(Ngô Thị Ngọc & Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty Phuoc & Partners)
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang rung lắc trong thời gian cuối năm 2023, tình trạng sa thải hàng loạt ở lĩnh vực công nghệ, bất động sản và may mặc, thị trường biến động không ngừng và nhu cầu của người lao động cũn thay đổi liên tục để theo kịp với xu hướng của thị trường lao động, ban quản trị doanh nghiệp phải nắm bắt cơ hội và quan tâm sâu sắc về các xu hướng mới nhất tại nơi làm việc. Trong bài viết này, một số xu hướng làm việc được dự báo đã và sẽ tiếp tục thay đổi trong năm 2023 trên phạm vi toàn cầu và cả ở Việt Nam sẽ được đề cập dưới lăng kính pháp lý Việt Nam để cả doanh nghiệp và người lao động có góc nhìn rõ nét hơn về xu hướng này để có thời gian chuẩn bị.
Xu hướng 1- Các doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc tối ưu hóa các mô hình làm việc kết hợp trực tiếp tại văn phòng và từ xa
Sau đại dịch Covid-19, hình thức làm việc từ xa ngày càng được ưa chuộng và dần trở nên phổ biến, nhiều doanh nghiệp và người lao động hiện đã quen dần với việc chuyển sang hình thức làm việc kết hợp tại văn phòng và từ xa hoặc chuyển đổi hẳn hoàn toàn sang phương thức làm việc từ xa. Đáng chú ý, mô hình kết hợp giữa hai phương thức làm việc cho thấy đang chiếm ưu thế hơn.
Việc chuyển sang mô hình làm việc từ xa có thể tối ưu hóa chi phí doanh nghiệp, tạo sự linh hoạt trong việc xử lý công việc giữa các thành viên, người lao động chủ động hơn trong quá trình giải quyết công việc. Dù vậy, người lao động vẫn phải đối mặt với những thách thức mới như sự cô đơn, mất kết nối hoặc bị cô lập, không cảm thấy gắn kết giữa các thành viên trong doanh nghiệp. Từ đó, người lao động sẽ có xu hướng bỏ việc để tìm việc ở một doanh nghiệp khác, nơi họ cảm thấy được gắn kết hơn với đồng nghiệp. Về phía doanh nghiệp, các rủi ro về vấn đề bảo mật thông tin, bí mật kinh doanh, công nghệ là một vấn đề căng não cần được cân nhắc và giải quyết. Ngoài ra, việc thay đổi sang hình thức làm việc cũng ảnh hưởng đến việc thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng lao động hay nội quy lao động của doanh nghiệp, bao gồm thời gian, địa điểm làm việc, xử lý kỷ luật lao động, v.v…
Xu hướng 2 – Thời giờ làm việc trở nên linh hoạt hơn
Song song với xu hướng làm việc kết hợp như trên, chúng ta cũng sẽ thấy người lao động trong năm 2023 sẽ có xu hướng tìm kiếm những doanh nghiệp áp dụng thời giờ làm việc linh hoạt để đầu quân vì sự thuận tiện mà hình thức làm việc này mang lại cho họ, đặc biệt là những người đã có gia đình. Tuy nhiên, người lao động làm việc với thời gian linh hoạt sẽ phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan, đó là họ phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ hơn, có khả năng đến mức họ sẽ cảm thấy như đang làm việc suốt ngày đêm để có thể nâng cao kỹ năng và quản lý các dự án tốt hơn.
Về phía doanh nghiệp, khi áp dụng mô hình làm việc này, doanh nghiệp cần lưu ý rằng thời giờ làm việc của người lao động phải được quy định một cách cụ thể trong hợp đồng lao động và nội quy lao động của doanh nghiệp, và đảm bảo không quá 8 giờ làm việc/ngày và không quá 48 giờ làm việc /tuần[1]. Khi chuyển sang áp dụng thời giờ làm việc được linh hoạt, đôi lúc người lao động có thể làm vượt quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, dẫn tới việc người lao động không biết thời gian làm việc vượt mức của họ có được xem là thời gian làm thêm giờ và sẽ được người sử dụng lao động trả lương làm thêm giờ không; hoặc trong trường hợp khác, người lao động không làm đủ số giờ được thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động cũng khó để có thể xử lý kỷ luật lao động, v.v… Ngoài ra, với việc áp dụng thời giờ làm việc linh hoạt thì việc quản lý hiệu suất của người lao động thông qua tổng số thời gian làm việc của họ sẽ không cho thấy là phù hợp nữa. Thay vào đó, người sử dụng lao động cần phải thay đổi sang hình thức quản lý bằng mục tiêu. Khi đó, người sử dụng lao động sẽ không phải trả tiền làm thêm giờ cho người lao động, và người lao động cũng sẽ chủ động sắp xếp thời gian làm việc của họ miễn sao họ có thể hoàn thành công việc một cách đầy đủ và tốt nhất theo đúng thời hạn yêu cầu của người sử dụng lao động.
Xu hướng 3 – Tự động hóa trong việc quản lý hiệu suất làm việc của người lao động
Để Việt Nam hòa nhập cùng với sự phát triển với các quốc gia khác trên thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, môi trường pháp lý về xây dựng kinh tế số, xã hội số của Việt Nam đã có, vấn đề là việc tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, Chính phủ v đã triển khai thực hiện Văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII, thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 và Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực tạo khung pháp lý toàn diện để doanh nghiệp có thể phát triển công nghiệp công nghệ số, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự ra đời và phát triển các sản phẩm, công nghệ, mô hình mới có tính sáng tạo hay đột phá; tạo điều kiện bảo đảm cho công nghệ số phát triển nhanh, bền vững, v.v… Có thể kế đến như quy định về việc cho phép doanh nghiệp sử dụng con dấu của doanh nghiệp bằng chữ ký số[2], cho phép công ty cổ phần gửi thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông bằng đa phương thức, trong đó có ứng dụng công nghệ[3], hay quy định cho phép thành viên hội đồng quản trị được tham dự và biểu quyết tại các cuộc họp hội đồng quản trị thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác[4] tại Luật Doanh nghiệp 2020, các quy định ứng dụng hợp đồng điện tử và chứng thực chữ ký số [5], v.v…
Xu hướng 4 – Chú trọng vào viêc đầu tư nâng cao kỹ năng mới cho người lao động
Để thích nghi với bối cảnh xã hội thay đổi không ngừng như trên, người lao động đã trở nên linh hoạt hơn bao giờ hết, thị trường phát triển những công việc làm mới tăng cao và số lượng công việc mở đang có chiều hướng tăng vọt. Mặc dù làn sóng cắt giảm nhân sự đang diễn ra hàng loạt, điều đó không có nghĩa rằng doanh nghiệp có thuận lợi hơn khi tuyển dụng nhân sự, bởi vì số lương người lao động thì nhiều nhưng những người lao động phù hợp, có những tố chất và kỹ năng mới phù hợp thị trường và xã hội đang thay đổi chóng mặt với doanh nghiệp hiện nay sẽ rất khó để tìm kiếm, có thể kể đến một số kỹ năng được ví như “tấm vé công việc” trong thời đại 4.0 hiện nay như kỹ năng học hỏi và ứng dụng công nghệ số, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng tự cải tiến không ngừng, kỹ năng hợp tác, tư duy phản biện, v.v… Những yếu tố này đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân những nhân sự phù hợp và có chất lượng. Đào tạo và nâng cao kỹ năng lao động cho người lao động đã trở thành một trong các mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay. Điều này xảy ra sau khi doanh nghiệp nhận ra rằng việc đáp ứng mong muốn học hỏi và nâng cao kỹ năng của người lao động sẽ thúc đẩy họ ngày càng gắn bó nhiều hơn đối với vai trò hiện tại của họ tại doanh nghiệp, và điều này đóng vai trò cơ bản trong việc giữ chân nhân tài của doanh nghiệp.
Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành,người sử dụng lao động phải“xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình” và “phải báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh trong báo cáo hằng năm về lao động”[6] Việc dành kinh phí, lập kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cho người lao động đang có mối quan hệ lao động với doanh nghiệp có thể làm tăng thêm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, việc nâng cao trình độ, tay nghề sẽ giúp cho người lao động thực hiện các công việc thành thạo hơn, hiệu suất lao động cao hơn, tránh các sai sót không đáng có dẫn đến việc bị doanh nghiệp xử lý trách nhiệm, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
KẾT
Trên đây là một số xu hướng sẽ định hình động lực và xu hướng làm việc của lực lượng lao động trong năm 2023 sắp tới, khi tình hình kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp, đầy thách thức và phát triển nhanh chóng, đồng thời các doanh nghiệp và người lao động phải đối mặt với thách thức tài chính cấp bách đang diễn ra.
Trách nhiệm thích nghi với sự thay đổi trong bối cảnh hiện nay thuộc về cả người lao động và người sử dụng lao động. Người lao động cần có sự chuẩn bị và tư duy chủ động, tự đào tạo, không ngừng nâng cao kỹ năng công việc để đáp ứng nhu cầu công việc luôn thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Mặt khác, doanh nghiệp cũng nên liên tục cập nhật sự thay đổi của thị trường, theo dõi các chính sách pháp luật mới để kịp thời có chiến lược và kế hoạch phát triển kinh doanh trong ngắn, trung và dài hạn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lắng nghe ý kiến của người lao động để có thể lên kế hoạch đào tạo, phát triển nhân sự phù hợp với chính sách pháp luật mới cũng như phù hợp với văn hóa của từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thiết lập các quy trình nội bộ đáp ứng các yêu cầu về văn hóa doanh nghiệp và phù hợp với các quy định pháp luật là các bước quan trọng để triển khai các chiến lược thay đổi mới, duy trì tính cạnh tranh cho doanh nghiệp trong năm 2023 và tương lai xa hơn.
[1] Điều 108.1 của BLLĐ 2019
[2] Điều 43 LDN năm 2020.
[3] Điều 143.2 LDN năm 2020.
[4] Điều 157.9 LDN năm 2020.
[5] Nghị định 130/2018/NĐ-CP, Nghị định 85/2021/NĐ-CP.
[6] Điều 60 BLLĐ 2019.