Tại phần trả lời ở các câu hỏi khác có liên quan trong Quyển sách này, chúng ta đã tìm hiểu cách thức phân chia tài sản là phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn. Ở câu hỏi này, khi chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phần trong công ty cổ phần, chúng ta vẫn áp dụng các nguyên tắc tương tự như phân chia tài sản là phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (xem xét với tính chất của quyền tài sản: quyền biểu quyết, quyền hưởng cổ tức, quyền ưu tiên mua cổ phần, quyền chuyển nhượng, tặng cho, trả nợ bằng cổ phần, v.v.).
Cụ thể, trước tiên cần xác định đây là tài sản chung của vợ chồng nếu tài sản được hình thành, tạo lập hoặc vợ chồng có thỏa thuận tài sản này là tài sản chung bằng văn bản hợp lệ trong thời kỳ hôn nhân, mặc dù thông tin trên cổ phiếu theo Luật Doanh nghiệp chỉ cần có thông tin tên một người sở hữu. Việc phân chia tài sản trước hết sẽ ưu tiên sự tự nguyện thỏa thuận hợp pháp của vợ chồng.
Thứ hai, nếu vợ chồng không thể đạt được thỏa thuận, việc phân chia tài sản chung của vợ chồng sẽ căn cứ vào nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng theo luật định, có xét đến công sức đóng góp của mỗi bên như đã phân tích ở trên. Khối tài sản này sẽ được phân chia theo hướng chia cổ phần cho cả hai bên theo tỷ lệ được hưởng tương ứng hoặc chia cổ phần cho một bên và bên còn lại được đền bù bằng khoản tiền tương xứng từ bên có cổ phần.
Tuy nhiên, đối với cổ phần trong công ty cổ phần là một câu chuyện khác hơn vì đây là một hình thức tài sản đặc biệt có rất nhiều vấn đề pháp lý khi tác động đến cổ phần xem như ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi cổ đông, thậm chí ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp cũng như công ăn việc làm của nhiều người lao động. Điều tất yếu xảy ra trong một số trường hợp đó là sự xung đột giữa bản án, quyết định của Tòa án và quyền, lợi ích của các cổ đông trong công ty. Để hiểu rõ vấn đề trên chúng ta cùng phân tích một trường hợp cụ thể như sau:
Ví dụ: V nắm giữ 59% cổ phần trong công ty cổ phần X [1] , tài sản V dùng để góp vốn vào công ty cổ phần X là tài sản chung của V và vợ là T. Vợ chồng V và T quyết định ly hôn và phân chia tài sản. Cả hai đều có khả năng về trình độ chuyên môn trong quản lý điều hành nên cả hai đều đòi quyền nắm giữ cổ phần của công ty cổ phần X và sẽ đưa lại phần giá trị bằng tiền cho người còn lại. Vụ việc được Tòa án thụ lý giải quyết. Tòa tuyên V được nắm giữ toàn bộ 59% cổ phần tại công ty cổ phần X và đưa lại giá trị bằng tiền mặt cho T.
Đây là quyết định thường thấy trong các bản án về phân chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phần trong công ty cổ phần. Cụ thể, Tòa án sẽ giao quyền quyết định nắm giữ cổ phần cho một bên là vợ hoặc chồng là người đứng tên và thực tế tham gia điều hành hoạt động của công ty cổ phần và người này có trách nhiệm thanh toán khoản tiền tương đương với giá trị cổ phần mà bên còn lại được hưởng. Điều này cũng dựa trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo ra thu nhập[3].
Khi cân nhắc để đưa ra quyết định phân chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phần của công ty cổ phần trong các vụ án ly hôn, ngoài căn cứ theo Luật Hôn nhân và Gia đình, các Thẩm phán thường căn cứ vào các luật có liên quan chẳng hạn như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cũng như cân nhắc đến những ảnh hưởng bất lợi mà doanh nghiệp có thể gặp phải từ việc phân chia cổ phần do một cổ đông trong công ty ly hôn để đưa ra một bản án hợp tình, hợp lý nhất trong khuôn khổ luật định.
Trong quyết định của Tòa án tại ví dụ nêu trên, mặc dù Luật Doanh nghiệp trao quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình trong công ty cổ phần cho các cổ đông nhưng đa số các trường hợp trong thực tiễn khi xét xử, Tòa án sẽ gặp những ý kiến trái chiều từ các bên tranh chấp có liên quan đến những mong muốn đối lập của họ và Tòa án sẽ căn cứ trên sự lập luận, chứng minh của các bên cũng như các quy định của pháp luật và cân nhắc một cách công tâm để đưa ra quyết định hợp lý nhất. Ở ví dụ trên, những yếu tố được Tòa án cân nhắc trước khi ra quyết định phân chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phần trong công ty cổ phần có thể bao gồm: Quy tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, quyền và lợi ích của các cổ đông trong công ty cổ phần X có thể bị ảnh hưởng từ việc phân chia, sự phản đối của một trong hai bên về vấn đề định giá và các vấn đề khác có liên quan.
Có thể nói việc định giá đối với một doanh nghiệp mới thành lập hay một doanh nghiệp tuyên bố phá sản thì có thể khả thi nhưng đối với một doanh nghiệp đang vận hành và phát triển thì việc này rất khó khăn vì ngoài các tài sản, còn có các tài sản vô hình như thương hiệu, uy tín, thị phần. Nếu việc định giá của Tòa án không đúng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các đương sự ví dụ như việc định giá thấp hơn sẽ gây thiệt hại cho bên nhận được khoản tiền đền bù và ngược lại. Đối với một công ty cổ phần là nơi tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn người lao động, thì ngoài giá trị về vật chất doanh nghiệp tạo ra, còn có những giá trị đóng góp nhất định về mặt xã hội, việc quyết định cho một bên thực sự điều hành tốt để doanh nghiệp hoạt động như bình thường cũng là một quy định trong luật[5]. Hy vọng, qua những kiến thức thực tiễn về mặt xét xử sẽ giúp bạn đọc giải quyết được vấn đề ở trên cũng như hiểu được các nguyên tắc mà Tòa án sử dụng làm cơ sở có liên quan đến việc ra quyết định, bản án đối với các vụ án ly hôn mà tài sản chung của vợ chồng là cổ phần trong công ty cổ phần.
[1] Công ty cổ phần.
[3] Điều 7.4.(c) Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.
[5] Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.