Phần vốn góp trong doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn[1]. Theo Điều 4.7 của Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp là một tổ chức có tài sản riêng. Tài sản của công ty có được trong giai đoạn ban đầu sau khi thành lập chính là các tài sản do các thành viên góp vốn góp vào công ty. Do đó, sau khi góp vốn vào công ty, các thành viên không còn quyền sở hữu tài sản đó nữa, mà tài sản đó đã được quy ra thành phần vốn góp của thành viên góp vớn trong doanh nghiệp. Do đó, việc chia tài sản chung của vợ chồng là phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên không phải là chia tài sản đã góp hoặc chia tài sản của công ty, mà là chia phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty đó.
Khi góp đủ tài sản đã cam kết vào công ty, thành viên góp vốn sẽ được công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên cấp cho một giấy xác nhận là đã góp đủ vốn và là cơ sở để thực hiện các quyền của thành viên của công ty trong phạm vi phần vốn góp được xác nhận theo quy định của pháp luật và điều lệ của công ty.
Tuy nhiên, việc chia tài sản chung của vợ chồng là phần vốn góp không phải là chia đôi giấy chứng nhận phần vốn góp về mặt vật lý. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản[3]. Theo đó, phần vốn góp có thể được xem là một quyền tài sản. Quyền tài sản này được biểu hiện cụ thể qua việc người nắm giữ phần vốn góp có quyền hưởng lợi nhuận từ kết quả kinh doanh của công ty, chuyển nhượng, tặng cho phần vốn góp cho người khác, trả nợ bằng phần vốn góp, v.v.. Do đó, việc chia tài sản chung là phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn có thể được chia theo một trong các phương án sau:
- Trên cơ sở bảo đảm lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp, cũng như đặc điểm tài sản không thể chia đôi được, Tòa án có thể chia phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên cho một bên vợ, chồng có lợi ích chính đáng trong sản xuất, kinh doanh, nghề nghiệp gắn liền với phần vốn góp và yêu cầu bên đó phải thanh toán cho bên vợ, chồng còn lại không có các lợi ích như trên giá trị tài sản chênh lệch[5]. Cần lưu ý rằng, giá trị phần vốn góp tại thời điểm được chia không phải căn cứ trên số vốn điều lệ của công ty, mà phải dựa trên giá trị tài sản trên sổ sách kế toán của công ty; và
- Cũng theo nguyên tắc nêu trên, đối với trường hợp vợ chồng đều có quan hệ sản xuất kinh doanh gắn liền với công ty, ví dụ như chồng là thành viên được công ty cấp giấy chứng nhận phần vốn góp, nhưng vợ là giám đốc công ty đứng tên là người đại diện theo pháp luật trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty, thì Tòa án có thể căn cứ Luật Doanh nghiệp để chia phần vốn góp bằng cách yêu cầu chồng tặng cho một phần vốn góp cho vợ để cả hai cùng trở thành thành viên của công ty.
Mặc dù cả hai phương án nêu trên đều được pháp luật công nhận nhưng nếu chỉ đơn thuần là phân chia giá trị tài sản, vợ chồng nên thỏa thuận lựa chọn phương án thứ nhất để quá trình thực hiện phân chia được nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Đối với việc phân chia tài sản của vợ chồng dù là trong thời kỳ hôn nhân hay sau khi ly hôn, nếu được xác lập bằng thỏa thuận của vợ chồng thì liệu công ty có chấp nhận trong việc thay đổi người sở hữu phần vốn góp hay không cũng là một vấn đề đáng được quan tâm. Luật Doanh nghiệp chỉ quy định việc chuyển quyền đối với phần vốn góp bằng hình thức tặng cho giữa vợ và chồng, trong trường hợp này thì người được tặng cho khi đang là vợ chồng sẽ đương nhiên trở thành thành viên góp vốn của công ty mà không cần chờ sự đồng ý của hội đồng thành viên[7]. Khi đó, hợp đồng tặng cho được xem là căn cứ pháp lý để công ty tiến hành thực hiện thủ tục thay đổi thành viên góp vốn. Dựa trên các quy định của pháp luật, việc thỏa thuận bằng văn bản về việc chia tài sản chung của vợ chồng không được xem là một trong các căn cứ pháp lý để công ty thực hiện việc chuyển quyền. Hơn nữa, khi chia tài sản chung sau ly hôn, quan hệ vợ chồng đã không còn nữa, hợp đồng tặng cho phần vốn góp phải được sự đồng ý của hội đồng thành viên của công ty. Giả sử, nếu hội đồng thành viên không chấp nhận việc tặng cho nêu trên, hiện chưa có quy định của pháp luật xử lý vấn đề này như thế nào. Tuy nhiên, theo quan điểm của các tác giả, có thể xem xét đến việc phân chia bằng bản án, quyết định của Tòa án để thực hiện việc chuyển quyền. Mặc dù Luật Doanh nghiệp chưa có quy định một cách trực tiếp nhưng dựa theo Điều 65 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, “Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành, người đề nghị đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc nội dung khác liên quan đến đăng ký doanh nghiệp theo quyết định của Tòa án”, đây có thể xem là một trong những căn cứ để có thể chuyển quyền sau khi phân chia tài sản chung của vợ chồng. Tức là sau khi vợ chồng tiến hành phân chia tài sản chung thông qua Tòa án hoặc bản án ly hôn có yêu cầu giải quyết tài sản thì có thể xem xét để làm căn cứ cho công ty xác lập lại quyền của thành viên góp vốn.
[1] Điều 4.21 Luật Doanh nghiệp 2014.
[3] Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015.
[5] Điều 59.2, 59.3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
[7] Điều 54.5 Luật Doanh nghiệp 2014.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.