10 lý do tại sao bạn nên chọn nghề luật sư

Chào mừng bạn đã quay trở lại với chuyên mục quản trị công ty luật của tôi sau khi bạn có thể đã đọc qua những chủ đề thú vị khác trong quyển sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi. Xin mời bạn tiếp tục tham khảo một chủ đề khác cũng rất thú vị của quyển sách này nhé.

……………………

Nhìn chung, luật sư được xem là một trong những nghề bị áp lực công việc đè nặng, đòi hỏi đối mặt với rất nhiều thách thức. Thời gian đào tạo và huấn luyện kỹ năng nghề thường kéo dài khá lâu, ít nhất cũng gần hai năm, trong khi chi phí cho việc học tập và huấn luyện nghề cũng được cho là cao hơn nhiều so với các ngành nghề khác. Thời gian làm việc hàng ngày của luật sư cũng thường dài hơn quy định của pháp luật và lại không ổn định, dễ dàng bị các bệnh nghề nghiệp tấn công.

Tuy nhiên, nghề luật sư cũng có những ưu điểm đặc biệt mà nhiều ngành nghề khác không thể nào sánh được. Điều này đã khiến hàng vạn người đăng ký dự thi đại học với chuyên ngành luật hằng năm và hàng ngàn sinh viên luật đã chọn luật sư là nghề nghiệp trọn đời của họ sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật.

Bây giờ chúng ta hãy thử tìm hiểu xem liệu nghề này có điều thú vị gì mà làm cho nhiều người quan tâm như vậy.

1.3.1. Mức thu nhập cao và ổn định

Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, các nghề nghiệp đòi hỏi người làm những nghề nghiệp đó phải có kiến thức chuyên môn riêng biệt, chẳng hạn như bác sĩ, kiến trúc sư, kiểm toán viên và luật sư, nhìn chung, đều có thu nhập bình quân cao hơn so với những ngành khác. Bên cạnh đó, xã hội luôn cần đến những người làm các nghề nghiệp chuyên môn như luật sư trong khi số lượng luật sư trong cộng đồng hiện lại không nhiều, vì vậy, đa phần những người làm nghề luật sư đều có thu nhập khá cao và ổn định.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng không phải ai hành nghề luật sư cũng đều có thu nhập cao. Mức thu nhập cao hay thấp sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau ví dụ như mức độ uy tín, danh tiếng, thâm niên, lĩnh vực chuyên môn, trình độ học vấn, kỹ năng nghề, may mắn, cố gắng phấn đấu và nhiều yếu tố khác nữa. Do đó, có những luật sư có thu nhập rất cao nhưng cũng có những luật sư lại phải làm thêm các công việc trái nghề khác để mưu sinh hoặc thậm chí phải bỏ nghề chuyển sang làm các nghề nghiệp khác.

1.3.2. Được sự kính trọng của mọi người

Vì là người được đào tạo về pháp luật bài bản và chuyên sâu trong thời gian dài cũng như sở hữu một khối lượng kiến thức pháp luật đồ sộ, người làm nghề luật sư nói chung được cho là có uy tín cao trong xã hội và đại diện cho công lý. Với đầu óc thông thái và uyên bác, luật sư luôn được kính nể, và là một nghề chuyên môn được mọi người tôn trọng. Vì thế, người làm nghề luật sư thường được gia đình, bạn bè và cộng đồng đón nhận và trân trọng.

1.3.3. Cơ hội giúp đỡ người khác

Nghề luật sư được ví von như nghề của bác sĩ, với nhiệm vụ chính là giúp đỡ người khác. Vì vậy, người làm luật sư có trách nhiệm và trách nhiệm giúp đở cá nhân và tổ chức giải quyết những vấn đề pháp lý khó khăn trong hoạt động kinh doanh và cuộc sống hàng ngày của họ. Bên cạnh đó, luật sư cũng có thể tư vấn pháp lý miễn phí để giúp đỡ những cá nhân gặp hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là khi họ không có khả năng tài chính thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Ngoài ra, luật sư cũng có thể giúp đỡ những người được cho là yếu thế trong xã hội, ví dụ như phụ nữ mang thai, người lao động cao tuổi, bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ, bảo vệ công lý, lẽ phải và công bằng trong xã hội.

1.3.4. Cơ hội tranh tụng và tranh luận

Có một số người hành nghề luật sư độc lập, nhưng chỉ đảm nhận vai trò tư vấn, không tham gia tranh tụng cho khách hàng. Do đó, họ chưa bao giờ có kinh nghiệm tranh tụng hay tranh luận tại phòng xử án hay phiên trọng tài cho bất kỳ vụ việc nào của khách hàng trong suốt thời gian làm luật sư. Hoặc nếu họ có tham gia, thì đó cũng chỉ một vài vụ việc nho nhỏ ở những nơi này. Thường thì, họ chỉ tham gia trao đổi và thảo luận các vấn đề pháp lý với khách hàng, cơ quan Nhà nước và các bên thứ ba bên ngoài các cơ quan tài phán.

Tuy nhiên, cũng có không ít người lại muốn trở thành luật sư tranh tụng. Hầu như lúc nào họ cũng có mặt tại phòng xử án hay phiên trọng tài để tranh tụng hoặc tranh luận về một vụ việc pháp lý nào đó cho các khách hàng của họ. Nếu bạn thích thách thức và đối đầu với những luật sư đồng nghiệp khác để tranh tụng và tranh luận các lý thuyết pháp lý, các luận điểm pháp lý để chứng minh cho những cáo buộc của bạn là đúng hoặc phản bác lại các cáo buộc của các luật sư của bên đối nghịch với khách hàng của bạn, trở thành luật sư tranh tụng sẽ cho bạn rất nhiều cơ hội tranh tụng và tranh luận tại các phòng xử án hay phiên trọng tài về các lý thuyết pháp lý cũng như những cách hiểu biết khác nhau về pháp luật.Top of FormBottom of Form

1.3.5. Học, học nữa và học mãi

Mặc dù nghề luật sư đòi hỏi bạn phải dành tới 6,5 năm để theo đuổi việc học hành, bao gồm 4 năm học đại học chuyên ngành luật, tối thiểu 2,5 năm học kỹ năng nghề ở Học viện tư pháp, thực tập nghề tại các tổ chức hành nghề luật sư và thi đậu kỳ thi đầu ra tập sự để được cấp chứng chỉ hành nghề và thẻ hành nghề luật sư để hành nghề, việc học của bạn sẽ không dừng lại ở đó, bởi vì đó chỉ là hành trang tối thiểu để bắt đầu bước vào nghề này.

Như bạn đã biết, ngành luật có rất nhiều lĩnh vực chung ví dụ như pháp luật về hình sự, pháp luật về dân sự, pháp luật về kinh tế. Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực pháp luật chung đó, ch1ng lại phân nhánh thành các nhánh luật nhỏ nữa, ví dụ như trong lĩnh vực pháp luật về dân sự thì có luật ngách là luật hôn nhân và gia đình, luật đất đai, luật thừa kế v.v… Do đó, nếu muốn trở thành chuyên gia hàng đầu ở một lĩnh vực pháp luật ngách nào đó, bạn cần phải học thêm lý thuyết chuyên sâu của lĩnh vực pháp luật ngách đó. Và vì vậy, bạn cần theo học cao học luật trong lĩnh vực pháp luật ngách mà bạn yêu thích, với thời gian tối thiểu là 1,5 năm. Ngoài ra, nếu muốn nghiên cứu rất chuyên sâu ở một chủ đề nào đó trong lĩnh vực pháp luật ngách mà bạn đã chọn, bạn còn phải tiếp tục phấn đấu để trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ với thời gian nghiên cứu từ khoảng 3 đến 6 năm.

Không dừng lại ở đó, các quy định của pháp luật không phải là bất biến mà sẽ thường xuyên được thay đổi theo thời gian tùy vào tốc độ và mức độ phát triển của đời sống xã hội, cũng như nhu cầu của mọi người. Do đó, bạn cần phải tiếp tục học hỏi những quy định mới của pháp luật và cách áp dụng chúng trong thực tiễn đời sống xã hội. Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm luật sư, bạn sẽ có thể tiếp tục hành nghề và học hỏi thêm những kiến thức mới, cho đến khi bạn không còn làm việc được nữa hoặc đến khi bạn qua đời.

1.3.6. Đa dạng công việc làm

Khi trở thành luật sư, bạn sẽ có nhiều lựa chọn về các công việc có liên quan đến nghề nghiệp. Ví dụ, bạn có thể hành nghề luật sư độc lập trong tổ chức luật sư do bạn thành lập hoặc tham gia vào các tổ chức hành nghề luật sư đang hoạt động với tư cách là thành viên góp vốn hoặc nhận thù lao. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể trở thành luật sư nội bộ trong các công ty, tập đoàn lớn trên các sàn chứng khoán của Việt Nam hoặc các công ty có yếu tố nước ngoài.

Hơn nữa, bạn cũng có thể tham gia giảng dạy các môn luật tại trường đại học hoặc các khóa huấn luyện kỹ năng nghề luật sư ở các trung tâm dạy nghề chẳng hạn như Học viện Tư pháp. Ngoài ra, bạn cũng có thể trở thành phóng viên chuyên trách chuyên đề pháp luật của các tờ báo, tạp chí nổi tiếng, trọng tài viên của các trung tâm trọng tài thương mại, hòa giải viên của các trung tâm hòa giải thương mại, quản tài viên quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán và trong giai đoạn tiến hành thủ tục phá sản, v.v…

Với những kỹ năng của nghề luật sư, bạn cũng có thể chuyển sang làm những ngành, nghề khác có liên quan trực tiếp đến pháp luật, ví dụ như công chứng viên, thừa phát lại trong một khoảng thời gian nhất định nào đó tùy bạn muốn. Nếu không muốn tiếp tục làm những ngành, nghề đó, bạn vẫn có thể quay lại với nghề luật sư vào bất kỳ lúc nào.

Sau cùng, sau khi đã nghỉ hưu, nếu vẫn muốn giữ cho tâm trí sáng suốt, duy trì các mối quan hệ cộng đồng và xã hội, cũng như tăng thêm thu nhập, bạn có thể thử làm nhiều công việc thú vị khác có liên quan đến lĩnh vực pháp luật, ví dụ như đại diện cổ đông trong các công ty, tập đoàn lớn, tham gia thuyết trình tại các trường đại học và trung tâm đào tạo có liên quan đến pháp luật, viết sách báo, trở thành trọng tài hoặc hòa giải viên, hoặc làm các công việc bán thời gian trong các công ty luật, v.v.

1.3.7. Tính độc lập và linh hoạt

Khi hoạt động trong lĩnh vực luật sư, bạn có thể thực hiện công việc một cách linh hoạt và chủ động. Bản chất của nghề luật sư là độc lập và không bị chi phối, trừ việc bạn phải tuân thủ những quy định về luật sư theo quy định của pháp luật và quy tắc đạo đức của nghề luật sư. Đây là một trong những đặc tính tuyệt vời đối với những người yêu thích tự do, không muốn bị gò bó và luôn chủ động trong công việc của mình.

Ngoài ra, tính chất của nghề luật sư cũng giúp bạn dễ dàng khởi nghiệp kinh doanh vì đây là một trong những dịch vụ thiết yếu của người dân và doanh nghiệp. Nếu muốn thành lập tổ chức hành nghề luật sư của mình, bạn có thể tự do làm việc và tự quản lý công việc của bạn mà không phải chịu bất kỳ áp lực gò bó hay trói buộc quá mức nào từ bất kỳ ai, ngoại trừ công tác quản lý chung về nghề luật sư của Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư địa phương nơi bạn đăng ký là thành viên.

1.3.8. Có thể làm việc trọn đời

Nghề luật sư thường sẽ không có tuổi nghỉ hưu do tính linh hoạt và độc lập của nghề này. Tuy nhiên, điều quan trọng là liệu rằng bạn có muốn tiếp tục hành nghề luật sư hay không, hay lại có những mong muốn khác muốn thực hiện trong thời gian ngắn ngủi còn lại của đời mình. Thêm vào đó, quyết định có tiếp tục hành nghề luật sư hay không, thời gian và cường độ làm việc như thế nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe, thể chất và tinh thần của bạn tại thời điểm đó. Nhiều người đã tiếp tục làm luật sư suốt đời bởi vì họ có sự đam mê đối với nghề này và không muốn dừng lại. Tuy nhiên, cũng có không ít người lại chọn dành thời gian còn lại của mình cho những công việc khác trong cuộc sống của họ. Ngoài ra, không có sự giới hạn nào về tuổi tác không có nghĩa là việc hành nghề luật sư sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Vì vậy, bạn nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo sức khỏe của bạn luôn trong tình trạng tốt nhất có thể.

1.3.9. Khuôn phép và sáng tạo, hai trong một

Luật sư là một trong những nghề được xem là phải tuân thủ khuôn phép, quy tắc do mọi vấn đề có liên quan đến pháp luật đều yêu cầu tuân thủ các quy định rõ ràng và chi tiết của pháp luật. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, bạn sẽ nhận thấy rằng đây chỉ là một phần của bản chất nghề nghiệp của luật sư.

Trong quá trình làm việc, luật sư cần phải sở hữu kiến thức pháp lý chuyên sâu, sự nhạy bén, khả năng phân tích và phán đoán. Bởi vì không phải tất cả các khía cạnh trong đời sống xã hội đều có đủ quy định của pháp luật để điều chỉnh và quản lý. Thậm chí, dù có những quy định như vậy, chúng vẫn không thể đáp ứng một cách nhanh chóng những thay đổi của đời sống xã hội. Do đó, việc giải thích và áp dụng pháp luật yêu cầu luật sư phải có khả năng phân tích, đánh giá ý định thực sự của nhà lập pháp và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cũng như xu hướng phát triển kinh tế – xã hội.

Với khả năng phân tích và đánh giá này, bạn có thể đề xuất những phương án, hướng đi, cách làm, hành động phù hợp với từng khách hàng cụ thể, làm sao để không chỉ đảm bảo tuân thủ pháp luật mà còn có tính sáng tạo và linh hoạt để phục vụ cho lợi ích thiết thực của khách hàng.

1.3.10. Những đặc quyền vô hình khác

Vì luật sư là người có uy tín cao trong xã hội, được mọi người tôn trọng và kính nể, nên bạn luôn được xem là người đứng giữa trung tâm của xã hội. Do đó, những phát biểu hay ý kiến của bạn về các vấn đề thời sự của cộng đồng và xã hội luôn thu hút sự chú ý đáng kể của công chúng và điều này có ảnh hưởng nhất định đến các nhà hoạch định chính sách hàng đầu và các nhà lãnh đạo. Phần nào, những điều trên có thể làm cho bạn và gia đình bạn cảm thấy vinh dự.

Với 10 lý do tiêu biểu cho việc nên chọn nghề nghiệp luật sư đã được đề cập ở trên, cùng với nhiều lý do khác chưa được liệt kê, tôi hy vọng rằng đã đủ thuyết phục để bạn theo đuổi nghề nghiệp lao động trí óc này, với tính chất truyền thống và đầy thách thức và vinh quang.

Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình. Xin chào bạn.