thỏa thuận, v.v., phía công chứng có thể kiểm tra lịch sử các giao dịch này, và nếu phát hiện các tài sản này đã thế chấp với ngân hàng hay các đối tượng khác thì tổ chức hành nghề công chứng thường sẽ không chấp nhận việc sửa đổi, hủy bỏ thỏa thuận này. Vì vậy, dù có được sự đồng ý của ngân hàng nhưng vì bảo vệ mình nên các công chứng viên thường yêu cầu vợ chồng phải xóa đăng ký thế chấp trước rồi mới chứng thỏa thuận được sửa đổi hoặc hủy bỏ của vợ chồng.
Sau khi thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng
trong thời kỳ hôn nhân bị chấm dứt hiệu lực, phần tài sản riêng mà vợ, chồng đã
được chia vẫn thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa
thuận khác. Việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng sau đó vẫn
được thực hiện như trước khi có thỏa thuận. Theo đó, hoa lợi, lợi tức từ tài sản
riêng đã được chia sau đó sẽ là tài sản chung của vợ chồng, và tài sản phát
sinh từ tài sản riêng đó sẽ là tài sản riêng của vợ, chồng[5].
[1] Điều 51 Luật Công chứng 2014.
[3] Điều 41 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
[5] Điều 41.2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.