Kỹ năng 16: Kỹ năng làm việc hiệu quả với luật sư nội bộ của khách hàng của luật sư

Chào mừng bạn đã quay trở lại với chuyên mục quản trị công ty luật của tôi sau khi bạn có thể đã đọc qua những chủ đề thú vị khác trong quyển sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi. Xin mời bạn tiếp tục tham khảo một chủ đề khác cũng rất thú vị của quyển sách này nhé.

……………….

Trong quá trình hành nghề luật sư và tham gia tư vấn pháp lý cho những khách hàng lớn, bạn có thể phải làm việc với luật sư nội bộ của họ. Đây thật sự là một trải nghiệm nghề nghiệp tuyệt vời giúp bạn có thêm nhiều kinh nghiệm hữu ích mà không nên bỏ qua.

Khi làm việc với luật sư nội bộ của khách hàng, bạn sẽ có một số lợi ích sau đây:

  • Bạn có được những thông tin cần thiết có liên quan đến công việc pháp lý của khách hàng một cách nhanh chóng, chính xác và đúng trọng tâm vì các luật sư nội bộ có kiến thức pháp luật khá tương đồng với bạn nên họ biết cách truyền đạt thông tin về các vụ việc pháp lý theo cách tốt nhất giữa các luật sư đồng nghiệp với nhau;
  • Vì luật sư nội bộ là người được đào tạo pháp luật một cách bài bản, bạn phải thận trọng hơn khi thực hiện công việc pháp lý được họ giao cho so với những trường hợp bình thường khác. Điều này giúp bạn nâng cao tính cẩn trọng trong công việc, các kỹ năng mềm của bạn cũng nhờ đó được vận dụng và thực tập thường xuyên hơn, giúp bạn trở nên chuyên nghiệp hơn trong công việc và trong giao tiếp với khách hàng;
  • Nhờ sự tham gia của luật sư nội bộ, các tư vấn pháp lý của công ty luật của bạn sẽ được khách hàng thông hiểu một cách tường tận hơn, được họ thực hiện một cách bài bản theo đúng yêu cầu của pháp luật, tránh trường hợp công ty luật của bạn tư vấn một đường nhưng do nhân sự của khách hàng không có đủ hiểu biết pháp luật cần thiết lại hiểu theo một nẻo dẫn đến thực hiện không đúng với những gì công ty luật của bạn đã tư vấn cho họ; và
  • Do luật sư nội bộ đã có kinh nghiệm trong việc tư vấn pháp luật trong nội bộ công ty của họ cũng như nắm được rõ ràng tình hình thực tiễn của công ty của họ, họ sẽ đóng góp ý kiến của họ cho những tư vấn pháp lý của công ty luật của bạn, giúp những  tư vấn pháp lý đó tăng thêm tính áp dụng trong thực tiễn, tránh trường hợp ý kiến tư vấn của công ty luật của bạn đơn thuần chỉ dựa trên các quy định của pháp luật có liên quan mà thiếu đi tính thực tiễn áp dụng trong thực tế.

Tuy nhiên, trong quá trình hành nghề luật sư, đôi khi bạn sẽ rơi vào một vài tình huống khó xử là trường hợp luật sư nội bộ của khách hàng không thích sự tham gia của bạn với tư cách là luật sư độc lập vào công việc pháp lý của khách hàng. Có một số lý do chính của vấn đề này được trình bày bên dưới:

  • Luật sư nội bộ thường là người chịu trách nhiệm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trong công ty của họ, và giờ thì bạn được sếp của họ mời vào để kiểm tra sự tuân thủ pháp luật và nếu bạn tìm thấy vấn đề pháp lý nào đó có liên quan đến việc không tuân thủ pháp luật của công ty của họ thì với tư cách là luật sư nội bộ, tùy từng tình huống cụ thể, họ có thể phải chịu trách nhiệm hay ít nhất cũng bị sếp của họ khiển trách hoặc thậm chí là làm cho họ mất mặt hay họ sẽ được đánh giá là không hoàn thành công việc được giao làm ảnh hưởng đến tiền lương, thưởng và vấn đề thăng chức của họ;
  • Bạn cung cấp dịch vụ pháp lý cho công ty của họ với tư cách là luật sư độc lập nhưng lại chỉ ra được những vấn đề pháp lý của công ty của họ và đưa ra được những giải pháp hợp lý và phù hợp trong khi họ là luật sư nội bộ, có sự am hiểu sâu sắc về các hoạt động kinh doanh của công ty của họ lại không thể làm được như vậy. Điều này, trong một chừng mực nào đó, sẽ khiến cho họ bị sếp của họ đánh giá năng lực làm việc của họ không cao;
  • Với thực tế là phần lớn luật sư nội bộ thường chỉ cọ xát các công việc pháp lý trong phạm vi công ty của họ và trong các lĩnh vực ngành, nghề mà công ty của họ hoạt động nên họ không có nhiều cơ hội cập nhật các quy định pháp luật mới cũng như tham gia tư vấn, tranh tụng ở những lĩnh vực pháp luật phức tạp khác. Ngoài ra, cũng trên thực tế trong giới luật sư thường có suy nghĩ không chính xác rằng luật sư nội bộ có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn kém hơn luật sư hành nghề độc lập. Từ đó, làm cho một số luật sư nội bộ có cảm giác tự ti, không thật sự thoải mái, thận trọng và luôn tạo khoảng cách khi làm việc với các luật sư độc lập bên ngoài; và
  • Luật sư nội bộ không cảm thấy nhận được bất kỳ giá trị hữu ích nào đáng kể từ công ty luật của bạn mang lại cho công ty của họ hay những tư vấn của công ty luật không thật sự làm cho họ cảm thấy tâm phục, khẩu phục về kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn và kỹ năng hành nghề.

Từ những lý do đó, họ có thể làm cho công việc của bạn gặp phải một số khó khăn nhất định có thể kể ra như sau:

  • Đối với những công việc pháp lý của công ty của họ, họ đều chủ động mời nhiều công ty luật tham gia báo phí dịch vụ pháp lý cùng một lúc để họ có cơ sở so sánh phí dịch vụ pháp lý, chất lượng dịch vụ, phạm vi công việc và yêu cầu giảm phí dịch vụ pháp lý khi cần thiết. Điều này ít nhiều làm cho bạn mất nhiều thời gian và công sức hơn để nhận được các công việc pháp lý từ công ty của họ;
  • Họ có thể đưa ra nhiều yêu cầu công việc không hợp lý và đòi hỏi các công việc đó phải được quy định trong hợp đồng dịch vụ pháp lý gây khó khăn cho bạn, ví dụ như họ đòi công ty luật của bạn phải bồi thường một số tiền lớn hơn rất nhiều so với số tiền bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp mà công ty luật đã mua;
  • Họ có thể trả giá phí dịch vụ pháp lý của công ty luật rất sát sao so với giá thị trường, trì hoãn việc thanh toán phí dịch vụ cho đến khi toàn bộ công việc pháp lý được công ty luật của bạn thực hiện xong và thỏa mãn yêu cầu của họ, từ chối trả phí dịch vụ pháp lý tạm ứng ban đầu hay đòi thời gian thanh toán phí dịch vụ pháp lý rất dài từ 03 đến 06 tháng sau khi công việc đã hoàn thành và công ty luật của bạn đã xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng cho công ty của họ;
  • Họ cũng có thể yêu cầu bạn liệt kê một cách chi tiết từng công việc nhỏ trong các đầu việc lớn mà công ty luật của bạn đã thực hiện cho công ty của họ;
  • Họ cũng có thể tìm cách bắt lỗi bạn đối với những sai sót không đáng kể trong quá trình thực hiện công việc ví dụ như sai chính tả, viết sai tên của họ hay công ty của họ, hay nói về một thông tin nào đó không hoàn toàn chính xác, v.v…, và yêu cầu công ty luật phải viết email hay thư xin lỗi, phải giảm phí dịch vụ pháp lý hay bồi thường thiệt hại cho công ty của họ đối với những sai sót không đáng kể đó;
  • Họ cũng có thể trách móc bạn và các cộng sự của bạn về những sai sót không đáng có bằng những từ ngữ không chuyên nghiệp; và
  • Họ cũng có thể gây khó khăn cho công ty luật của bạn bằng cách yêu cầu công ty luật của bạn phải thường xuyên báo cáo một cách chi tiết tình hình thực hiện công việc pháp lý hay theo những yêu cầu bất chợt của họ trong khi chỉ cho bạn một khoảng thời gian rất ít để chuẩn bị phần báo cáo.

Trong những trường hợp như vậy, để có thể làm việc một cách hiệu quả với luật sư nội bộ của khách hàng và không bị mất khách hàng thì bạn phải làm thế nào? Dưới đây là một vài lời khuyên dành cho bạn dù việc thực hiện những lời khuyên đó không đảm bảo một cách chắc chắn nó sẽ giải quyết tận gốc những khó khăn ở trên:

  • Bạn nên chọn những luật sư nào có kinh nghiệm trong công ty luật, đặc biệt là những người đã từng có kinh nghiệm làm việc với luật sư nội bộ của khách hàng, làm việc với họ. Điều này sẽ giúp giảm đi phần nào rủi ro, sai sót không đáng có trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý cho họ;
  • Những tư vấn pháp lý của công ty luật của bạn trước khi gửi ra cho luật sư nội bộ của khách hàng cần được duyệt qua nhiều vòng kiểm tra nghiêm ngặt, có phản biện nội bộ để tránh những sai sót, điểm mơ hồ không đáng có;
  • Khi làm việc với luật sư nội bộ của khách hàng, bạn cần chú ý nắm bắt những quan điểm, cách nhìn nhận và xử lý vấn đề của họ để từ đó có hướng xử lý hợp lý phần nào chiều theo quan điểm, yêu cầu, kỳ vọng của họ;
  • Bạn nên tránh hay nếu không thể thì nên giảm bớt những sự việc có thể làm cho luật sư nội bộ của khách hàng bị mất mặt với sếp của họ;
  • Nên tham khảo ý kiến thực tiễn của luật sư nội bộ của khách hàng đối với ý kiến tư vấn của bạn trước khi gửi thư tư vấn chính thức cho sếp của họ. Điều này sẽ khiến cho họ cảm thấy được tôn trọng và được xem như họ cũng có một chút đóng góp gì đó trong phần tư vấn pháp lý của bạn;
  • Nếu có dịp trao đổi với sếp của luật sư nội bộ của khách hàng tại các cuộc gặp hay qua email, bạn nên cố gắng đề cao vai trò quan trọng của họ trong việc hỗ trợ bạn xử lý các công việc pháp lý của công ty của họ;
  • Kết bạn với luật sư nội bộ của khách hàng trên các mạng xã hội hay mời họ đi ăn để tạo thiện cảm, thân tình, hoặc gửi lời chúc nhân những ngày kỷ niệm quan trọng của họ ví dụ như sinh nhật, ngày cưới; và
  • Thường xuyên gửi cho họ các bài viết phân tích pháp lý hay các cập nhật pháp luật (newsletter) định kỳ của công ty luật của bạn mà có ích cho công việc hằng ngày của họ, luôn lắng nghe và chia sẻ cũng như tư vấn miễn phí cho họ đối với các vấn đề pháp lý đơn giản mà họ gặp phải.

Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình. Xin chào bạn.