Câu hỏi 99: Trong quá trình thu thập chứng cứ trong vụ án ly hôn mà có các chứng cứ nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án đó có được quyền thu thập chứng cứ đó không? Nếu không được thì Tòa án phải làm gì để thu thập được chứng cứ?

Về thẩm quyền thu thập chứng cứ nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của Tòa án thụ lý vụ án ly hôn có thể rơi vào một trong hai trường hợp sau đây: (i) trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam nhưng không thuộc phạm vi lãnh thổ mà Tòa án có thẩm quyền giải quyết; và (ii) ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Trong trường hợp việc thu thập chứng cứ thuộc trường hợp (i), Tòa án phải thu thập chứng cứ ở địa phương khác có thể ra quyết định ủy thác để Tòa án khác có thẩm quyền ở địa phương thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ ví dụ như lấy lời khai của đương sự, người làm chứng, thẩm định tại chỗ, tiến hành thẩm định giá tài sản hoặc các biện pháp khác để thu thập chứng cứ, xác minh các tình tiết của vụ án ly hôn[1].

Trong trường hợp việc thu thập chứng cứ thuộc trường hợp (ii), Tòa án sẽ tiến hành thu thập chứng cứ thông qua các biện pháp sau: (a) theo các phương thức được quy định tại các điều ước, hiệp ước, công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, chẳng hạn như Công ước Lahay năm 1970; (b) theo đường ngoại giao đối với các đương sự cư trú ở quốc gia mà quốc gia đó và Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế, được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc “có đi có lại” trong quan hệ quốc tế; hoặc (c) theo đường dịch vụ bưu chính yêu cầu đương sự là công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài gửi giấy tờ, tài liệu, chứng cứ cho Tòa án Việt Nam. Cụ thể, Tòa án có thể thu thập chứng cứ bằng biện pháp ủy thác thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mà nước đó và Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này[3].

Cần lưu ý rằng, trong trường hợp Tòa án đã thực hiện việc ủy thác nhưng không nhận được kết quả trả lời của các cơ quan được ủy thác (đối với các Tòa án khác thì thời hạn thực hiện công việc được ủy thác là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định) hoặc không thực hiện được việc ủy thác thì Tòa án thụ lý và giải quyết vụ án trên cơ sở các chứng cứ đã thu thập được trong quá trình thu thập chứng cứ trong vụ án ly hôn[5].


[1] Điều 105.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[3] Điều 105.1, Điều 105.4, Điều 475 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[5] Điều 105.5 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.