Theo quy định của pháp luật, ngay sau khi bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì quan hệ hôn nhân giữa hai bên vợ chồng sẽ chấm dứt. Các quan hệ về tài sản chung của vợ chồng cũng thay đổi theo nội dung quyết định của Tòa án, bao gồm cả bất động sản là nhà mà hai bên đang chung sống.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực, nhà là nơi cư trú chung trước đó của vợ chồng được giao cho một bên vợ hoặc chồngvà bên vợ hoặc chồngđược nhận tiền lại gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở phù hợp để chuyển đến nên vẫn xin lưu cư trong chính căn nhà được giao cho bên kia trong một khoản thời gian nào đó. Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng như các luật khác được xây dựng, pháp điển hoá dựa trên sự hài hòa giữa các nguyên tắc quản lý Nhà nước và các yếu tố về đạo đức, văn hóa người Việt nên cũng có những quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện giúp cho người vợ hoặc chồng không có nơi cư trú sau ly hôn có thời gian sắp xếp tìm chỗ ở ổn định mới.
Cụ thể, tại Điều 63 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền lưu cư của vợ, chồng sau ly hôn, trong trường hợp nếu một trong hai bên vợ chồngcó khó khăn về chỗ ở, nghĩa là không có nhà thuộc sở hữu riêng, chưa tìm được chỗ ở phù hợp thì có quyền lưu cư trong căn nhà là nơi ở chung của vợ chồng được phân chia cho bên kia trong thời hạn 06 tháng. Hai bên có thể có những thỏa thuận khác về vấn đề này, trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận hoặc không đạt được thỏa thuận thì thời hạn để lưu cư được xác định căn cứ theo quy định trên. Khoảng thời gian 06 tháng này là thời gian hợp lý để tìm được chỗ ở thích hợp. Điều luật chỉ đặt ra trường hợp đối với tài sản là sởhữu riêng của vợ hoặc chồng mà không có bất cứ sự ràng buộc nào đối với nhà ở là tài sản chung của vợ chồng đã được chia sau khi ly hôn. Tuy nhiên, theo quan điểm của các tác giả, ở Điều 63 của Luật này được nêu ở trên, đối với trường hợp tài sản là tài sản chung của vợ chồng thì sau khi chia chúng cũng là tài sản riêng của một bên. Do đó có thể thấy, trong cả hai trường hợp đều cùng mang những điểm chung như sau: một là thời điểm phát sinh nhu cầu quyền được lưu cư là sau khi ly hôn, và hai là có cùng bản chất là tài sản riêng. Hơn nữa, pháp luật còn bảo vệ quyền lợi của người vợ hoặc chồng không là chủ sở hữu thì trong trường hợp này, người từng là chủ sở hữu chung đối với căn nhà vẫn được bảo vệ là hợp lý. Có thể hiểu đây là quyền nhân đạo, vợ chồng có thể đã hết tình nhưng còn lại nghĩa theo văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng không có hướng dẫn hay giải thích gì thêm đối với quyền lưu cư cũng như các chi phí phát sinh từ quyền này. Do đó, xuất phát từ tinh thần nhân đạo và tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, việc chi trả các chi phí sinh hoạt ví dụ như tiền điện, nước, vệ sinh sẽ do các bên vợ chồng tự thỏa thuận. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận và có phát sinh tranh chấp thì sẽ căn cứ vào các trường hợp điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc các luật có liên quan khác để giải quyết vụ việc.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.