(Ngô Thị Ngọc & Hoàng Minh Khánh & Luật sư Nguyễn Hữu Phước)
Sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề và kéo dài của đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế đang là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ và doanh nghiệp (“DN”). Song song với chính sách hỗ trợ người dân và NLĐ (“NLĐ”) gặp khó khăn, chính sách dành cho DN cũng được Chính phủ lưu tâm ban hành. Một trong các chính sách hiện được DN quan tâm là chính sách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (“NHCSXH”) để hỗ trợ DN: (i) trả lương ngừng việc cho NLĐ; và (ii) phục hồi sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Bên cạnh các văn bản pháp luật được quy định rõ ràng và cụ thể, khoảng cách từ chính sách đến thực thi vẫn còn khá lớn khi nhiều DN chưa tiếp cận được gói hỗ trợ hoặc gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính, khiến cho chính sách hỗ trợ chưa thật sự hỗ trợ DN giải quyết được các khó khăn trước mắt.
Chính sách hỗ trợ cho DN vay vốn theo Nghị quyết 68/NQ-CP
Khi DN muốn vay vốn để trả lương ngừng việc cho NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội (“BHXH”) bắt buộc mà phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo Điều 99.3 Bộ luật lao động từ ngày 01/05/2021 đến ngày 31/3/2022, DN sẽ được cho vay với lãi suất 0% mà không cần biện pháp bảo đảm, thời hạn vay dưới 12 tháng với mức vay tối đa bằng với mức lương tối thiểu vùng đối với số NLĐ theo thời gian trả lương ngừng việc tối đa là 03 tháng.
Nếu muốn vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh hậu đại dịch Covid-19, DN sẽ được cho vay với lãi suất 0% mà không cần biện pháp bảo đảm khi đáp ứng các điều kiện sau từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/3/2022: (i) phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước để phòng, chống đại dịch Covid-19; (ii) có trụ sở trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg; hoặc (iii) hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thời hạn cho vay dưới 12 tháng với mức vay tối đa bằng với mức lương tối thiểu vùng đối với số NLĐ làm việc theo HĐLĐ và đang tham gia BHXH bắt buộc theo thời gian trả lương thực tế tối đa 03 tháng.
Khi đến kỳ hạn trả nợ, nếu DN không trả được nợ hoặc vi phạm hợp đồng tín dụng đã ký thì NHCSXH sẽ chuyển toàn bộ dư nợ còn lại của khoản vay sang nợ quá hạn và áp dụng lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm. Sau 03 năm kể từ ngày bị chuyển sang nợ quá hạn, sau khi NHCSXH đã áp dụng mọi biện pháp mà vẫn không thu hồi được nợ và DN không còn khả năng trả nợ thì NHCSXH lập hồ sơ xử lý rủi ro và báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Có thể thấy rằng, các quy định từ chính sách như trên đã thể hiện sự hỗ trợ, ưu đãi cho DN trong tình hình hiện nay, bởi vì tài chính và dòng tiền đang là nhu cầu cấp bách của DN. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 468.1, Bộ luật Dân sự 2015 thì lãi suất vay tối đa đối với hợp đồng vay là không quá 20%/năm. Do đó, với chính sách vay vốn như trên, DN có thể tận dụng nguồn hỗ trợ tài chính đồng thời có thể yên tâm hơn trong việc cân đối tài chính để dành một khoản tiền cho việc trả nợ vay.
Từ chính sách đến thực thi – các bất cập
Mặc dù các quy định dường như đã rõ ràng và đầy đủ như vậy nhưng trên thực tế khi DN bắt tay vào thực hiện thì lại vấp phải nhiều khó khăn.
Về mặt hồ sơ, theo quy định, một bộ hồ sơ hoàn chỉnh để DN có thể vay vốn sẽ bao gồm:
- Giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu pháp luật quy định tùy vào nhu cầu vay);
- Danh sách NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký DN/hộ kinh doanh; Quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có); Giấy phép kinh doanh/Giấy phép hoạt động/Chứng chỉ hành nghề (đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc pháp luật có quy định); Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư (đối với DN được nhà đầu tư nước ngoài thành lập);
- Giấy ủy quyền (nếu có);
- Bản sao văn bản về việc DN phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 (đối với vay vốn trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh);
- Phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh (đối với vay vốn trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh); và
- Bản sao thông báo quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020 đối với DN (Đối với DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
Ngoài các hồ sơ trên, hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể các hồ sơ này sẽ được thực hiện thế nào. Vậy nên, để hoàn thiện hồ sơ, DN vẫn cần hướng dẫn từ cơ quan chuyên trách xử lý hồ sơ. Và thực tế, trong nhiều trường hợp, DN vấp phải khó khăn ở khâu này.
Đầu tiên là sự không thống nhất quan điểm thực hiện thủ tục giữa các địa phương với nhau và giữa các bộ phận chuyên trách tại các cơ quan khi tư vấn thủ tục cho DN. Điển hình ở khâu thực hiện hồ sơ xác nhận: “DN phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022”, một số DN khi thực hiện thủ tục này ở các Ngân hàng CSXH tại các địa phương khác nhau sẽ có yêu cầu về hồ sơ vay khác nhau. Có nơi thì không yêu cầu hồ sơ vì cho rằng chỉ cần DN có trụ sở tại Tỉnh/Thành phố nơi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng là đã đáp ứng yêu cầu, có nơi thì lại yêu cầu DN phải cung cấp các thông báo hoặc quyết định từ cơ quan địa phương nơi DN có trụ sở đăng ký về việc địa phương đó bị phong tỏa, hoặc có nơi lại còn yêu cầu DN phải xin giấy xác nhận đích danh DN tạm dừng hoạt động vì lý do giãn cách xã hội từ cơ quan chính quyền địa phương, và thực tế các cơ quan chính quyền địa phương từ chối xác nhận vì cho rằng họ không có thẩm quyền để thực hiện việc này.
Cũng có trường hợp, có sự mâu thuẫn về cách hiểu và phương án thực hiện thủ tục lại phát sinh trong cùng một cơ quan tiếp nhận hồ sơ, khi chuyên viên tiếp nhận yêu cầu DN chuẩn bị theo một kiểu, nhưng trưởng phòng phụ trách lại yêu cầu theo một kiểu khác khi xét duyệt. Từ đó, dẫn đến sự hoang mang cho DN trong quá trình thực hiện, buộc họ phải kiểm tra nhiều nguồn khác nhau, hoặc đi lại nhiều nơi để xin xác nhận không cần thiết. Điều này cho thấy sự chồng chéo, không thống nhất trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tạo khó khăn cho DN khi chuẩn bị hồ sơ. Dù rằng, các văn bản hướng dẫn khác cũng quy định phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, đôn đốc quy trình thực hiện, cụ thể Công văn 2157/BHXH-TST quy định: “Tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng; không để hồ sơ quá hạn, trường hợp hồ sơ còn thiếu, có sai sót cần kịp thời hướng dẫn, không để tình trạng hồ sơ chuyển đi, chuyển lại nhiều lần”
Thứ hai, DN hiểu sai về hồ sơ vay hoặc hoang mang không biết thực hiện thế nào cho đúng, ví dụ như giấy ủy quyền không được hiểu theo nghĩa là người đại diện theo pháp luật của DN ủy quyền cho nhân viên đi làm thủ tục vay, mà được hiểu là: (i) giấy ủy quyền của giám đốc trụ sở chính ủy quyền cho Giám đốc chi nhánh nếu DN có chi nhánh ở nhiều nơi; hoặc (ii) Nghị quyết của hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên; hoặc (iii) nghị quyết của hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần về việc thống nhất phương án vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh và người thực hiện thủ tục vay vốn cho DN.
Với hồ sơ liên quan đến phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, cũng không có hướng dẫn cụ thể DN phải lên phương án thực hiện theo từng tháng đối với từng khoản vay với mục đích thuyết phục NHCSXH về khả năng thanh toán khoản vay hay là phương án dài hạn cho kế hoạch phục hồi lâu dài của DN. Nếu áp dụng “vay tháng nào, thực hiện tháng đó” như hướng dẫn hiện nay, vậy thì phương án phục hồi sản xuất kinh doanh có phải thay đổi theo từng tháng không. Rõ ràng, thủ tục này có phần máy móc, chưa linh hoạt vì việc phục hồi sản xuất kinh doanh không thể thực hiện một cách chụp giật trong ngắn hạn được.
Ngoài khó khăn về hồ sơ vay, quá trình thực hiện thủ tục cũng gặp nhiều rào cản khác, xuất phát từ quy trình và thủ tục cho vay. Cụ thể, bước đầu DN phải đề nghị cơ quan BHXH địa phương xác nhận danh sách NLĐ đang tham gia BHXH. Theo quy định, trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách, cơ quan BHXH phải xác nhận việc tham gia BHXH của NLĐ, làm căn cứ để NHCSXH cho vay. Sau khi danh sách NLĐ được xác nhận, DN gửi hồ sơ đề nghị vay đến NHCSXH nơi DN có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú đối với hộ kinh doanh, cá nhân. Trong vòng 04 ngày làm việc, NHCSXH sẽ đồng ý phê duyệt cho vay. Nếu từ chối, NHCSXH phải thông báo đến DN. Hợp đồng tín dụng sẽ được ký ngay sau đó, NHCSXH sẽ giải ngân cho DN trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận tái cấp vốn. Thủ tục này có thể thực hiện bằng 02 cách: (i) là nộp trực tuyến tại trang web Cổng dịch vụ công quốc gia: https://ncovi.dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-ncovid-chi-tiet-ho-tro-nguoi-su-dung-lao-dong-vay-von-de-tra-luong.html; hoặc (ii) là nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH và NHCSXH nơi DN có trụ sở.
Quy trình và thời hạn thực hiện được quy định là vậy nhưng khi thực hiện, DN gặp nhiều gian nan. Hiện nay, song song với các chính sách hỗ trợ dành cho DN, các chính sách hỗ trợ dành cho NLĐ cũng đồng thời được ban hành và thực thi. Vì vậy, các vấn đề liên quan đến chế độ cho NLĐ hiện là chủ đề nóng, dẫn đến việc các cơ quan quản lý lao động địa phương luôn bị quá tải khi giải quyết hồ sơ, điển hình là cơ quan BHXH. Xuất phát từ chức năng – nhiệm vụ chính của họ là giải quyết chế độ, quyền lợi của NLĐ, cho nên khi tiếp nhận và xử lý nhiều loại đề xuất cùng một lúc, họ thường ưu tiên giải quyết các hồ sơ liên quan đến chính sách hỗ trợ cho NLĐ trước, đồng nghĩa với việc DN có thể bị từ chối hoặc phải chờ đợi mới có thể nhận được xác nhận từ họ cho danh sách NLĐ. Ngoài lý do quá tải, nguồn nhân lực tại các cơ quan hành chính Nhà nước hiện cũng là vấn đề nan giải, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường vô hình chung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các hoạt động đời sống và công việc. Mặc dù rằng, Nhà nước cũng đã định hướng phát triển chuyển đổi số của ngành theo Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng hay cụ thể hơn là Kế hoạch 2402/KH-BHXH 2021 với mục tiêu đơn giản hóa hồ sơ, số hóa thủ tục để triển khai nhanh chóng và chính xác hơn. Và thực tế cần ghi nhận là các thủ tục hành chính đang dần có sự chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến. Tuy nhiên, đâu đó các tiện ích số vẫn còn dừng lại ở thủ tục nộp hồ sơ và tiếp nhận, còn quá trình hoàn thiện hồ sơ để nộp và bảo đảm được các cơ quan phụ trách tiếp nhận và xét duyệt vẫn còn bất cập và việc thực hiện quá trình này khiến DN mất dần lòng tin về tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ và không còn mặn mà lắm. Để chuyển đổi số thực sự có hiệu quả, cần có một thời gian áp dụng và điều chỉnh cũng như đào tạo đội ngũ chuyên viên thích ứng nhanh và linh hoạt hơn.
Trước đây, theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg hướng dẫn Nghị định 68/NQ-CP thì DN còn phải đảm bảo không có nợ xấu. Quy định này làm cản trở cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh đối với DN đang gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xảy ra khó lường. Sau 04 đợt dịch trong 02 năm trở lại đây, việc DN bị ảnh hưởng và có nợ xấu để gồng gánh vượt qua, trụ vững là chuyện có thể hiểu được. Đến nay, hầu hết các DN đều gặp khó khăn như nhau cho nên cần được Chính phủ tạo điều kiện để vượt qua giai đoạn thách thức này. Sau nhiều ý kiến trái chiều, Nghị quyết 126/NQ-CP đã tiếp thu và lược bỏ điều kiện DN không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Cuối cùng, toàn bộ thủ tục và hồ sơ vay sẽ được thực hiện theo hướng “Vay tháng nào, thực hiện tháng đó”, nghĩa là không có sự giản lược ở khâu xét duyệt thủ tục cho từng tháng tiếp theo dù là hồ sơ vay không có nhiều thay đổi. Với các thủ tục cồng kềnh và khó khăn như trên nhưng chính sách lại buộc DN thực hiện hồ sơ trước ngày 25/3/2022, trong khi DN mới mở cửa hoạt động trở lại từ tháng 10/2021 và DN chỉ được vay tối đa 03 tháng, dường như chính sách hỗ trợ đã đặt ra thêm thử thách cho DN khi trầy trật xoay xở nguồn tài chính phục hồi sản xuất kinh doanh.
Kiến nghị
Tình trạng giãn cách xã hội kéo dài dẫn đến tình hình tài chính của DN nói chung, và DN trong ngành dịch vụ nói riêng bị tổn thất nặng nề. Bài toán dòng tiền đã đặt DN vào sự khó khăn khi “gồng gánh” chi phí để duy trì hoạt động tối thiểu trong giai đoạn giãn cách cho đến nay như trả lương cho NLĐ, chi phí vận hành (thuê mặt bằng, nhà xưởng)… Ngay cả khi giãn cách xã hội kết thúc, hoạt động kinh tế phục hồi dầ, DN được phép hoạt động trở lại thì hoạt động của DN cũng chưa thể ổn định ngay mà cần một khoảng thời gian hợp lý để phục hồi và thích nghi với giai đoạn “bình thường mới”. Các khó khăn vẫn tiếp tục thách thức DN trong chặng đường tiếp theo khi phải giải quyết các vấn đề mới khác chẳng hạn như gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí đầu vào và chi phí vận chuyển tăng, thiếu hụt nguyên vật liệu, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ trong khi lực cầu từ thị trường giảm do người dân “thắt lưng buộc bụng”, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn khi các địa phương vẫn chưa cho giao thông thông thoáng. Do đó, DN phải gánh thêm các khoản chi phí mới liên quan đến phòng, chống dịch, chi phí lưu kho bãi hàng hóa …Ngoài ra, Quý 4 năm 2021, giai đoạn mà DN bắt đầu phục hồi hoạt động sau tổn thất từ các đợt giãn cách xã hội kéo dài, cũng là thời điểm đặt ra cho DN bài toán nan giải về lương, thưởng để giữ chân NLĐ chuẩn bị cho sự đột phá tăng trưởng trở lại vào năm 2022. Có thể thấy rằng, có rất nhiều bài toán về tài chính và dòng tiền đang bủa vây và đặt nặng lên vai DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ đã và đang gồng gánh gần như kiệt sức sau 04 tháng giãn cách, quá nhiều chi phí cố định phải chi nhưng nguồn thu gần như bằng không.
Thực tế, khi DN vẫy vùng chống chọi kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ nhất, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ không phải là phương án duy nhất mà DN mong chờ. Dù rằng, các chính sách hỗ trợ dòng tiền cho DN đã được Chính phủ ban hành kịp thời. Nguyên nhân xuất phát từ thực tế khi triển khai DN đã gặp nhiều rào cản, thủ tục hành chính khó khăn đi kèm với nhiều yêu cầu rườm rà, phức tạp dẫn đến việc thực hiện chậm trễ. Thời gian thực hiện càng lâu, sức chịu đựng của DN sẽ dần bị suy yếu, vì như đã nêu ở trên, DN vẫn phải bơm tiền kịp thời để tiếp tục vận hành dù ở năng lực tối thiểu. Việc DN buộc rời khỏi thị trường là điều sớm muộn vì thời điểm DN “cần được cứu” đã qua. Mục tiêu tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN không đạt được, gánh nặng lại quay trở lại đặt lên vai Chính phủ là điều tất yếu. Vì vậy, để DN có thể củng cố niềm tin và tiếp cận được chính sách hỗ trợ, tiếp tục sát cánh cùng Chính phủ trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 chưa có hồi kết, các cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá lại tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ; thủ tục hành chính cũng cần đơn giản hơn sao cho các chính sách đã ban hành có thể nhanh chóng đi vào thực tiễn và kịp thời.
Bài viết trên được soạn thảo dựa vào những kiến thức chuyên môn pháp luật cũng như kinh nghiệm 25 năm hành nghề luật sư của tôi. Nếu bạn thấy bài viết trên là hữu ích cho bạn, xin ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào webiste của Công ty luật Phuoc & Partners www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công trong công việc của mình. Thân ái.