Câu hỏi 94: Trong vụ án ly hôn, thông tin từ tất cả các tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp cho Tòa án có được xem là thông tin mật không và nếu câu trả lời là có thì Tòa án phải có nghĩa vụ bảo mật các thông tin đó không? Nếu có và trong trường hợp có yêu cầu đòi Tòa án bồi thường thiệt hại nếu các thông tin mật đó bị rò rỉ ra bên ngoài bằng bất kỳ hình thức nào thì Tòa án có bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại không?

  1. Trong vụ án ly hôn, thông tin từ tất cả các tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp cho Tòa án có được xem là thông tin mật không và nếu câu trả lời là có thì Tòa án phải có nghĩa vụ bảo mật các thông tin đó không?

Hiện nay, chưa có bất kỳ quy định nào trong Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thông tin từ các tài liệu, chứng cứ do các bên trong vụ án ly hôn được cung cấp cho Tòa án được xem là thông tin mật. Đồng thời, thông qua các quy định khác của pháp luật, có thể thấy rằng về mặt nguyên tắc, những thông tin này không thể được xem là thông tin mật vì những lý do sau đây:

  • Chứng cứ do một bên cung cấp luôn được Tòa án công bố và công khai cho các bên còn lại[1], trừ những trường hợp không được phép công khai theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong quá trình tố tụng giữa các bên, Tòa án phải cho phép các đương sự được tiếp cận các tài liệu, chứng cứ mà các đương sự khác cung cấp cho Tòa án. Đó là lý do mà trong quá trình tố tụng luôn phải tiến hành “Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”[3]. Bên cạnh đó, ngoài các đương sự trong vụ án, những người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự cũng có quyền tiếp cận với những tài liệu, chứng cứ này. Ngoài ra, khi đương sự nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì quy định của pháp luật cũng bắt buộc họ đồng thời phải sao gửi các tài liệu, chứng cứ đó cho các đương sự khác hoặc người đại diện của các đương sự khác. Vì vậy, pháp luật sẽ không quy định thông tin từ các tài liệu, chứng cứ mà các đương sự nộp cho Tòa án là thông tin mật vì như vậy sẽ cản trở quyền được tiếp cận tài liệu, chứng cứ nói trên của các bên  có liên quan trong vụ án ly hôn;

  • Về mặt nguyên tắc, Tòa án phải xét xử công khai, trừ khi vụ án thuộc các trường hợp phải được xử kín. Do đó, những thông tin từ các tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp cho Tòa án cũng sẽ được công khai trong quá trình xét xử[5]. Thêm vào đó, trong quá trình xét xử công khai, người thân, bạn bè của đương sự hay bất kỳ ai cũng có quyền tham gia phiên tòa. Vì vậy, đối với những thông tin từ các tài liệu, chứng cứ mà các đương sự cung cấp cho Tòa án thì những người này đều có thể tiếp cận và biết khi chúng được sử dụng tại phiên tòa.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp mà pháp luật yêu cầu Tòa án phải bảo mật thông tin được các đương sự cung cấp vì tính chất của những thông tin, hay việc tiết lộ những thông tin đó có thể xâm phạm đến lợi ích công cộng hoặc lợi ích chính đáng của các đương sự. Vì vậy, pháp luật quy định cơ quan tiến hành tố tụng phải giữ bí mật các thông tin có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật công tác, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của các đương sự. Mặc dù vậy, đối với các thông tin có liên quan đến đương sự đã được giao nộp thì Tòa án vẫn chỉ không công khai khi đương sự đưa ra yêu cầu chính đáng, và phải thông báo cho các đương sự về những tài liệu, chứng cứ không được công khai[7]. Việc quyết định thông tin nào thuộc các đối tượng phải giữ bí mật, trừ những thông tin được quy định theo pháp luật bảo vệ bí mật Nhà nước, thuộc quyền quyết định của Tòa án thì hiện nay, chưa có những hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp này.

Tương tự như vậy, trong trường hợp đặc biệt mà cần giữ bí mật Nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nếu có yêu cầu chính đáng của đương sự[9]. Trong trường hợp này, chỉ những người được Tòa án triệu tập mới được phép tham gia phiên tòa. Ngoài ra, không ai khác được quyền tham gia, kể cả người thân, bạn bè, thậm chí cả các con chung. Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định cụ thể nào về trường hợp nào thì sẽ bắt buộc phải xử kín. Do đó, Tòa án có toàn quyền quyết định trong việc xét xử một vụ án ly hôn theo hình thức xử kín hay công khai.

2. Nếu có và trong trường hợp có yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu các thông tin mật đó bị rò rỉ ra bên ngoài bằng bất kỳ hình thức nào thì Tòa án có bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại không?

Nếu những thông tin mà đương sự cung cấp thuộc vào các trường hợp mà Tòa án có trách nhiệm phải giữ bí mật, và họ đã có yêu cầu chính đáng và được Tòa án chấp thuận như phân tích ở trên thì Tòa án phải giữ bí mật những thông tin đã cung cấp. Trong trường hợp Tòa án chấp thuận giữ bí mật thông tin, nhưng sau đó thông tin này lại bị rò rỉ ra bên ngoài dưới bất kỳ hình thức nào, thì Tòa án cũng đã có lỗi cố ý hoặc vô ý vi phạm quy định về bảo mật thông tin do đương sự cung cấp. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định về trách nhiệm bồi thường của Tòa án trong những trường hợp như vậy. Hiện nay, khi Tòa án gây thiệt hại đến đương sự hoặc những người khác trong quá trình làm việc của Tòa án thì Tòa án có thể phải bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Mặc dù vậy, Tòa án chỉ phải bồi thường trong hai trường hợp vi phạm sau đây: Một là, khi Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng với quy định của pháp luật gây thiệt hại cho đương sự, và hai là, Tòa án ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án. Hiện chưa có quy định nào về nghĩa vụ bồi thường của Tòa án trong trường hợp làm rò rỉ thông tin gây thiệt hại cho các bên.

Nếu xác định được các thông tin bị rò rỉ là do lỗi của người tiến hành tố tụng thì người bị thiệt hại có thể thực hiện việc khiếu nại sự việc đến Tòa án nơi vụ việc đang được giải quyết kèm theo đó là yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại (nếu có). Trong trường hợp này, mặc dù không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, nhưng đây là hành vi vi phạm tố tụng và xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nên người bị thiệt hại vẫn có thể khiếu nại theo Điều 499 Bộ luật Tố tụng dân sự. Cùng với đó, Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định về quyền được yêu cầu bồi thường đồng thời khôi phục lại quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm của người khiếu nại theo Điều 500 Bộ luật Tố tụng dân sự. Khi thực hiện việc khiếu nại, người khiếu nại cần xác định rõ đối tượng bị khiếu nại, người đã làm rò rỉ thông tin và nộp kèm theo những tài liệu, chứng cứ chứng minh lỗi vô ý hoặc cố ý của người đó trong việc làm lộ thông tin ra bên ngoài. Nghĩa vụ chứng minh thuộc về người có yêu cầu khiếu nại.


[1] Điều 109.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[3] Điều 208 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[5] Điều 15.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[7] Điều 109.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[9] Điều 15.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.