Kỹ năng 15: Kỹ năng không bị khách hàng ép buộc vi phạm pháp luật của luật sư

Chào mừng bạn đã quay trở lại với chuyên mục quản trị công ty luật của tôi sau khi bạn có thể đã đọc qua những chủ đề thú vị khác trong quyển sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi. Xin mời bạn tiếp tục tham khảo một chủ đề khác cũng rất thú vị của quyển sách này nhé.

……………..

Trong thực tiễn hành nghề luật sư, có lúc bạn sẽ rơi vào tình huống là có khách hàng nào đó thường xuyên sử dụng dịch vụ pháp lý công ty luật của bạn trong thời gian dài, lại đồng ý trả phí dịch vụ pháp lý cao cho công ty luật của bạn nhưng lại đòi hỏi tất cả công việc pháp lý của họ phải được công ty luật của bạn thực hiện với kết quả khả quan như họ mong muốn.

Ví dụ, trong các vụ kiện tranh chấp giữa họ và bên thứ ba, dù biết rằng vị thế pháp lý của họ yếu hơn đối thủ của họ, họ vẫn muốn có được phán quyết của tòa án hay trọng tài thuận lợi cho họ, hay trong lĩnh vực cấp giấy phép kinh doanh cho những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện dù họ không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nhưng vẫn muốn được cấp giấy phép cho những ngành nghề đó.

Trong những tình huống như thế, nếu bạn chọn phương án làm hài lòng khách hàng thì điều khó tránh khỏi là công ty luật của bạn phải thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật mà hệ quả của nó là bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và sẽ chấm dứt vĩnh viễn nghề nghiệp luật sư của bạn. Còn đối với công ty luật của bạn, tùy vào mức độ của hành vi vi phạm, sẽ có thể bị Sở Tư pháp tỉnh, thành phố nơi công ty đặt trụ sở xử phạt vi phạm hành chính hay thậm chí là bị tạm đình chỉ hoạt động trong một khoảng thời gian nào đó hay nghiêm trọng hơn là bị rút giấy đăng ký hoạt động vĩnh viễn.

Để tránh cho công ty luật của bạn không bị khách hàng ép buộc phải thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như trên, trước tiên, bản thân công ty luật của bạn cần phải cho thấy sự chuyên nghiệp của mình trong mắt của khách hàng để ngầm đưa ra thông điệp rõ ràng với họ rằng công ty luật của bạn không muốn thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như thế trong bất kỳ trường hợp nào. Khi khách hàng hiểu được thông điệp đó, họ sẽ cân nhắc trước khi yêu cầu công ty luật của bạn thực hiện những việc làm trái pháp luật như thế theo ý của họ.

Nếu khách hàng vẫn tiếp tục yêu cầu như vậy, dù họ có hiểu hoặc không hiểu thông điệp ngầm của bạn, bạn cũng nên dành thời gian phân tích cho họ thấy được vị thế pháp lý của họ trong vụ việc của họ, tính hợp pháp của yêu cầu của họ cũng như những rủi ro pháp lý mà họ phải gánh chịu khi bất chấp rủi ro thực hiện ý định đó cho bằng được. Đi kèm với việc phân tích như thế, bạn cũng cần thể hiện thái độ dứt khoát của mình là công ty luật của bạn sẽ không thực hiện bất kỳ hành vi trái pháp luật nào theo ý muốn của khách hàng mà chỉ nỗ lực cung cấp dịch vụ pháp lý cho họ một cách chuyên nghiệp trong khuôn khổ của pháp luật. Sự kiên định và dứt khoát của bạn, trong một chừng mực nào đó, sẽ khiến khách hàng tôn trọng bạn và công ty luật của bạn hơn và từ đó ít nhiều góp phần làm thay đổi ý định ban đầu của họ.

Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình. Xin chào bạn.