Chọn trường và ngành học nào sẽ phù hợp với nghề luật sư?

Chào mừng bạn đã quay trở lại với chuyên mục quản trị công ty luật của tôi sau khi bạn có thể đã đọc qua những chủ đề thú vị khác trong quyển sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi. Xin mời bạn tiếp tục tham khảo một chủ đề khác cũng rất thú vị của quyển sách này nhé.

…………..

Có thể nhận định một cách khách quan rằng, ở Việt Nam hay bất kỳ nơi nào khác trên toàn thế giới, những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn như bác sĩ, luật sư, giáo viên, kỹ sư, kiến trúc sư đều được xem là những nghề được cộng đồng và xã hội đề cao, không chỉ vì tính cần thiết của những nghề này đối với công chúng mà còn bởi tính đặc thù của chúng. Trong số này, luật sư được xem là một trong những nghề nghiệp tiên phong trong việc bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, đóng góp ý kiến chuyên môn giúp hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, đưa luật pháp vào thực tiễn đời sống xã hội, bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, ủng hộ chính nghĩa, lẽ công bằng, bảo vệ những người yếu thế trong xã hội. Do đó, khi cân nhắc và quyết định chọn lựa nghề luật sư cho mình, bạn đang đưa ra một quyết định không chỉ tốt đẹp cho chính bản thân và gia đình bạn, cho cộng đồng và xã hội mà nó còn được Nhà nước, cộng đồng và xã hội khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho bạn hoạt động trong ngành nghề này.

Như vậy, nếu bạn chọn học ngành luật với hy vọng trở thành luật sư chuyên nghiệp trong một công ty luật mà bạn sẽ thành lập hoặc tham gia với tư cách là luật sư thành viên của các công ty luật nào đó đang hoạt động, bạn cần có một kế hoạch rõ ràng và chi tiết ngay từ đầu. Trong Quyển sách này, tôi muốn chia sẻ với bạn một số công việc quan trọng và có tính chất liên tục trong suốt thời gian từ khi bạn bắt đầu theo học đại học cho đến khi bạn nghỉ hưu, giúp bạn chuẩn bị cho sự nghiệp luật sư của mình.

1.4.1. Chọn trường đại học có chuyên ngành luật

Bước đi đầu tiên trong hành trình chinh phục nghề luật sư là bạn phải chọn cho mình một trường đại học có chuyên ngành luật. Bạn cần cân nhắc và lựa chọn cho mình một trường đại học phù hợp với năng lực học vấn của bạn, khả năng tài chính của gia đình bạn và cơ sở vật chất cũng như danh tiếng của trường. Bạn nên đánh giá các yếu tố giữa các trường đại học trong nước, trường đại học ở nước ngoài hoặc trường đại học có sự hợp tác giữa cả hai hệ thống trường trong và ngoài nước.

 Trường đại học trong nước

Trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay, nếu muốn học chuyên ngành luật, bạn có thể chọn một trong những trường đại học luật lâu đời và uy tín, ví dụ như Trường Đại học Luật Hà Nội trực thuộc Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế – Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật này thường tuyển sinh vào khoảng tháng 07 hàng năm với số lượng sinh viên được tuyển chính thức vào khoảng vài ngàn cho mỗi đợt thi tuyển. Các môn dự thi đầu vào cũng khá đa dạng, thuộc nhiều khối thi khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn khi bạn chọn chuyên ngành luật để học và quyết định trở thành luật sư trong tương lai.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc học ở một trong những trường đại học khác mà cũng có đào tạo chuyên ngành luật, ví dụ như Trường Đại học Luật – Đại học Huế, Trường Đại học Đà Lạt – Khoa luật, Trường Đại học Cần Thơ – Khoa luật, Trường Đại học Quốc Gia Đà Nẵng – Khoa luật, trường Đại học Khoa học Huế – Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh – Khoa luật, v.v… Hằng năm, những trường đại học này đều có các đợt tuyển sinh khoa luật hệ chính quy cùng thời điểm với đợt tuyển sinh của các trường đại học luật chuyên ngành, với số lượng tuyển sinh cũng khoảng vài trăm sinh viên mỗi trường. Các môn dự thi đầu vào của các trường này cũng tương tự như những môn thi tuyển sinh của các trường đại học chuyên ngành nêu trên.

 Trường đại học nước ngoài

Học chuyên ngành luật tại các trường đại học ở nước ngoài, ví dụ như Vương Quốc Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Đức – những trung tâm đào tạo chuyên ngành luật hàng đầu trên thế giới – là sự lựa chọn đáng được xem xét, đặc biệt nếu như gia đình bạn có đủ khả năng tài chính trong trung và dài hạn, cùng với yếu tố quan trọng khác đó là bạn đã có đủ khả năng ngoại ngữ (thường là tiếng Anh) để có thể học tập ở nước ngoài.

Dưới đây là một số trường đại học nổi tiếng ở những nước phát triển phương Tây, Mỹ và Úc, mở chuyên ngành luật để bạn tham khảo.

 Trường Luật Harvard của Đại học Harvard (Mỹ)

 Trường Luật của Đại học Stanford (Mỹ)

 Khoa Luật của Đại học Yale (Mỹ)

 Trường Luật của Đại học Columbia (Mỹ)

 Trường Luật của Đại học California, Berkeley (Mỹ)

 Trường Luật của Đại học New York (Mỹ)

 Khoa Luật của Đại học Cambridge (Vương quốc Anh)

 Khoa Luật của Đại học Oxford (Vương quốc Anh)

 Khoa Luật của Trường Đại học London School of Economics

(Vương quốc Anh)

 Khoa Luật của Đại học Melbourne (Úc).

Ở khu vực châu Á cũng có một số trường đại học nổi tiếng có dạy chuyên ngành luật như sau:

 Trường Đại học Tokyo (the University of Tokyo)

 Trường Đại học Hong Kong (the University of Hong Kong)

 Trường Đại học Bắc Kinh (Peking University)

 Trường Đại học Quốc gia Seoul (Seoul National University)

 Trường Đại học Kyoto (Kyoto University)

 Trường Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore).

Để theo đuổi chuyên ngành luật tại các trường đại học nước ngoài xếp hạng trung bình, học phí cho mỗi khoá học 3-4 năm ít nhất cũng phải 600-700 triệu đồng. Ngoài ra, bạn còn phải chi trả các khoản chi phí sinh hoạt và đi lại, số tiền này có thể lên gấp đôi số tiền học phí như vừa nêu. Đây thực sự không phải là số tiền nhỏ so với thu nhập bình quân của gia đình trung lưu tại Việt Nam.

Kinh nghiệm cho thấy rằng, việc theo học chuyên ngành luật tại trường đại học nước ngoài sẽ hợp lý nếu như: (1) bạn đã học tại một trường quốc tế tại Việt Nam trong giai đoạn tiểu học và/hoặc phổ thông trung học; (2) gia đình bạn có điều kiện tài chính khá tốt và ổn định; (3) bạn đã có trình độ ngoại ngữ tương đối tốt; và (4) bạn nhận được học bổng từ trường đại học hoặc từ chính phủ của quốc gia nơi bạn sẽ theo học.

Ngoài ra, kinh nghiệm cũng cho thấy rằng việc học chuyên ngành luật ở trường đại học nước ngoài khi bạn mới tốt nghiệp phổ thông trung học tại Việt Nam cũng tiềm ẩn một vài bất lợi như sau:

  • Thứ nhất, bạn thường sẽ được dạy luật theo một hoặc hai trường phái tiêu biểu là hệ thống pháp luật thông luật (Common Law) và hệ thống pháp luật lục địa (Civil Law) trong khi hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay có nhiều khác biệt so với hai hệ thống pháp luật nêu trên. Nếu xét ở góc độ học thuật, hệ thống pháp luật của Việt Nam được xếp vào loại hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, nhưng trên thực tế nó lại có nhiều quy định về tố tụng, dân sự và hệ thống tòa án mang khá nhiều đặc điểm tương đồng của hệ thống pháp luật lục địa kết hợp với một số đặc điểm cơ bản của hệ thống pháp luật thông luật (ví dụ như việc ban hành án lệ của Tòa án nhân dân tối cao gần đây). Sau khi bạn đã tốt nghiệp chuyên ngành luật ở một trường đại học ở nước ngoài rồi về Việt Nam đăng ký học các khóa đào tạo luật sư của Học viện Tư pháp, thực tập tại một công ty luật nào đó rồi bắt đầu hành nghề luật sư, bạn sẽ gặp phải một vài khó khăn nhất định;
  • Thứ hai, do được đào tạo chuyên ngành luật ở nước ngoài, bạn sẽ khó có thể hiểu rõ một cách tường tận pháp luật Việt Nam cũng như tư duy pháp lý của bạn có thể cũng không phù hợp cho lắm với tư duy pháp lý theo kiểu Việt Nam. Chính vì lẽ đó, bạn sẽ phải mất khá nhiều thời gian để cập nhật kiến thức pháp luật của Việt Nam để có thể hiểu rõ và vận dụng chúng một cách hiệu quả trong công việc hằng ngày của bạn; và
  • Thứ ba, công việc pháp lý ở các công ty luật tại Việt Nam thường không yêu cầu bạn phải vận dụng quá nhiều kiến thức pháp luật quốc tế mà bạn đã được học ở nước ngoài. Mức lương và phúc lợi lao động dành cho bạn cũng không phải là quá hấp dẫn so với chi phí đầu tư cho việc học tập mà gia đình bạn đã phải chi trả. Vì vậy, khả năng bạn sẽ từ chối lời mời làm việc của họ để tiếp tục tìm kiếm cho mình một công việc khác mà bạn cho rằng tương xứng với trình độ học vấn của mình. Nói cách khác, sau khi học xong chuyên ngành luật ở một trường đại học ở nước ngoài và trở về Việt Nam tìm việc, bạn thường sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc phù hợp với trình độ của mình. Điều này ít nhiều sẽ làm giảm đi cơ hội tìm kiếm công việc phù hợp cho bạn.

Nếu bạn thực sự muốn phát triển nghề luật sư của mình tại Việt Nam và gắn bó lâu dài với nghề nghiệp này, tôi khuyên bạn nên theo học cử nhân luật tại một trường đại học uy tín tại Việt Nam, ví dụ như Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đại học Luật Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật và làm việc cho một công ty luật có tiếng trong nước từ 1 đến 2 năm, bạn đã có thể tiếp cận hệ thống pháp luật Việt Nam một cách thấu đáo. Sau đó, bạn sẽ tham gia một khóa đào tạo cao học luật từ 1 đến 2 năm tại một trường đại học có thứ hạng tương đối ở nước ngoài.

Với kế hoạch học tập như vậy, (1) chi phí học tập mà gia đình bạn phải bỏ ra sẽ ít hơn đáng kể so với trường hợp bạn dành toàn bộ thời gian để học chuyên ngành luật tại trường đại học ở nước ngoài; (2) bạn vẫn có được bằng thạc sĩ luật chính quy của trường đại học ở nước ngoài; (3) khi học tập ở nước ngoài, bạn sẽ ít gặp khó khăn về kiến thức pháp luật nền tảng cũng như rào cản ngoại ngữ bởi vì bạn đã có được ít nhiều nền tảng pháp luật chung trong thời gian học cử nhân luật ở Việt Nam và bạn đã làm việc có liên quan đến pháp luật Việt Nam. Kỹ năng ngoại ngữ của bạn cũng tương đối đủ cho việc học tập ở nước ngoài vì bạn đã có thời gian rèn luyện ngoại ngữ trong thời gian học tập ở trong nước; (4) khi trở về Việt Nam, bạn sẽ có thể tìm được một công việc tốt và bắt đầu làm việc ngay mà không gặp phải khó khăn với thực tế môi trường pháp lý của Việt Nam; (5) bạn sẽ dễ dàng chấp nhận một công việc với mức lương phù hợp với thực tế hơn, vì chi phí cho việc học tập của bạn không quá cao; và (6) các công ty luật ở Việt Nam cũng thường ưa thích loại ứng viên này vì chi phí tiền lương mà họ trả cho bạn sẽ hợp lý hơn, cùng với việc bạn đã được trang bị không chỉ kiến thức pháp luật Việt Nam mà còn cả kiến thức pháp luật của nước ngoài.

 Kết hợp học luật tại Việt Nam và học luật ở nước ngoài để lấy bằng của trường đại học ở nước ngoài

Một phương pháp khác giúp giảm bớt chi phí học tập, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu của bạn là có kiến thức pháp luật và bằng cấp nước ngoài, là tham gia khóa đào tạo thạc sĩ luật theo chương trình liên kết giữa trường đại học trong nước và trường đại học ở nước ngoài. Thông thường, theo các chương trình hợp tác này, trường đại học trong nước sẽ đảm nhận việc tuyển sinh và bố trí giảng viên của họ tham gia giảng dạy một số môn luật cơ bản của chương trình học tại cơ sở giảng dạy của họ tại Việt Nam. Trong khi đó, giảng viên nước ngoài sẽ đến Việt Nam để giảng dạy một số môn học trong chương trình học cho bạn. Sau đó, bạn được đưa sang trường đại học ở nước ngoài để tiếp tục học giai đoạn sau và nhận bằng cấp từ trường đại học ở nước ngoài.

Một ví dụ điển hình cho mô hình hợp tác đào tạo này là chương trình hợp tác đào tạo thạc sĩ luật thương mại quốc tế (LLM) giữa Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học West of England ở Vương quốc Anh. Đây có thể được xem là cơ sở đào tạo pháp lý đầu tiên ở Việt Nam thực hiện chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ luật thương mại quốc tế.

 Học luật tại trường đại học Việt Nam để lấy bằng đại học của trường đại học nước ngoài

Ngoài hình thức học tập giai đoạn đầu tại trường đại học ở Việt Nam và học giai đoạn sau tại trường đại học ở nước ngoài như trên, bạn cũng có thể theo học khóa đào tạo thạc sĩ luật theo chương trình liên kết đào tạo giữa một trường đại học trong nước và một trường đại học ở nước ngoài nhưng chỉ cần học tập tại Việt Nam. Thông thường, trong chương trình hợp tác đào tạo dạng này, các giảng viên nước ngoài sẽ được trường đại học ở nước ngoài cử sang Việt Nam và cùng với các giảng viên Việt Nam của trường đại học tại Việt Nam trực tiếp giảng dạy các môn học trong chương trình học tại cơ sở của trường đại học tại Việt Nam theo giáo trình do hai trường cùng nhau biên soạn. Theo phương thức này, bạn vẫn sẽ được cấp bằng thạc sĩ luật của trường đại học ở nước ngoài.

Một ví dụ điển hình cho hình thức đào tạo kiểu này là chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ Luật Kinh doanh quốc tế giữa Trường Đại học Panthéon-Assas Paris II của Pháp và Trường Đại học Kinh tế – Luật thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với thời gian học là 02 năm tại trường Đại học Kinh tế – Luật và bằng Thạc sĩ sẽ do Trường Đại học Panthéon-Assas Paris II, Pháp cấp.

Học luật tại công ty con của trường đại học nước ngoài tại Việt Nam

Trường Đại học Fulbright Việt Nam là một ví dụ điển hình của trường đại học được thành lập tại Việt Nam theo mô hình đại học tư thục phi lợi nhuận. Với sự cho phép mở các khóa đào tạo thạc sĩ luật kinh doanh quốc tế tại Việt Nam, đây được xem là một lựa chọn hợp lý để bạn có được bằng thạc sĩ luật quốc tế tại Việt Nam với học phí hợp lý so với chi phí du học ở nước ngoài. Giáo trình giảng dạy được thiết kế để phù hợp với thực tiễn môi trường pháp lý của Việt Nam, và bạn cũng sẽ được tạo điều kiện để thực tập tại một trong các công ty luật có uy tín tại Việt Nam, cũng như có thể tiếp tục làm việc trong môi trường pháp lý tại Việt Nam trong suốt thời gian tham gia khóa học.

1.4.2. Chọn chuyên ngành học chính nào?

Sau khi đã chọn cho mình trường đại học phù hợp, việc tiếp theo cũng không kém phần quan trọng là bạn phải chọn một chuyên ngành luật phù hợp với mong muốn trở thành luật sư của bạn.

Nhìn chung, các trường đại học đào tạo chuyên ngành luật ở Việt Nam đều phân chia các chuyên ngành nhỏ trong ngành luật để sinh viên lựa chọn và đăng ký trước khi tham gia kỳ thi đại học. Ví dụ, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh được chia thành 06 chuyên ngành chính, bao gồm: Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật Quốc tế và Quản trị – Luật. Việc phân chia các chuyên ngành luật tại trường đại học có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp bạn phát triển hơn nữa kiến thức ở những lĩnh vực pháp luật chuyên ngành mà bạn đã chọn. Hơn nữa, việc lựa chọn chuyên ngành phù hợp sẽ giúp bạn có được lợi thế nhất định khi tìm kiếm công việc mà bạn yêu thích sau khi ra trường. Vì vậy, tùy vào mục tiêu nghề nghiệp của mình, bạn nên lựa chọn một chuyên ngành luật phù hợp nhất với sở thích của bạn.

Nếu bạn đam mê công việc tư vấn pháp lý và tranh tụng có liên quan đến hôn nhân, gia đình, đất đai, thì nên chọn chuyên ngành Luật Dân sự. Nếu muốn trở thành luật sư tranh tụng chuyên bào chữa cho khách hàng trong các vụ án hình sự, thì chuyên ngành Luật Hình sự là phù hợp đối với bạn. Trong số những chuyên ngành luật nêu trên, chuyên ngành Quản trị – Luật của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh được xem là đặc biệt vì sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ đồng thời được nhận hai bằng đại học đó là bằng cử nhân Luật và bằng cử nhân Quản trị kinh doanh. Ngành Quản trị – Luật sẽ trang bị cho bạn những kiến thức hiện đại về kinh doanh, quản trị và luật làm nền tảng nghề nghiệp cho các nhà quản trị và nhà tư vấn. Bạn sẽ được định hướng khả năng hoạch định chiến lược phát triển cho doanh nghiệp, có sự hiểu biết nhất định về các vấn đề quản trị doanh nghiệp cũng như các vấn đề khác có liên quan đến pháp lý.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng việc phân chia các chuyên ngành luật như trên không có nghĩa rằng bạn sẽ chỉ được dạy các môn luật có liên quan đến chuyên ngành đó. Trong thực tế, các chuyên ngành luật đều có ít nhiều liên quan với nhau và đều nhắm đến mục đích sau cùng là tạo điều kiện thuận lợi nhất để bạn có thể tìm được việc làm ở nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau sau khi ra trường. Vì vậy, các trường đại học áp dụng mô hình giảng dạy các môn luật chuyên ngành khá tương đồng với nhau ở các chuyên ngành luật. Điều này có nghĩa rằng nếu bạn chọn chuyên ngành luật hình sự, bạn vẫn được học các môn học của các chuyên ngành luật khác ví dụ như luật thương mại, luật dân sự, luật hành chính và thậm chí cả luật tư pháp, công pháp quốc tế. Điểm khác biệt giữa các chuyên ngành chính là việc bạn sẽ được học tập một số môn học chuyên sâu đối với từng chuyên ngành vào giữa hoặc cuối của năm thứ ba hoặc năm thứ tư của chương trình học. Do đó, hãy yên tâm rằng việc chọn lựa học tập một chuyên ngành luật nào đó sẽ không làm bạn mất đi cơ hội tìm được việc làm ở các chuyên ngành luật khác.

Ngoài ra, đa số các trường đại học đào tạo chuyên ngành luật đều tổ chức các lớp đào tạo chất lượng cao dành cho sinh viên có nền tảng ngoại ngữ tốt hoặc mong muốn học tập bằng ngoại ngữ. Hiện nay, các lớp đào tạo chất lượng cao thường tập trung vào các ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, ví dụ như tiếng Anh, Pháp, Nhật. Do đó, những sinh viên nào tham gia các lớp đào tạo chất lượng cao sẽ đồng thời được học các môn luật bằng tiếng Việt và bằng một loại ngoại ngữ nào đó mà họ tự chọn.

Bên cạnh yếu tố ngoại ngữ, sinh viên học các lớp đào tạo chất lượng cao còn được ưu tiên với sĩ số lớp tương đối nhỏ, tối đa chỉ khoảng 50 sinh viên, có phòng học riêng, có hệ thống máy móc, trang thiết bị, giáo cụ hiện đại phục vụ cho việc học tập, chương trình kiến tập, thực tập kết nối với các công ty luật uy tín hoặc các tập đoàn đa quốc gia, v.v…

Sau khi tốt nghiệp đại học, những sinh viên tham gia các lớp đào tạo chất lượng cao sẽ dễ dàng tìm kiếm cơ hội việc làm vì họ đã có nền tảng ngoại ngữ pháp lý vững chắc và có cơ hội kiến tập hoặc thực tập tại các công ty luật uy tín. Tuy nhiên, để được tham gia các lớp đào tạo chất lượng cao, bạn phải trả học phí cao hơn 02-03 lần so với các lớp thông thường.

1.4.3. Nên chọn đề tài nào để làm luận văn tốt nghiệp?

Việc chuẩn bị luận văn tốt nghiệp cũng không kém phần quan trọng đối với bạn. Đây được xem là phần kiến thức pháp luật tổng hợp và chuyên sâu nhất mà bạn đã đúc kết được sau gần 5 năm học tập ở trường đại học. Theo quy định của các trường đại học tại Việt Nam, viết luận văn tốt nghiệp chỉ áp dụng một cách hạn chế đối với những sinh viên đáp ứng được các điều kiện. Tùy vào quy định riêng của từng trường đại học có đào tạo chuyên ngành luật, thường chỉ có từ 5% đến 10% số lượng sinh viên theo học là có thể đáp ứng điều kiện để viết luận văn tốt nghiệp. Vì vậy, nếu bạn được chọn để viết luận văn tốt nghiệp, trước tiên xin được chúc mừng bạn vì bạn đã có một quá trình phấn đấu được ghi nhận trong suốt thời gian học tập tại trường đại học.

Tiếp theo, điều cần thiết và quan trọng nhất trong quá trình viết luận văn tốt nghiệp là bạn phải chọn cho mình một đề tài trong lĩnh vực pháp luật mà bạn đam mê. Đề tài đó sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức pháp luật cần thiết giúp bạn có thể phát triển sự nghiệp của mình sau này. Nếu muốn trở thành luật sư, bạn nên chọn đề tài luận văn tốt nghiệp có tính ứng dụng cao, dễ tìm tài liệu tham khảo và có tính bao quát. Bạn đừng nên chọn những đề tài quá chuyên sâu về học thuật, ít phổ biến hoặc không có nhu cầu thực tế, vì sẽ rất khó để bạn tìm được những khách hàng tiềm năng trong tương lai trong những chủ đề này. Với đề tài phù hợp, bạn sẽ có thể xây dựng được một khối lượng tài sản tri thức đáng kể cũng như nâng cao kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp của mình, cũng như giúp bạn dễ dàng tìm được khách hàng tiềm năng khi bạn hành nghề luật sư trong tương lai.

1.4.4. Nên học một số môn luật hỗ trợ khác?

Chọn ngành học và đề tài luận văn tốt nghiệp phù hợp là bước đi tuyệt vời, nhưng điều này chỉ đáp ứng được điều kiện cần mà chưa đáp ứng được điều kiện đủ. Để trở thành một luật sư thành công sau này, bạn còn cần tăng cường kiến thức ở các môn pháp luật hỗ trợ khác.

Ví dụ, nếu muốn trở thành luật sư chuyên về tư vấn và tranh tụng trong lĩnh vực pháp luật về lao động và việc làm, bạn cần học thêm một số môn pháp luật hỗ trợ khác như:

  • Pháp luật về thuế thu nhập cá nhân để hiểu loại thu nhập nào của người lao động sẽ phải chịu thuế, loại thu nhập nào sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân, và thuế sẽ được tính theo mức thuế suất nào;
  • Pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp để biết xem một khoản thu nhập nào đó có tính chất tiền lương, tiền công mà doanh nghiệp chi trả cho người lao động có được xem là chi phí hợp lệ của doanh nghiệp đó hay không;
  • Các luật có liên quan đến các loại bảo hiểm bắt buộc để hiểu mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là bao nhiêu, những trường hợp nào người lao động được hưởng trợ cấp từ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp;
  • Pháp luật về doanh nghiệp để hiểu thủ tục thành lập doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lao động, tìm việc làm, cho thuê lại lao động, các trường hợp chia tách, sáp nhập doanh nghiệp để chủ doanh nghiệp cho người lao động dư thừa nghỉ việc;
  • Pháp luật về tố tụng dân sự trong trường hợp xảy ra tranh chấp lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động được đưa ra tòa án có thẩm quyền giải quyết;
  • Pháp luật về xuất nhập cảnh được áp dụng để tư vấn cho việc làm thủ tục xin cấp thị thực nhập cảnh và đăng ký tạm trú cho người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc cho các doanh nghiệp;
  • Pháp luật về dân sự áp dụng khi có thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động phát sinh trước hoặc sau thời kỳ tồn tại mối quan hệ lao động giữa hai bên; và
  • Ngoài ra, còn có nhiều quy định khác có liên quan đến pháp luật trong lĩnh vực này.

[1] . Còn được gọi phổ biến trong giới luật sư là Thạc sĩ Luật học, tiếng Latin là Legum Magister, thường viết tắt là LLM.

Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình. Xin chào bạn.


[1] Còn được gọi phổ biến trong giới luật sư là Thạc sĩ Luật học, tiếng Latin là Legum Magister, thường viết tắt là LLM.

[2] http://web.hcmulaw.edu.vn/tvts/tuyen-sinh-chuong-trinh-chat-luong-cao/thong-tin-tuyen-sinh-chuong-trinh-dao-tao-chat-luong-cao-nam-2021-83.html

[3] http://www.hlu.edu.vn/upload/fckeditor/ThongBaoKLTNK36%281%29.pdf

http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/hoat-dong-cua-cac-don-vi-thuoc-bo.aspx?ItemID=6983