Tương tự như hát bè, kỹ thuật chơi bè piano cũng gồm hai loại là chơi bè hòa âm (tức là chồng các nốt lên nhau) và chơi bè phức điệu (rải hợp âm).
- Bè hòa âm
Bè hòa âm tức là bạn chơi giai điệu sao cho tròn trịa, đầy đặn tương tự như có nhiều người đang cùng hát hay nhiều nhạc cụ được chơi cùng một lúc, trong đó mỗi người sẽ phụ trách một bè và thường được sử dụng tại các vị trí của phách mạnh hoặc phách mạnh vừa trong đoạn phiên khúc A và trong các đoạn phần cao trào của đoạn điệp khúc B cần giai điệu mạnh mẻ, đầy đặn. Chơi bè hòa âm có tác dụng tạo cấu trúc hòa âm cho bài đệm piano. Nhìn từ các hợp âm 3 nốt cơ bản, bạn sẽ cảm thấy nó đơn giản nhưng khi bạn phát triển chúng thành các hợp âm có nhiều nốt hơn ví dụ như các hợp âm 7, 9, 11, 13 thì dù nó khó tập hơn nhưng bản nhạc của bạn sẽ trở nên đa dạng và phong phú hơn với nhiều cách chơi đàn ở cả hai tay.
Bạn sẽ chơi bè quãng ba, quãng bốn, quãng năm, quãng sáu hoặc quãng tám tùy thích vì đây là các quãng thuận nghe thuận tai, trong đó bè quãng ba và bè quãng sáu thường được sử dụng nhiều nhất vì quãng ba gần với nốt giai điệu nên thuận lợi cho thế tay của bạn còn bè quãng 6 là hình thức đảo quãng của bè quãng ba và cả hai giúp phân biệt được điệu thức trưởng và điệu thức thứ, kế đến là bè quãng tám vì khá dễ tập và chỉ có tác dụng làm cho giai điệu đầy đặn, mạnh mẻ hơn dù không có hòa âm vì nốt giai điệu và nốt bè giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ là chúng cách nhau một quãng tám.
Một số lưu ý khi chơi bè hòa âm:
- Nốt bè nên nằm ở phía bên tay trái của nốt giai điệu thì mới làm cho giai điệu nổi bật được. Tay phải của bạn cũng sẽ cùng lúc sử dụng kỹ thuật chồng âm nhiều bè hơn (ba bè hoặc bốn bè) nhưng thông thường sẽ là hai bè. Bạn không nhất thiết phải giữ một loại bè mọi lúc mà sẽ sử dụng nhiều loại bè khác nhau trong cùng một đoạn nhạc có sử dụng bè, tùy thuộc vào thế tay của bạn khi đó thuận lợi như thế nào, tuy nhiên nốt giai điệu có nhiều bè hơn thường sẽ nằm ở các phách mạnh và phách mạnh vừa;
- Bạn không nên chồng bè toàn bộ các nốt có trong một ô nhịp, câu, đoạn bạn chọn chơi bè mà chỉ nên chồng bè ở các nốt ở các phách mạnh và phách mạnh vừa để hỗ trợ cho phần hòa âm bên tay trái khi tay trái của bạn phải rải hợp âm theo một mẫu âm hình đệm nào đó mà không đủ các nốt có trong hợp âm làm cho không đủ hòa âm tại vị trí đó và vì thế cần có thêm sự hỗ trợ chồng quãng của tay phải;
- Bạn nên tránh bè quãng hai và quãng bảy vì đây là những quãng nghịch, khó nghe và không có hòa âm. Cũng cần nhớ rằng bè quãng sáu có nguồn gốc từ bè quãng ba (đó là khi bè quãng ba có thang âm cao quá buộc bạn phải hạ xuống một quãng tám để trở thành bè quãng sáu), trong khi bè quãng bốn lại bắt nguồn từ bè quãng năm, khi nốt của bè quãng năm có thang âm quá cao thì bạn buộc phải hạ xuống một quãng tám cho ra bè quãng bốn). Khi chơi bè, cần chú ý là ở các phách mạnh và các phách mạnh vừa thì nốt bè phải nằm ở các nốt có trong hợp âm tại ô nhịp đó, còn ở các phách yếu khi giai điệu chỉ lướt qua thì bạn sẽ bè ở các nốt khác ví dụ như bè quãng ba, quãng bốn, quãng năm, quãng sáu, quãng tám miễn sao các nốt bè có trong âm giai của bản nhạc là được; và
- Do kỹ thuật bè phải tuân theo các hợp âm tại từng ô nhịp nên có một số trường hợp bạn sẽ không luôn luôn giữ bè thấp hơn một quãng ba hoặc một quãng năm được.
Ví dụ: giai điệu chính là: | A E | F E | D trong vòng hợp âm l: Am, Dm, G. Kỹ thuật hát bè quãng ba sẽ như sau: | E C | D C | B |. Theo đó, A được bè bằng E hay C (vì E và C là những nốt có trong hợp âm Am thay vì F dù F là quãng 3 vì F không có trong ba nốt có trong hợp âm Am và vị trí bè lại nằm ở phách mạnh của ô nhịp nên không thể chọn F. Còn giữa E và C thì nên chọn E vì E ở gần với nốt giai điệu hơn C) và E được bè bằng C (C có trong các nốt của hợp âm Am); F được bè bằng D (F nằm trong các nốt của hợp âm Dm) và E được bè bằng C (dù C không nằm trong ba nốt có trong hợp âm Dm nhưng nó lại nằm trong các nốt của âm giai Am (bao gồm A, B, C, D, E, F, G) và lại nằm ở phách yếu của tiết nhịp nên vẫn sẽ chấp nhận được). Sau cùng, D sẽ được bè bằng B do B nằm trong các nốt của hợp âm G.
- Bè phức điệu (rải hợp âm)
Tác dụng của bè phức điệu hay rải hợp âm là tạo ra hòa âm theo lối giai điệu, thể hiện tính dàn trải cho cấu trúc của bản nhạc và thường được sử dụng cho các thể loại có tốc độ trung bình hoặc chậm ví dụ như Ballad, Pop, Slow Rock. Khi chơi bè phức điệu thì bạn không chơi nốt bè và nốt giai điệu cùng một lúc mà bạn phải chơi đuổi theo sau các nốt giai điệu ngay tại khu vực nốt giai điệu vừa chơi nhưng ở các quãng khác so với quãng của các nốt giai điệu với chức năng nối các câu giai điệu lại với nhau hay chơi theo cách mà giai điệu vừa chơi nhưng ở khoảng cách một đến hai quãng tám với chức năng như là một câu lót.
Khi chơi bè phức điệu, cần lưu ý rằng nốt bè không cần luôn luôn nằm ở bên tay trái của nốt giai điệu vì vào lúc đó không có nốt giai điệu nào được chơi nên nốt bè sẽ nằm ở bất kỳ vị trí nào cũng được.
Bạn cũng sẽ sử dụng kỹ thuật chơi bè riêng một mình để tạo thành đoạn dạo đầu, giang tấu, hay đoạn kết nhằm tạo ra một giai điệu mới giống với giai điệu của bản nhạc nhưng lại được bạn chơi ở các quãng khác.
Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.