Quyền thu thập tài liệu, chứng cứ là một trong những quyền cơ bản của đương sự, bởi nếu không có quyền này, họ không thể chứng minh cho các yêu cầu của mình trong vụ án là hợp pháp. Vì vậy, Luật Tố tụng dân sự đã yêu cầu tất cả các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình khi đương sự có yêu cầu[1]. Đồng thời, nếu đương sự không tự mình thu thập được tài liệu, chứng cứ thì có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ.
Vì vậy, trong vụ án ly hôn, nguyên đơn là vợ hoặc chồng luôn có quyền tự mình yêu cầu bị đơn là vợ hoặc chồng cung cấp các chứng cứ có liên quan đến vụ án ly hôn mà bị đơn đang nắm giữ, quản lý và bị đơn có nghĩa vụ phải cung cấp. Trong trường hợp này, nguyên đơn phải làm văn bản yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ gửi cho bị đơn. Trong đơn phải nêu rõ những tài liệu, chứng cứ nào cần cung cấp; lý do cung cấp; họ, tên, địa chỉ của bị đơn. Bị đơn có nghĩa vụ phải cung cấp những tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn yêu cầu trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu[3]. Nếu không cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do, chẳng hạn như không nắm giữ chứng cứ hay chứng cứ có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật kinh doanh thuộc vào các trường hợp được quyền không cung cấp.
Tuy nhiên trên thực tế, sẽ rất khó để bị đơn chịu thực hiện yêu cầu của nguyên đơn vì việc cung cấp chứng cứ cho nguyên đơn thường gây bất lợi cho bị đơn trong vụ án. Chẳng hạn, nguyên đơn biết bị đơn đang sở hữu và đứng tên trên một căn nhà khác và yêu cầu bị đơn cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà để yêu cầu Tòa án đưa căn nhà vào tài sản chung của vợ chồng để chia khi ly hôn. Bị đơn không dễ gì cung cấp vì như thế sẽ tự làm thiệt hại đến chính bị đơn. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm trong trường hợp bị đơn không cung cấp chứng cứ cho nguyên đơn hiện chưa thật rõ ràng và nghiêm khắc, đủ răn đe để bị đơn phải thực hiện. Do đó, pháp luật đã quy định cho phép nguyên đơn đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu bị đơn cung cấp tài liệu, chứng cứ trong trường hợp nguyên đơn đã sử dụng các biện pháp cần thiết nhưng vẫn không thể tự mình thu thập. Điều kiện tiên quyết ở đây là nguyên đơn “đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được”. Ví dụ, nguyên đơn đã nhiều lần gửi văn bản (qua email hoặc bưu điện) yêu cầu bị đơn cung cấp nhưng bị đơn không hồi đáp. Nguyên đơn phải làm đơn yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ và nêu rõ lý do không thể tự thu thập trong đơn này. Nếu Tòa án xét thấy yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ thì Tòa án sẽ ra quyết định yêu cầu bị đơn cung cấp tài liệu, chứng cứ. Trong trường hợp này, bị đơn bắt buộc phải cung cấp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Nếu không cung cấp mà không có lý do chính đáng thì bị đơn có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự[5].
[1] Điều 70.6 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[3] Điều 106.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[5] Điều 106.3 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.