Trang Chủ Bất động sản Chia Sẻ Chuyên Môn Câu chuyện khởi nghiệp của tôi

Câu chuyện khởi nghiệp của tôi

Chào mừng bạn đã quay trở lại với chuyên mục quản trị công ty luật của tôi sau khi bạn có thể đã đọc qua những chủ đề thú vị khác trong quyển sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi. Xin mời bạn tiếp tục tham khảo một chủ đề khác cũng rất thú vị của quyển sách này nhé.

Vậy là bạn đã tham khảo qua toàn bộ quyển sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư, để đáp lại tình cảm của bạn dành cho tôi cũng như phần nào tiếp thêm động lực để bạn có thể vững bước trên con đường khởi nghiệp với nghề luật sư, tôi xin dành tặng bạn câu chuyện khởi nghiệp của tôi thông qua ba biến cố lớn mà tôi đã trải qua trên con đường khởi nghiệp luật sư của mình.

Bởi lẽ, tôi nhận thấy rằng thành công không chỉ đến từ sự cố gắng và một chút may mắn mà còn đến từ cách thức mà bạn vượt qua những biến cố của mình. Mỗi người trong chúng ta đều có những khả năng và hoàn cảnh riêng biệt, cho nên khi phải đối mặt với một biến cố hay khủng hoảng nào đó trong cuộc sống thì mỗi người lại có những cách xử lý không giống nhau. Có người, vì gặp phải một vài biến cố trên chặng đường khởi nghiệp với nghề luật sư của mình, đã chọn cách từ bỏ những kế hoạch dang dở, những hoài bão vẫn còn ấp ủ. Cũng có người, nhờ gặp phải biến cố, đã trở nên mạnh mẽ hơn và xây dựng được cho mình một nền tảng nội tại vững chắc hỗ trợ những thành công ngoài mong đợi trong tương lai.

Đối với bản thân tôi, tôi tự cho mình là người lạc quan trong cuộc sống nên tôi luôn xem từng biến cố, khủng hoảng trong quá trình hành nghề luật sư của mình cũng như công việc quản lý và điều hành công ty luật của tôi là cơ hội hiếm hoi để tôi có thể học hỏi, thay vì xem những biến cố, khủng hoảng đó al2 vượt ngoài sức chịu đựng của mình và buông xuôi ngay từ đầu, làm mất đi niềm tin ở bản thân. Nếu tôi ngần ngại không dám vượt qua những biến cố và khủng hoảng đó, chắc chắn là tôi đã bỏ lỡ những trải nghiệm tuyệt vời mà nhiều khi dù có tiền bạc tôi cũng không thể nào mua được. Có thể nói, điều này đã giúp tôi có được những bài học to lớn trong cuộc đời, cho tôi nhiều kinh nghiệm sống quý báu. Từ đó, làm cho cuộc sống của tôi thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn và giúp tôi cảm thấy trưởng thành hơn.

Như Winston Churchill đã nói “Thành công không phải là cuối cùng, thất bại không phải là chết người, lòng can đảm đi tiếp mới quan trọng”. Mặc dù xử lý một cách tốt đẹp những biến cố, khủng hoảng trong sự nghiệp phần nào được xem là thành công của mình nhưng tôi vẫn cho rằng khả năng phục hồi sau biến cố cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Bởi lẽ, điều này giúp tôi, với tư cách là người đứng đầu công ty luật của mình, có thể nhanh chóng phục hồi tinh thần sau mỗi lần bị vấp ngã trên con đường khởi nghiệp để tiếp tục theo đuổi và chinh phục nghề luật sư của mình. Mỗi khi bị những biến cố hay khủng hoảng đánh phủ đầu, tôi lại tôi luyện ý chí và nghị lực kiên cường để từ đó tiếp tục đứng lên, bật ngược trở lại và tiến nhanh hơn về phía trước.

Tôi thường xây dựng khả năng phục hồi sau mỗi biến cố, khủng hoảng của mình bằng việc học cách đối phó cả trong cuộc sống lẫn trong nghề nghiệp. Về cơ bản, tôi cho rằng bị vấp ngã vì một biến cố, khủng hoảng nào đó trong cuộc đời để từ đó học hỏi được cách đón đầu những cơ hội hiếm có là điều rất tốt đối với bản thân. Theo thời gian, tôi không chỉ học cách vượt qua mà còn biết cách chủ động đón nhận những biến cố, khủng hoảng đó với tinh thần cầu thị và luôn nghĩ rằng mỗi biến cố, khủng hoảng mà tôi đã và sẽ đối mặt thật sự là những cơ hội tuyệt vời để tôi học hỏi nhằm hoàn thiện bản thân hơn. Vì vậy, khả năng phục hồi thật sự là kỹ năng quan trọng giúp tôi tiếp tục gặt hái thành công với nghề luật sư của mình.

Để minh họa cho những gì vừa giải bày cho bạn ở trên, tôi xin kể về ba biến cố lớn nhất trong sự nghiệp hành nghề luật sư của tôi cũng như những bài học quý báu mà tôi đã rút ra được từ những biến cố đó. Những biến cố này cũng chính là người thầy đích thực, giúp tôi trưởng thành và chín chắn hơn trong cuộc sống và tiếp tục gặt hái những thành công trong sự nghiệp hành nghề luật sư như ngày hôm nay.

Xin lưu ý rằng, những sự kiện và nhân vật trong các biến cố nêu trên được miêu tả dưới góc nhìn chủ quan nên câu chuyện khó tránh khỏi có phần nào đó mang hơi hướng “thiên vị” ở góc nhìn của người kể. Tuy nhiên, tôi giải bày những biến cố đó không nhằm mục đích chỉ trích hay trách móc đối với bất kỳ cá nhân nào. Bởi lẽ, tôi luôn hiểu rằng những khoảng khắc mâu thuẫn, bất đồng, hiềm khích trong mối quan hệ giữa người với người là một trang sách mà ta phải đọc trong cuốn sách mang tên “Cuộc đời!”. Vì lẽ đó, dù đã có những bất đồng và mâu thuẫn, tôi vẫn luôn trân quý những người đã đồng hành cùng với tôi trong suốt chặng đường khởi nghiệp với nghề luật sư – những người bạn đã từng cùng tôi đồng cam cộng khổ – và hy vọng chúng tôi sẽ có một dịp nào đó được ngồi lại cùng nhau trong tương lai không xa  và sẽ hồi tưởng lại những sự kiện đã qua, dù tích cực hay tiêu cực, như là quyển sách về hành trình hành nghề luật sư mà chúng tôi chính là những nhân vật chính trong đó.

Những biến cố dưới đây để bạn đọc hiểu rằng, tôi cũng từng như bạn, phải đối mặt với vô số khó khăn, thử thách từ lúc bắt đầu khởi nghiệp cho đến khi tạo dựng được cho mình danh tiếng nhất định trong cộng đồng. Do đó, nếu đang trải qua những khoảnh khắc khó khăn ở hiện tại cũng như nếu phải đối mặt với những khó khăn trong tương lai, thì bạn hãy luôn lạc quan và nhanh chóng phục hồi tinh thần để tiếp tục vững bước trên chặng đường khởi nghiệp với nghề luật sư đầy thách thức phía trước.

            BIẾN CỐ THỨ NHẤT

Vào tháng 03/2003, chỉ gần hai tháng sau ngày tôi tổ chức đám cưới, khi cảm thấy yên tâm vì đã có được hậu phương vững chắc, tôi quyết định nghỉ việc và thành lập văn phòng luật sư đầu tiên của mình. Tuy nhiên, vì đây là lần đầu khởi nghiệp nên tôi không có kinh nghiệm thực tế, không chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt trong công việc quản trị doanh nghiệp, để rồi khi gặp biến cố đầu tiên, tôi đã rơi vào trạng thái lúng túng không biết xử lý làm sao cho phù hợp. Tại thời điểm đó, tôi lại không dám chia sẻ với ai vì sợ bị “quê mặt” rồi dần dần bị áp lực tinh thần, trầm cảm để rồi từ đó dẫn đến bị những căn bệnh khởi nghiệp có cơ hội tấn công.

Về mặt tài chính, tiền vốn chuẩn bị cho việc thành lập văn phòng luật sư của tôi chỉ đủ để mua những trang thiết bị văn phòng cơ bản và chi trả chi phí hoạt động của văn phòng luật sư trong khoảng gần 3 tháng hoạt động đầu tiên. Trong khi đó, tôi lại không còn thu nhập từ lương do đã nghỉ việc ở công ty cũ, doanh thu từ những khách hàng mới của văn phòng luật sư của tôi cũng không đáng kể bởi vì tôi không có khách hàng nào mới nào trong mạng lưới quan hệ cá nhân và công việc của tôi như tôi dự kiến ban đầu. Giờ đây, khách hàng của tôi chỉ là những khách hàng cá nhân vãng lai, trong khi tôi phải chi trả toàn bộ chi phí thuê văn phòng và tiền lương nhân viên. Không còn cách nào khác, tôi đành xin nhận tiền bảo hiểm xã hội một lần khi nghỉ việc ở công ty cũ để có tiền bù lỗ cho văn phòng luật sư trong thời gian 06 tháng khởi nghiệp ban đầu.

Về mặt nhân sự, tôi không thể nào tuyển được nhân sự có chuyên môn nghiệp vụ cao trong 06 tháng đầu thành lập vì không có ai đã có kinh nghiệm lại muốn làm việc cho một văn phòng luật sư mới thành lập, không tên tuổi, tiền lương không hấp dẫn cũng như không nhìn thấy được tương lai nghề nghiệp ở đó. Trong giai đoạn đầu đó, tôi chỉ thuê được một cô nhân viên nữ vừa mới tốt nghiệp đại học luật, một cô thư ký và một anh luật sư tập sự thực tập không lương. Ngoài ra, do không thường xuyên có được những công việc pháp lý của khách hàng, nên tôi không có những công việc pháp lý thú vị hay phức tạp của khách hàng để giao cho nhân viên làm nhằm huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn cho họ. Bên cạnh đó, do chỉ có vài nhân viên làm việc ở văn phòng nên họ không có cơ hội tương tác và trao đổi công việc qua lại với nhau dẫn đến tinh thần đồng đội không cao, họ cảm thấy buồn chán và luôn trong tâm thế sẽ thôi việc để tìm kiếm một công việc khác phù hợp hơn với họ.

Về công tác hành chính, tôi đã không được huấn luyện các công việc hành chính khi còn làm việc cho các công ty cũ vì những công việc đó đã được các nhân viên của bộ phận hành chính lo liệu. Bản thân tôi lúc đó cũng chỉ quan tâm đến việc tập trung làm tốt công việc chuyên môn của mình, cho nên khi trực tiếp quản lý, điều hành văn phòng luật sư của mình, tôi đã vô cùng bối rối khi phải tự làm hết các công việc hành chính đơn giản ví dụ như sao chụp tài liệu, đóng bộ hồ sơ, sắp xếp và lưu hồ sơ khách hàng, nộp hồ sơ cho các cơ quan Nhà nước và thật lòng mà nói là tôi cũng không thể hướng dẫn các nhân viên mới của tôi về những công việc đó.

Về mặt chuyên môn nghiệp vụ, vì được huấn luyện theo hướng chuyên môn hóa cao ở các công ty cũ nên tôi chỉ được huấn luyện chuyên sâu về luật thuế và luật đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, ở văn phòng luật sư của tôi thì tôi không thể từ chối bất kỳ công việc pháp lý nào, đặc biệt là các công việc dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, v.v…, nhằm mong sao có được doanh thu để trang trải chi phí văn phòng, mặc dù tại thời điểm đó tôi không có kỹ năng hành nghề đối với những lĩnh vực pháp luật đó. Bản thân tôi cũng không dám hỏi thăm bạn bè, đồng nghiệp đang hành nghề luật sư như tôi vì e ngại rằng họ sẽ xem thường tôi vì họ có thể nghĩ rằng một luật sư có nhiều năm làm việc cho các công ty tư vấn quốc tế như tôi lại không biết những công việc pháp lý rất đơn giản như thế. Nên tôi đành phải âm thầm vừa làm vừa học đối với các lĩnh vực pháp lý mà mình có rất ít hoặc thậm chí là chưa từng có kỹ năng hành nghề.

Sau cùng, về mặt quảng cáo, tiếp thị cho hoạt động phát triển kinh doanh để tìm kiếm khách hàng cũng gặp không ít khó khăn vì văn phòng luật sư của tôi mới thành lập cho nên khách hàng không có thông tin gì về nó. Tôi cũng chưa thể làm website riêng cho văn phòng luật sư vì không có thông tin gì đáng giá để ghi trên đó nhằm thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, tôi cũng không thể chứng minh cho khách hàng thấy được là văn phòng luật sư của tôi có kinh nghiệm trong những lĩnh vực pháp luật mà khách hàng quan tâm. Ngoài ra, việc giới thiệu với các khách hàng tiềm năng về đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm của văn phòng luật sư của tôi vào thời điểm đó là hoàn toàn không thể vì ngoài tôi là người duy nhất có nghiệp vụ chuyên môn hành nghề, văn phòng luật sư của tôi thật sự là không có ai đáng để giới thiệu. Không dừng lại ở đó, khi khởi nghiệp với nghề luật sư, tôi đã đặt mục tiêu khách hàng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng tôi đã mắc sai lầm khi mở văn phòng luật sư ở một căn nhà mặt tiền tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh gần với Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh để tiết kiệm chi phí thuê văn phòng. Hệ quả của quyết định sai lầm đó là không hề có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nào chú ý đến văn phòng luật sư của tôi mà thay vào đó là chỉ một vài khách vãng lai cá nhân đi ngang qua và thấy bảng hiệu văn phòng luật sư của tôi rồi tiện chân ghé qua nhờ hỗ trợ dịch vụ pháp lý cho các vụ việc đất đai, ly hôn và hành chính của họ. Sau gần 10 tháng bị rơi vào tình thế khó khăn và buộc phải vẫy vùng để tồn tại như thế, tôi không còn cách nào khác là nhận lời mời sáp nhập văn phòng luật sư của tôi vào một công ty luật Việt Nam có tiếng trên thị trường vào cuối năm 2003 để duy trì hoạt động với tên gọi mới.

Bài học lớn mà tôi rút ra từ biến cố đầu tiên của tôi khi khởi nghiệp với nghề luật sư là tôi cần phải chuẩn bị tối thiểu hai đến ba lần nguồn lực tài chính mà tôi dự tính trước đây để có thể thoải mái hơn trong việc chọn lựa địa điểm mở văn phòng ở những nơi phù hợp hơn nhằm thu hút khách hàng tiềm năng. Về mặt chuyên môn, tôi cần phải tuyển được ít nhất 01 đến 02 người có nghiệp vụ chuyên môn giỏi để giúp tôi trực tiếp thực hiện các công việc pháp lý của khách hang để tôi có thời gian quan tâm đến những công việc quan trọng khác ví dụ như quảng cáo, tiếp thị, phát triển kinh doanh cũng như có thể trang trải chi phí cho các hoạt động ban đầu trong thời gian dài hơn 06 tháng. Bên cạnh đó, tôi cũng không nên hành nghề một mình mà cần phải mời thêm một vài luật sư đáng tin cậy khác hợp tác ngay từ đầu để giảm bớt tiền góp vốn của mình, gia tăng cơ hội có thêm khách hàng vì càng có nhiều người tham gia thì càng có thêm nhiều mối quan hệ, chia sẻ với nhau các công việc hành chính, đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, tiếp thị và phát triển kinh doanh cũng như gia tăng kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn ở nhiều lĩnh vực pháp lý khác nhau cùng nhiều yếu tố liên quan khác nữa.

Tuy nhiên, như mọi người vẫn hay truyền miệng với nhau rằng trong cái khó ló cái khôn. Nhờ gặp phải biến cố đầu tiên khi khởi nghiệp như vậy, tôi đã có được cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân ở nhiều kỹ năng mềm khác nhau trong quản trị doanh nghiệp. Chẳng hạn, tôi đã học được kỹ năng thực hiện công việc ở nhiều lĩnh vực pháp luật và biết cách làm việc một cách độc lập, tức là tự mình có thể làm được hầu như tất cả mọi việc trong văn phòng mà không cần có sự trợ giúp hay hướng dẫn từ những người khác. Bên cạnh đó, kỹ năng tiếp thị và phát triển kinh doanh trong hoàn cảnh hoạt động hành nghề đơn độc của tôi cũng được định hình và dần dần hoàn thiện theo thời gian. Ngoài ra, tôi cũng biết cách quản lý dòng tiền của văn phòng luật sư một cách hiệu quả hơn, tự học hỏi thêm nghiệp vụ kế toán trong doanh nghiệp cũng như làm quen với việc quyết toán thuế với các cơ quan thuế địa phương. Không dừng lại ở đó, tôi còn tự học một số kỹ năng mềm trong quản lý doanh nghiệp, ví dụ như tuyển dụng, đào tạo, đánh giá nhân viên, giao việc, quản lý thời gian, chăm sóc khách hàng, lãnh đạo, thu hồi nợ v.v…, để áp dụng cho việc quản lý, điều hành văn phòng luật sư của tôi tại thời điểm đó và Công ty luật Phuoc & Partners sau này.

           BIẾN CỐ THỨ HAI

05 năm sau biến cố thứ nhất đâu đó vào khoảng tháng 06/2008, nhằm thực hiện ước mơ lúc còn sinh viên là được du học ở nước ngoài để tăng cường kiến thức pháp luật thương mại quốc tế cho bản thân, tôi đã đăng ký theo học lớp hợp tác đào tạo thạc sĩ luật thương mại quốc tế giữa Trường Đại học West of England và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, tôi đã sang cơ sở của Trường đại học West of England ở Bistol, Anh Quốc vào tháng 09/2008 để học tiếp giai đoạn 2 của chương trình. Khi tôi sang Anh thì một trong bốn luật sư thành viên trong công ty luật của tôi đã bắt đầu than phiền và bày tỏ thái độ bất mãn và không hợp tác về tỷ lệ phân chia thu nhập với lý do việc phân chia thu nhập mà các bên đã đồng ý trước đây không còn công bằng nữa vì luật sư thành viên đó được chia thu nhập ít hơn tôi, nhưng lại phải thay tôi trực tiếp đảm nhận công việc quản lý, điều hành Công ty luật Phuoc & Partners trong khi tôi đi vắng.

Xuất phát từ việc tôi không còn là người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của Công ty luật Phuoc & Partners, đã có áp lực từ các luật sư thành viên buộc tôi phải đồng ý nâng mức của người đồng nghiệp ấy lên và hạ tỷ lệ phân chia thu nhập của tôi xuống. Tất nhiên, tôi không đồng ý với đề nghị trên vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền quản trị doanh nghiệp nên tôi phải bỏ dở chuyện học hành để bay ngay về Việt Nam nhân dịp lễ Giáng sinh năm đó để giải quyết biến cố bằng việc thực hiện thủ tục chia tách công ty luật của tôi. Tình hình càng trở lên phức tạp hơn khi luật sư thành viên đó và cô kế toán trưởng đã làm việc cùng nhau trong một thời gian dài nên tôi không thể nắm được sổ sách kế toán, bao gồm tài khoản ngân hàng và quỹ tiền mặt của công ty luật của tôi. Sau đó, tôi càng rơi vào tình thế khó khăn hơn khi sổ sách kế toán không được bàn giao cho tôi một cách đầy đủ, trong khi toàn bộ bộ phận kế toán và một số nhân viên làm công việc chuyên môn đã cùng luật sư thành viên ấy mở công ty luật mới. Hệ quả là tôi đã gặp không ít khó khăn, rơi vào khủng hoảng khi doanh thu của Công ty luật Phuoc & Partners bị suy giảm nghiêm trọng do bị mất đi một lượng lớn khách hàng then chốt, sổ sách kế toán lại không được chuẩn bị một cách đầy đủ theo quy định. Điều này khiến tôi gặp không ít khó khăn trong việc nắm được tình hình tài chính, thuế của công ty luật tại thời điểm đó để chuẩn bị cho việc quyết toán thuế với cơ quan thuế địa phương.

Bài học rút ra từ biến cố ấy chính là tôi không nên lơ là trong việc giám sát công việc của bộ phận kế toán, đặc biệt là việc theo dõi dòng tiền thông qua tài khoản ngân hàng và tiền mặt của công ty luật của tôi vì khi có biến cố xảy ra, người nào nắm giữ tài khoản ngân hàng và tiền mặt sẽ luôn có lợi thế nhất định trong việc thương lượng chia, tách công ty luật. Bên cạnh đó, tôi không nên giao trọn công việc quản lý, điều hành doanh nghiệp cho chỉ một người mà thay vào đó, nên chia nhỏ công việc quản lý thành nhiều loại công việc khác nhau và giao cho các luật sư thành viên phụ trách từng công việc nhỏ đó để tránh trường hợp công tyl uật không thể tiếp tục vận hành một cách trơn tru khi có biến cố xảy ra. Thực tế cho thấy, khi có biến cố xảy ra thì người được giao trọng trách quản lý, điều hành công ty luật có thể sẽ không chịu hợp tác trong việc chuyển giao công việc mà mình phụ trách hoặc không chịu cung cấp đầy đủ thông tin có liên quan làm khó khăn, trở ngại cho việc quản lý, điều hành của công ty luật sau đó.

            BIẾN CỐ THỨ BA

Vào tháng 7/2019 tức là khoảng gần 10 năm kể từ khi tôi gặp phải biến cố thứ 2, trong khi tôi đang cùng với gia đình du lịch ở Anh Quốc thì luật sư điều hành kiêm giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty luật Phuoc & Partners – là người tôi tin tưởng và trân quý nhất vì trước đó người ấy là nhân viên thân tín của tôi và là người tôi đồng ý nhận tập sự luật sư – đã cùng với 5 luật sư thành viên khác âm thầm thỏa thuận với nhau về việc chia tách và chính thức yêu cầu tôi phải phân chia lại thu nhập của các luật sư thành viên, nếu không thì họ sẽ không chịu tiếp tục hợp tác với tôi nữa. Tôi đã không đồng ý với yêu cầu đó vì trước đây các bên đã ký thỏa thuận phân chia thu nhập một cách rõ ràng và tất cả luật sư thanh viên đã hoàn toàn đồng ý với sự thỏa thuận đó chứ không phải do bị tôi ép buộc. Khi thấy tôi không đồng ý với yêu cầu của họ và nhân lúc tôi đang còn ở nước ngoài, họ đã cùng với gần như toàn bộ nhân viên của 03 văn phòng trên toàn quốc (hơn 60 người) của Công ty luật Phuoc & Partners đã tách ra để thành lập công ty luật mới. Vào thời điểm đó, chỉ còn 2 luật sư và 1 nhân viên hành chính là còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của tôi và đồng ý ở lại giúp tôi gầy dựng lại doanh nghiệp.

Do quyết định chia tách công ty luật xảy ra một cách đột ngột ngoài dự tính như vậy nên tôi gặp phải rất nhiều khó khăn vì tôi đang ở nước ngoài ngay thời điểm chia tách và không thể bay ngay về Việt Nam để giải quyết vụ việc ngay từ đầu. Tôi cũng không thể nào trao đổi trực tiếp với tập thể nhân viên để họ nắm được tình hình và biết được sự thật của vụ việc để cân nhắc có tiếp tục sát cánh với tôi hay không. Bên cạnh đó, vì gần như toàn bộ khách hàng mà tôi mang về cho Công ty luật Phuoc & Partners trong suốt 15 năm qua đều được phân công cho các luật sư thành viên khác phụ trách theo sở trường chuyên môn của họ, nên những khách hàng đó sẽ có khuynh hướng muốn được tiếp tục làm việc với những luật sư nào đang phụ trách vụ việc pháp lý của họ để tránh mất thời gian vì công việc bị xáo trộn. Thêm vào đó, tôi cũng không dự phòng tiền mặt để chi trả chi phí hoạt động cho công ty luật mới của tôi tại thời điểm đó nên tôi thật sự bị động trong việc tiếp tục hoạt động hành nghề. Bên cạnh các vấn đề về tài chính, tôi còn đối mặt với việc không thể thành lập công ty luật mới ngay vì tên của tôi vẫn còn nằm trên giấy đăng ký kinh doanh của Công ty luật Phuoc & Partners với tư cách là luật sư thành viên vào thời điểm đó. Khó khăn càng chồng chất khi tôi không thể kiểm soát việc chi tiêu của Công ty luật Phuoc & Partners vì công việc đó vẫn thuộc thẩm quyền của luật sư điều hành kiêm giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty luật Phuoc & Partners. Ngoài ra, do không phải là người đại diện theo pháp luật nên tôi cũng không phải là chủ tài khoản ngân hàng của Công ty luật Phuoc & Partners. Thậm chí, người đứng tên đại diện cho website www.phuoc-partners.com cũng là luật sư điều hành kiêm giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty luật Phuoc & Partners chứ không phải tôi và điều này dẫn đến việc người luật sư điều hành đó đã nắm luôn quyền quản trị tất cả địa chỉ email của tôi và tất cả mọi người trong Công ty luật Phuoc & Partners.

Tuy nhiên, trong cái rủi vẫn có cái may, sau khi tiến hành các thủ tục pháp lý chia tách thì tôi vẫn có thể đặt tên Phuoc & Partners cho công ty luật mới của tôi vì các bên tranh chấp không có bất kỳ thỏa thuận gì về việc này và điều này đã giúp tôi giữ được thương hiệu Phuoc & Partners để tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, một số luật sư thành viên và nhân viên cũ của Công ty luật Phuoc & Partners thấy tôi gặp khó khăn cũng đã quay trở lại hỗ trợ tôi bằng cách này hay cách khác. Điều đó đã góp phần giảm bớt rất nhiều áp lực đối với công việc khách hàng trong thời gian tôi vừa tuyển dụng và lại vừa đào tạo những nhân viên mới chưa có kinh nghiệm. Trong thời điểm khó khăn đó, tin vui tiếp tục đến với tôi khi Bộ luật Lao động năm 2019 vừa có hiệu lực đã tạo ra rất nhiều công việc pháp lý từ khách hàng có liên quan đến luật lao động và việc này đã giúp cho Công ty luật Phuoc & Partners mới của tôi không những có thêm công việc để gia tăng thu nhập ngoài mong đợi mà tôi còn là cơ hội huấn luyện cho các nhân viên mới. Không dừng lại ở đây, tôi vẫn còn giữ danh sách của gần 10 ngàn email của khách hàng trong gần 20 năm hoạt động của Công ty luật Phuoc & Partners nên vẫn có thể tiếp tục tiếp cận được họ qua việc gửi cho họ các newsletter (bản tin pháp luật được gửi qua email) định kỳ, giới thiệu dịch vụ pháp lý của Công ty luật Phuoc & Partners mới của tôi.

Tuy nhiên, khi hoạt động của Công ty luật Phuoc & Partners mới của tôi ổn định được phần nào thì tôi lại đứng trước một thách thức mới là chịu ảnh hường tiêu cực của đại dịch Covid–19. Khi đại dịch Covid–19 nổ ra, nền kinh tế toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không ít doanh nghiệp bao gồm cả các công ty luật đã phải giải thể vì không có đủ khả năng và tiềm lực để ứng phó kịp thời. Lúc đó, mặc dù bản thân tôi đã chuẩn bị tinh thần cho biến cố này, nhưng tôi vẫn lo lắng, căng thẳng, chịu áp lực bởi vì đây là thách thức hoàn toàn mới đối với tôi. Tuy nhiên, những điều tưởng chừng chỉ mang lại bất trắc đó lại một lần nữa mang đến những tín hiệu tích cực. Theo đó, cũng nhờ đại dịch Covid–19 mà thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty luật Phuoc & Partners mới của tôi được giãn và giảm 30% trong năm đó. Bên cạnh đó, mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân của thuế thu nhập cá nhân cũng được Chính phủ đồng ý tăng thêm, dẫn đến số thuế thu nhập cá nhân phải trả được giảm xuống. Điều này giúp tôi có thêm tài chính để hỗ trợ cho hoạt động của Công ty luật Phuoc & Partners mới của tôi khi công ty đang đối mặt với tình hình tiền mặt căng thẳng. Sau cùng, cũng nhờ nhân viên phải làm việc tại nhà do đại dịch Covid–19 cộng với việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc xử lý công việc, tôi đã mạnh tay cắt giảm một số vị trí công việc không còn cần thiết trong tình hình làm việc mới ví dụ như người đưa thư, quản thủ thư viện, thông dịch viên, kế toán tổng hợp, giúp tiết kiệm được ít nhiều chi phí vận hành công ty luật mới của tôi.

Bài học rút ra từ biến cố lớn nhất ấy của tôi chính là không nên để các nhóm lợi ích riêng có cơ hội hình thành trong công ty luật. Bởi lẽ, một ngày nào đó những nhóm lợi ích đó sẽ có thể thoát ly vì nhiều lý do khác nhau. Bên cạnh đó, khi có biến cố xảy ra thì những cam kết, thỏa thuận giữa các luật sư thành viên đã được các bên giao kết trước đó phần lớn không được các luật sư thanh viên tôn trọng hoặc các cam kết, thỏa thuận đó sẽ bị diễn giải theo chiều hướng có lợi cho bên muốn thoát ly. Hơn nữa, về mặt nhân sự, tôi không nên đặt trọn niềm tin, kỳ vọng vào bất kỳ nhân viên nào vì khi có sự cố xảy ra thì nhân viên thường có xu hướng bị thu hút về làm việc cho bên nào hứa hẹn quyền lợi và lợi ích tốt nhất cho họ. Từ đó, dù vẫn tập trung phát triển đội ngũ nhân sự nòng cốt nhưng tôi vẫn chú trọng hơn vào việc xây dựng quy trình xử lý công việc với các biểu mẫu tài liệu tham khảo cho từng loại công việc và các công đoạn thực hiện trong đó. Như vậy, nếu không có nhân sự chủ chốt thực hiện công việc đó vào bất kỳ lúc nào, thì những người mới thay thế, dù chưa đủ kinh nghiệm, vẫn có thể làm được những công việc đó bằng cách sử dụng các biểu mẫu tham khảo có sẳn. Điều này sẽ giúp cho công việc vẫn được thực hiện với chất lượng không bị sụt giảm nhiều. Cuối cùng, như tôi đã nhiều lần đề cập, phải thật bình tĩnh và lạc quan trước những biến cố xảy đến một cách đột ngột như vậy vì trong bất kỳ hoàn cảnh bất lợi nào cũng luôn xuất hiện một vài tia sáng hy vọng cuối đường hầm mà nếu biết cách tận dụng thì bạn sẽ có thể tiếp tục chặng đường phát triển công ty luật của mình.

Tóm lại, sau khi trải qua ba biến cố lớn trong sự nghiệp hành nghề luật sư cũng như quản lý, điều hành công ty luật của mình, tôi đã rút ra cho mình một vài bài học quý báu là đừng để những biến cố đó làm mất niềm tin của bản thân và cần xem những biến cố đó là dấu mốc của thành công. Bên cạnh đó, khi gặp phải một biến cố nào đó trong hành trình tìm kiếm thành công của mình, tôi cần giữ thái độ vui tươi và lạc quan và đừng tự hỏi ai là người có lỗi mà hãy tự hỏi tại sao lại xảy ra những biến cố đó. Quan trọng nhất ở đây là mỗi lần gặp phải biến cố như thế, tôi phải biết cách đứng dậy bằng sức mạnh của đôi chân mình, rút ra những bài học quý báo, nhìn nhận sự tiến bộ của mình theo thời gian cũng như luôn nghĩ rằng sau biến cố thì chắc chắn sẽ có thành công.

 Sau cùng, sau gần 25 năm cống hiến tuổi trẻ nhiệt huyết cho việc hành nghề luật sư cũng như xây dựng, quản lý và điều hành Công ty luật Phuoc & Partners, dù trải qua vô số thăng trầm, tôi thật lòng cảm thấy hạnh phúc và lạc quan trong công việc điều hành, quản lý Công ty luật Phuoc & Partners mới của mình. Bởi lẽ, cũng như bản thân tôi, sau nhiều biến cố thì Công ty luật Phuoc & Partners của tôi đã phục hồi và đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Công ty luật Phuoc & Partners đã xây dựng được một đội ngũ nhân sự đủ có năng lực, đam mê và tràn đầy nhiệt huyết để có thể cung cấp các dịch vụ pháp lý với chất lượng tốt nhất cho khách hàng và Công ty luật Phuoc & Partners luôn được các tổ chức đánh giá độc lập quốc tế bầu chọn là một trong những công ty luật hàng đầu của Việt Nam. Còn đối với cá nhân tôi – xin bạn đọc cho tôi thoáng chốc được tự hào về bản thân mình, đã vinh dự được các tạp chí chuyên ngành pháp luật có uy tín của quốc tế bầu chọn là một trong 100 luật sư hàng đầu của Việt Nam và đứng đầu ở hai lĩnh vực thuế và lao động.

Có thể nói, mặc dù đây là chương kết thúc của Quyển sách này, nhưng nó cũng đồng thời là chương mở đầu cho hành trình khởi nghiệp với nghề luật sư của chính bản thân tôi. Tôi hy vọng rằng, thông qua những nội dung mà tôi đã chia sẻ, những biến cố mà tôi đã giải bày, bạn đọc sẽ có thêm niềm tin và động lực để vững bước trên con đường khởi nghiệp với nghề luật sư của mình.

Bạn biết không, tôi đang rất mong chờ được lắng nghe câu chuyện hấp dẫn về hành trình khởi nghiệp với nghề luật sư của chính bạn trong tương lai không xa!

“Thành công không phải là cuối cùng, thất bại không phải là chết người, lòng can đảm đi tiếp mới quan trọng”

– Winston Churchill –

Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình. Xin chào bạn.

Exit mobile version