Làm thế nào tạo được cảm hứng để theo đuổi nghề luật sư?

Chào mừng bạn đã quay trở lại với chuyên mục quản trị công ty luật của tôi sau khi bạn có thể đã đọc qua những chủ đề thú vị khác trong quyển sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi. Xin mời bạn tiếp tục tham khảo một chủ đề khác cũng rất thú vị của quyển sách này nhé.

……………….

Có lẽ hầu hết các bạn trẻ đang theo học đại học hoặc đang theo đuổi con đường trở thành luật sư đều có những lúc bị mông lung, không biết liệu con đường mà mình đã chọn có thật sự đúng đắn hay không, hay băn khoăn liệu bản thân có phù hợp với nghề luật sư hay không. Tại thời điểm đó, một số người đã tìm được động lực để đi tiếp, nhưng cũng có người dừng chân vì không tìm thấy động lực cho bản thân.

Bạn biết không, nếu bạn đang trong thời điểm như vậy thì đừng quá lo lắng hoặc buồn phiền về chuyện đó, vì ai rồi cũng phải trải qua giai đoạn như thế. Đó là một bí mật giữa tôi và bạn! Kể cả tôi, vào những ngày đầu làm luật sư và khi mới thành lập công ty luật của mình, đôi khi tôi vẫn cảm thấy bị lo lắng, buồn phiền như vậy. Vì vậy, bạn đừng quá phiền muộn về vấn đề đó. Bạn hãy yên tâm, bởi vì mọi vấn đề đều có cách giải quyết thấu đáo của nó. Để giải quyết vấn đề này, bạn nên tìm lại động lực của mình thông qua việc đọc những bài viết về các luật sư tài ba, những vụ việc pháp lý mà luật sư đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, những buổi chia sẻ kinh nghiệm từ những luật sư nổi tiếng, và thậm chí là qua vai diễn của một luật sư nào đó trên phim ảnh.

Thật sự, bạn có thể dành thời gian của mình để giải trí, sau đó tìm động lực thông qua các bộ phim về nghề luật sư. Nhiều bộ phim trên thế giới đã khai thác chủ đề luật sư và pháp đình, giúp truyền cảm hứng cho những người theo đuổi nghề này như bạn. Nếu bạn muốn thêm động lực và tìm hiểu về lý tưởng của nghề luật sư cũng như những khía cạnh sáng tối của nghề này, hãy xem các bộ phim tiêu biểu được liệt kê dưới đây. Tuy nhiên, xin đừng dành ra quá nhiều thời gian để tạo động lực cho bản thân mà hãy bắt tay ngay vào việc học tập và làm việc để nhanh chóng đạt được ước mơ trở thành một người luật sư chuyên nghiệp:

  • Twelve Angry Men (1957) – Mỹ
  • Judgment at Nuremberg (1961) – Đức
  • To Kill a Mockingbird (1962) – Mỹ
  • 10 Rillington Place (1971) – Anh
  • The Paper Chase (1973) – Mỹ
  • Breaker Morant (1980) – Úc
  • Reversal of Fortune (1990) – Mỹ
  • A few god men (1992) – Mỹ
  • In the Name of the Father (1993) – Anh
  • Philadelphia (1993) – Mỹ
  • Murder in the First (1995) – Mỹ
  • Erin Brockovich (2000) – Mỹ
  • North Country (2005) – Mỹ – Conviction (2010) – Mỹ – Suit (2011) – Mỹ.

1.4.11. Thu nhập của luật sư từ những nguồn nào?

Các nguồn thu nhập của bạn chủ yếu đến từ tiền lương, bao gồm lương, các khoản trợ cấp, các khoản thưởng và những phúc lợi lao động khác theo hợp đồng lao động mà bạn giao kết với công ty luật nơi bạn đăng ký hành nghề. Bên cạnh đó, bạn còn được chia lợi tức từ hoạt động kinh doanh của công ty luật mà bạn là thành viên góp vốn nếu công ty luật đó hoạt động có lãi. Ngoài ra, có không ít trường hợp bạn còn được những khách hàng của mình thưởng riêng bằng tiền, hiện vật hoặc những phúc lợi cá nhân khác vì bạn đã cung cấp dịch vụ pháp lý chất lượng cao làm cho khách hàng hài lòng, ví dụ như bạn đã giúp khách hàng chiến thắng trong một vụ kiện tranh chấp đình đám nào đó của họ.

Ngoài phần thu nhập cứng được nêu ở trên, bạn còn có thể nhận được các khoản thu nhập mềm khác, ví dụ như tiền thù lao nếu bạn được mời nói chuyện hay trình bày chuyên đề pháp luật tại các hội thảo, hội nghị hoặc được mời thuyết trình tại các trường đại học hoặc trung tâm dạy nghề luật sư ví dụ như Học viện Tư pháp. Hơn nữa, nếu bạn tham gia với tư cách người đại diện theo ủy quyền của cổ đông hay thành viên góp vốn trong hội đồng quản trị, hội đồng thành viên của các tập đoàn hoặc công ty lớn thì cũng được nhận thù lao trách nhiệm hậu hĩnh từ người ủy quyền. Không dừng lại ở đó, nếu có viết sách và viết bài cho các tờ báo, tạp chí chuyên đề pháp luật thì bạn còn nhận được tiền bản quyền bán sách của nhà xuất bản và tiền nhuận bút của tòa soạn báo. Cuối cùng, nếu chịu khó viết blog, làm podcast và quay video về các khóa học trực tuyến chuyên dạy các kỹ năng hành nghề luật sư và các chuyên đề pháp luật thuộc thế mạnh của luật sư và đăng chúng trên website cá nhân của bạn hoặc trên mạng xã hội để thu hút học viên tham gia các khóa học đó thì bạn còn được thêm tiền học phí từ người đăng ký tham gia.

Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình. Xin chào bạn.