Câu hỏi 82: Nếu tài sản chia là bất động sản đang được thế chấp vay vốn tại ngân hàng thương mại hay tổ chức tín dụng thì việc chia tài sản giữa vợ, chồng phải được thực hiện như thế nào?

Đối với tài sản là bất động sản đang được thế chấp vay vốn tại ngân hàng thương mại, khi yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng trong vụ án ly hôn, có 02 trường hợp cần xem xét sau đây:

Trường hợp 01: Vợ chồng đồng thuận việc thế chấp vay vốn tại ngân hàng thì việc chia tài sản khi ly hôn được thực hiện như sau:

Bất động sản này là tài sản chung của vợ chồng nên việc vợ chồng đồng thuận thế chấp bất động sản này cho ngân hàng đã phát sinh một nghĩa vụ chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân từ việc giao dịch thế chấp và vay tiền. Vì vậy, vợ chồng sẽ có trách nhiệm cùng nhau hoàn trả đầy đủ số tiền nợ vay từ ngân hàng cũng như các nghĩa vụ khác có liên quan từ việc thế chấp và vay tiền nêu trên. Trong quá trình ly hôn, vợ chồng có thể cùng thỏa thuận với ngân hàng thương mại về việc giải quyết khoản vay cũng như việc chuyển đổi quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan đến khoản vay. Trong trường hợp vợ chồng không thể đạt được sự đồng thuận và/hoặc ngân hàng thương mại không đồng ý đối với yêu cầu thỏa thuận của vợ chồng thì Tòa án sẽ giải quyết dựa trên nguyên tắc quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng với bên thứ ba. Cụ thể bất động sản trên vẫn là tài sản thế chấp để bảo đảm khoản vay với ngân hàng và không thể được phân chia cho đến khi vợ chồng hoàn tất nghĩa vụ đối với ngân hàng có liên quan đến khoản vay nói trên.

Trường hợp 02: Một trong hai người không hề hay biết việc thế chấp vay vốn tại ngân hàng.

Nếu khoản vay trên được sử dụng vì mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì theo Điều 37.2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, đây là nghĩa vụ chung và vợ chồng đều phải có trách nhiệm thực hiện việc thanh toán số nợ này.

Trong trường hợp khoản vay trên được người vợ hoặc chồng vay sử dụng không vì mục đích liên quan đến nhu cầu thiết yếu của gia đình hay tạo lập một tài sản riêng của vợ hoặc chồng trong thời kỳ hôn nhân hay nhằm mục đích phục vụ hành vi vi phạm pháp luật của vợ hoặc chồng – một bên đi vay thì đây trở thành nghĩa vụ riêng về tài sản của người đi vay và người này có nghĩa vụ thanh toán nợ cho ngân hàng.

Một điều cần lưu ý là phải xác định giao dịch thế chấp trong trường hợp này có được xem là giao dịch vô hiệu hay không. Trong trường hợp giao dịch thế chấp này bị vô hiệu thì vợ chồng phải thỏa thuận lại với người vay về việc giải chấp tài sản thế chấp trên để vợ chồng thực hiện việc chia tài sản khi ly hôn và thay thế bằng một tài sản thế chấp khác thuộc quyền sở hữu của người đi vay. Và vợ hoặc chồng đi vay trong trường hợp này phải chịu hoàn toàn nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng thương mại[1].

Trên thực tế đối với trường hợp này, rất khó xảy ra trường hợp một trong hai bên vợ hoặc chồng không hề hay biết việc bên còn lại thế chấp vay vốn tại ngân hàng. Bởi lẽ, đối với bất động sản là tài sản chung của vợ chồng thường sẽ đứng tên cả hai vợ chồng nên nếu bất động sản đó được thế chấp thì ngân hàng sẽ yêu cầu cả hai bên cùng xác nhận và ký đồng ý. Đặt ra tình huống bất động sản ví dụ như là quyền sử dụng đất, vợ chồng chỉ thỏa thuận cho một người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất, khi đó ngân hàng có thể yêu cầu vợ chồng cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn để xác định thời điểm sở hữu tài sản, nếu là tài sản riêng thì phải có văn bản thỏa thuận tài sản của vợ chồng. Như vậy, dù trong trường hợp nào thì bằng nghiệp vụ của ngân hàng sẽ rất dễ để liên hệ với vợ chồng còn lại để xác nhận giao dịch thế chấp.


[1] Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.