Hợp âm ba trên các bậc I, IV, V của âm giai được gọi là các hợp âm ba chính vì các hợp âm này phản ánh tính chất của điệu thức. Trong điệu thức trưởng tự nhiên, các hợp âm này là những hợp âm ba trưởng, còn trong điệu thức thứ tự nhiên thì chúng là những hợp âm ba thứ. Hợp âm ba trên bậc I được gọi là hợp âm chủ vì nó có tính chất ổn định nhất, và là trung tâm của điệu thức. Tiếp đến, hợp âm ba trên bậc V được gọi là hợp âm át vì đây là hợp âm trực tiếp có xu hướng hướng về hợp âm chủ và phụ thuộc vào hợp âm chủ do nó có tính chất căng thẳng và không ổn định nhất. Sau cùng, hợp âm ba trên bậc IV được gọi là hợp âm hạ át, bị phụ thuộc vào hợp âm chủ thông qua hợp âm át vì hợp âm này có tính chất căng thẳng và sự không ổn định đã có phần giảm bớt. Cần chú ý, điệu thức thường dùng trong hoà âm cổ điển là trưởng tự nhiên và thứ hoà âm.
Hợp âm ba chính trong điệu thức trưởng được ký hiệu bằng chữ in hoa là T-S-D và trong điệu thức thứ hoà âm thì được ký hiệu bằng chữ thường cho t và s, riêng hợp âm át thì vẫn giữ ký hiệu là D in hoa (vì chúng vẫn là hợp âm 3 trưởng). Vòng hoà âm gồm hợp âm của cả ba chức năng nên trên được gọi là vòng hoà âm đầy đủ. Trong vòng hoà âm đầy đủ đó, có sự hút dẫn mạnh mẽ từ các hợp âm có chức năng không ổn định về hợp âm chủ, giúp củng cố vị trí và vai trò của hợp âm chủ: T-S-D-T.
Ngoài ra, cũng có những vòng hoà âm chỉ có hai chức năng như sau: T-S; T-D; S-D; S-T; D-T. Riêng hợp âm D sẽ không được nối tiếp sang hợp âm S, vì trái với quy luật hút dẫn trong điệu thức, hoặc sẽ gọi theo cách khác là đi ngược công năng. Tóm lại, sự chuyển động của các hợp âm sẽ rơi vào một trong các trường hợp sau đây của các hợp âm ba chính: T-S-D: T-S, T-D, T-S-D-T, T-S-T-D-T, S-T, S-T-D-T, S-D, S-D-T, D-T, D-T-S-D-T, D-S-D-T….
Ví dụ, trong âm giai Đô trưởng (C), công thức T-S-D của 3 bậc gốc I, IV, V theo thứ tự là C, F và G. Ngoài ba bậc gốc I, IV, V nêu trên thì còn có các bậc phụ là bà con, họ hàng của các bậc gốc và nằm cách bậc gốc một quãng ba trước và sau của bậc gốc. Theo đó, bậc I là C có hai bậc phụ ở bậc III là E (phía trước) và bậc VI (phía sau) là A. Bậc IV là F có hai bậc phụ là bậc IV là A (phía trước) và bậc II là D (phía sau). Bậc V là G có hai bậc phụ ở bậc VII là B (phía trước) và bậc III là E (phía sau). Như vậy, các hợp âm gốc và các hợp âm bà con, họ hàng của âm giai Đô trưởng sẽ gồm: C, F, G, Am, Dm, Em, Bdim, Bm7-5, Bdim7, Am7, Dm7, Em7, C7, E7, G7, Gsub2, Gsub4, G7sus2, G7sus4, G7b9, Ab, Fm, Ddim, Bb, Gm, Edim, Cadd9, CM7, FM7, G+5, Gm-5, C6 (xin tham khảo thêm phần tìm các hợp âm bà con, họ hàng) sẽ được phân loại vào công năng T-S-D như sau:
- Các hợp âm nằm ở bậc I có chức năng T bao gồm: C, C7, Cadd9, CM7, C6 (vì chúng cùng nằm trên bậc I). Ngoài ra, các hợp âm sau đây: Em, E7, Am, Am7, Gsub4, G7sus4, FM7 cũng có chức năng T vì trong các hợp âm này có chứa các nốt Đô và Mi mà Đô và Mi lại có trong hợp âm gốc C (Đô, Mi, Sol). Bên cạnh đó, hợp âm Edim dù không có chứa các nốt Đô và Sol nhưng lại nằm ở bậc III của âm giai Đô Trưởng nên chúng cũng được xếp vào loại hợp âm họ hàng của hợp âm C có chức năng T. Thêm vào đó, dù không có chứa các nốt La và Mi nhưng hợp âm Ab lại nằm ở bậc VI của âm giai Đô Trưởng nên cũng được xếp vào loại hợp âm họ hàng của hợp âm C có chức năng T.
- Các hợp âm nằm ở bậc IV có chức năng S gồm: F, FM7, Fm vì chúng cùng nằm trên bậc IV. Ngoài ra, các hợp âm sau đây: Dm, D7, Am, Am7, Bdim, Bm7-5, G7sus2, G7sus4 cũng có chức năng S vì trong các hợp âm này có các nốt Fa và La mà Fa và La lại có trong hợp âm gốc F (Fa, La, Đô). Không dừng lại ở đó, dù không có chứa các nốt La, Đô, Mi nhưng hợp âm Ab lại nằm ở bậc VI của âm giai Đô Trưởng nên nó cũng được xếp vào loại hợp âm họ hàng của hợp âm F và có chức năng S. Hơn thế nữa, Dù không có chứa nốt La, nhưng hợp âm Ddim lại nằm ở bậc II của âm giai Đô Trưởng nên nó cũng được xếp vào loại hợp âm họ hàng của hợp âm F và có chức năng S.
- Các hợp âm nằm ở bậc V có chức năng D gồm: G, G7, G+5, Gsub2, Gm, Gm-5 vì cùng nằm trên bậc V. Ngoài ra, các hợp âm sau đây: E7, G+5, CM7 cũng có chức năng D vì trong các hợp âm này có các nốt Sol và Si mà Sol và Si lại có trong hợp âm gốc G (Sol, Si, Rê). Hơn thế nữa, dù không có chứa nốt La nhưng hợp âm Bb lại nằm ở bậc VII của âm giai Đô Trưởng nên nó cũng được xếp vào loại hợp âm họ hàng của hợp âm G và có chức năng D.
Như vậy, để thay đổi màu sắc cho hợp âm, bạn sẽ thay thế các hợp âm trong công thức T-S-D gốc bằng các hợp âm khác có trong âm giai và là các hợp âm bà con, họ hàng, cháu chắt có tính chất của công năng T-S-D. Ví dụ, hợp âm C sẽ thay thế bằng hợp âm Am hoặc Em, hợp âm G sẽ thay thế bằng hợp âm Em hoặc Bdim. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số vấn đề sau đây: – Thứ nhất, ở một đến hai ô nhịp đầu của bản nhạc, bạn nên ưu tiên sử dụng các hợp âm có trong công thức T-S-D gốc để làm rõ ràng (ton) giọng của điệu thức, và chỉ khi đến các ô nhịp tiếp theo thì tùy tình huống mà bạn sẽ cân nhắc thay thế các hợp âm có trong công thức T-S-D gốc bằng các hợp âm có tính chất công năng T-S-D như trên. Thứ hai, khi dịch chuyển hợp âm, nếu nốt giai điệu bị trùng vào phách mạnh của nốt gốc hợp âm đang di chuyển tới thì bạn nên tìm cách tránh đi, nếu để lặp lại như vậy hoài tức là bị trùng âm thì sẽ không có hòa âm tại vị trí trùng âm đó. Thứ ba, khi mở đầu bản nhạc, kết thúc đoạn hay kết thúc bản nhạc, bạn nên ưu tiên trở về các hợp âm của công thức T-S-D gốc mà không quan trọng việc nốt giai điệu có trùng với nốt gốc của hợp âm hay không vì ở những vị trí đó, việc hút về nốt của hợp âm gốc sẽ quan trọng hơn việc bị trùng âm. Thứ tư, nếu nốt giai điệu rơi vào nốt thứ 3 của hợp âm chính đang chơi thì khi muốn chuyển đổi hợp âm bạn đều có thể dùng một trong hai hợp âm có cùng tính chất T-S-D vì nốt giai điệu chắc chắn sẽ có trong các nốt của hai hợp âm có cùng tính chất T-S-D đó nhưng nếu nốt giai điệu lại rơi vào nốt 1 hoặc nốt 5 của hợp âm chính đang chơi thì khi muốn đổi sang hợp âm có cùng tính chất T-S-D thì bạn cần chú ý rằng các nốt của hợp âm đổi sang phải có nốt giai điệu trong đó. Ví dụ, khi bạn đang đệm tay trái với hợp âm chính là C thì nốt giai điệu tay phải lại rơi vào nốt Mi và vào lúc này bạn sẽ đổi qua hợp âm có cùng tính chất T-S-D là Em hoặc Am đều được vì cả hai đều có chứa nốt Mi. Tuy nhiên, nếu nốt giai điệu lại rơi vào nốt Sol thì bạn chỉ có thể đổi qua hợp âm Em vì trong hợp âm Em có nốt 3 là nốt Sol nhưng lại không thể đổi qua hợp âm Am vì hợp âm Am không có nốt Sol trừ khi bạn chuyển qua Am7 (có nốt Sol) để về Dm.
Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.