- Quãng là gì
Quãng là khoảng cách về cao độ giữa hai âm thanh hoặc nốt nhạc (nốt gốc và nốt ngọn) còn cung (step) là đơn vị dùng để đếm cao độ giữa hai nốt nhạc. Công dụng của quảng là giúp tạo cảm xúc âm nhạc.
- Quãng hòa thanh và quãng giai điệu
Nếu nốt gốc và nốt ngọn của quãng vang lên cùng một lúc thì được gọi là quãng hòa thanh còn nếu nốt gốc và nốt ngọn vang lên lần lượt thì được gọi là quãng giai điệu.
- Tên của quãng
Tên của quãng dựa vào số của quãng và đặc tính của nó và trong đó số của quãng là số nốt nhạc có trong quãng đó. Ví dụ: nốt C và nốt F là quãng bốn vì khoảng cách từ nốt C đến nốt F có bốn nốt nhạc là nốt C, D, E và F. Quãng bốn F có 2,5 cung vì từ nốt C đến nốt D là một cung, từ nốt D đến nốt E là một cung và từ nốt E tới nốt F là nữa cung, cộng lại: 1 cung + 1 cung + nữa cung = 2,5 cung.
Khi nốt thứ hai của quãng cao hơn nốt thứ nhất của nó thì nốt thứ hai được gọi là Quãng lên, và ngược lại nếu nốt thứ hai của quãng thấp hơn nốt thứ nhất của nó thì nốt thứ hai được gọi là Quãng xuống.
Với một quãng bình thường có hai nốt cách nhau quá xa dẫn đến việc khó để đọc quãng, nếu lấy nốt thấp của quãng nâng lên một quãng tám hoặc lấy nốt cao của quãng hạ xuống một quãng tám, thì sẽ có được quãng đảo của quãng nó.
- Các loại quãng
Dựa trên số cung và nữa cung có trong một quãng, quãng được phân thành năm loại như sau: Quãng trưởng (Major interval), Quãng thứ (Minor interval), Quãng đúng (Perfect interval), Quãng tăng (Augmented interval) và Quãng giảm (Diminished interval).
Các quãng trưởng, quãng thứ và quãng đúng là những quãng chính, còn các quãng tăng và quãng giảm là sự thêm bớt của những quãng chính đó. Quãng trưởng và quãng thứ có trong các quãng sau đây: quãng hai, quãng ba, quãng sáu và quãng bảy trong đó quãng trưởng hơn quãng thứ nửa cung. Quãng đúng có trong các quãng một, quãng bốn, quãng năm và quãng tám. Quãng tăng và quãng giảm thật ra chỉ là sự thêm bớt nửa cung của các quãng chính.
- Đặc tính của quãng
Quãng có năm đặc tính chính sau đây:
- Quãng đúng có âm sắc đầy tròn và gồm các quãng sau đây: quãng một đúng (0 cung), quãng bốn đúng (2,5 cung), quãng năm đúng (3,5 cung) và quãng tám đúng (6 cung). Quãng đúng khi vang lên tạo cho người nghe cảm giác đầy đặn, thuận tai. Tất cả các quãng bốn đúng đều có tổng cộng sáu phím trắng và đen, tất cả các quãng năm đúng có tổng cộng 8 phím trắng và đen và tất cả các quãng tám đúng đều trùng âm với nhau.
- Quãng trưởng có âm sắc sáng và gồm các quãng sau đây: quãng hai trưởng (1 cung), quãng ba trưởng (2 cung), quãng sáu trưởng (4,5 cung) và quãng bảy trưởng (5,5 cung).
- Quãng thứ có âm sắc tối và gồm các quãng sau đây: quãng hai thứ (0,5 cung), quãng ba thứ (1,5 cung), quãng sáu thứ (4 cung) và quãng bảy thứ (5 cung).
- Quãng tăng có âm sắc cứng và gồm các quãng sau đây: quãng bốn tăng (3 cung), có độ lớn bằng quãng đúng hoặc quãng trưởng nhưng nhiều hơn nửa cung, quãng hai tăng (3 cung), quãng ba tăng (2,5 cung), quãng năm tăng (4 cung), quãng sáu tăng (5 cung), quãng bảy tăng (6 cung), quãng tám tăng (6,5 cung). Khi quãng đúng hoặc quãng trưởng được cộng thêm nữa cung thì chúng sẽ trở thành quãng tăng.
- Quãng giảm có âm sắc thiếu và gồm các quãng sau đây: quãng năm giảm (3 cung), có độ lớn bằng quãng đúng hoặc quãng thứ nhưng ít hơn nửa cung, quãng hai giảm (0 cung), quãng ba giảm (1 cung), quãng bốn giảm (2 cung), quãng sáu giảm (3,5 cung), quãng bảy giảm (4,5 cung), quãng tám giảm (5,5 cung). Khi quãng đúng hoặc quãng thứ giảm bớt nửa cung thì trở thành quãng giảm.
Lưu ý, đối với những quãng có dấu hóa (#) thì không có nghĩa rằng quãng đó tăng và đối với những quãng có dấu hóa giảm (b) thì cũng không có nghĩa rằng quãng đó giảm mà thật ra chúng chỉ làm cho các quãng đó rộng hoặc hẹp về số lượng các cung và nữa cung có trong các quãng có các dấu hóa (#) và dấu hóa giảm (b) đó chứ số nốt nhạc trong những quãng đó vẫn như nhau.
- Tính chất của quãng
- Quãng một có nốt gốc và nốt ngọn đồng âm khi chúng có cùng cao độ nên có tính chất kêu gọi, hiệu triệu, khẳng định, mạnh mẽ.
- Quãng hai trưởng và quãng hai thứ có tính chất của một quãng nghịch nên chúng có tính chất ủy mị, u ám, huyền bí. Khi quãng hai trưởng được chơi nối tiếp nhau, âm thanh của chúng nghe giống như giai điệu đang chạy trên nền âm giai của bản nhạc, cho người nghe cảm giác bồng bềnh. Còn khi quãng hai thứ được sử dụng nối tiếp nhau, chúng tạo ra sự chuyển động theo lối chromatic (vì các nốt gốc và các nốt ngọn chỉ cách nhau nữa cung) tạo ra cảm giác căng thẳng, kích thích. Trong khi đó, khi quãng hai trưởng và quãng hai thứ được chơi đan xen nhau thì sẽ tạo ra các câu nhạc có tính chất dịu dàng. Ngoài ra, nếu quãng hai trưởng và quãng hai thứ di chuyển đi lên thì có tính chất rộng mở, tươi sáng (ví dụ như chuẩn bị vào phần cao trào của đoạn điệp khúc B) và nếu chúng di chuyển đi xuống thì có tính chất nặng nề và cũng sẽ là chuẩn bị để vào phần cao trào của đoạn điệp khúc B.
- Trong các quãng nêu trên, bạn nên chú ý đến các quãng ba trưởng và quãng ba thứ vì chúng giúp hình thành các hợp âm trưởng và các hợp âm thứ làm cho âm thanh nghe có vẻ thuận tai và hay nhất trong tất cả các quãng. Bên cạnh đó, trong khi quãng ba trưởng có tính chất vui tươi, trong sáng thì quãng ba thứ lại có tính chất u buồn, miên man, trầm uất, v.v… Nếu bạn để ý thì sẽ thấy rằng các hợp âm ba nốt hình thành từ hai quãng ba được chồng nối tiếp nhau và các hợp âm màu hay còn được gọi là hợp âm mở rộng ví dụ như hợp âm 7, 9, 11, 13 thường nghe rất hay vì chúng là các hợp âm ba nốt được chồng các quãng ba nối tiếp nhau để hình thành nên chúng. Hơn thế nữa, giai điệu nào được nối tiếp bằng các quãng ba sẽ tạo nên một hợp âm rãi vì vậy chúng có tính chất mạnh mẽ và thường được dùng cho các bản nhạc hành khúc hay đề tài tình yêu.
- Quãng bốn là quãng đúng nên có tính chất không buồn, không vui, ít tạo nên cảm xúc âm nhạc vì chúng không có quãng ba nào trong đó để có thể phân biệt được tính chất trưởng (vui) hay thứ (buồn). Do đó, quãng bốn thường diễn tả cảm xúc cứng rắn, mạnh mẽ và thường được sử dụng trong các bài Quốc ca, hành khúc cũng như dùng cho bè Bass.
- Quãng năm cũng là một quãng đúng và là quãng đảo của quãng bốn nên chúng cũng ít tạo nên cảm xúc vì không có quãng ba nào trong nó và vì thế chúng thường được dùng để diễn tả nhiều tâm trạng khác nhau ví dụ như quyến rũ, lạ thường, kích thích và cũng thường được dùng cho bè Bass.
- Quãng sáu thực ra không phải là quãng mới mà là quãng đảo của quãng ba nên âm thanh của nó cũng nghe thuận tay và rất hay, âm thanh của nó có vẻ êm dịu nhưng có phần yếu đuối. Bên cạnh đó, nếu quãng sáu di chuyển theo hướng đi lên sẽ tạo cảm giác vươn lên và thành đạt. Ngoài ra, quãng sáu trưởng thường được dùng để diễn tả các bước nhảy tích cực, mạnh mẽ còn quãng sáu thứ thì êm dịu, nhẹ nhàng.
- Quãng bảy nói chung là một quãng nghịch và là quãng đảo của quãng hai nên nó có tính chất cứng cỏi, xao xuyến, chói chang, diễn tả cảm xúc thầm thì. Trong đó, đặc biệt quãng bảy thứ được cho là tạo cảm giác gây gắt, căng thẳng, xung đột.
- Quãng támlà quãng đúng và thuận hoàn toàn nên có tính chất trang trọng, đầy đặn, tích cực, trong trẻo, quang sáng và rất thường dùng, đặt biệt là trong phần điệp khúc.
- Các quãng nào trên một quãng tám ví dụ như quãng chín thường sẽ biểu hiệu cho tình cảm thật xúc động, mãnh liệt.
Riêng đối với quãng hòa âm thì được phân thành hai loại là quãng hòa âm thuận và quãng hòa âm nghịch. Trong khi quãng hòa âm thuận cho bạn cảm giác êm tai thì quãng hòa âm nghịch lại cho cảm giác chói tai, cần được giải quyết về lại các quãng thuận. Quãng hòa âm thuận lại được chia thành hai loại nhỏ là quãng hòa âm thuận hoàn toàn và quãng hòa âm thuận vừa phải. Theo đó, quãng hòa âm thuận hoàn toàn gồm các quãng sau đây: quãng một (đồng âm), quãng tám đúng và quãng năm đúng. Trong khi đó, quãng hòa âm thuận vừa phải gồm các quãng sau đây: quãng ba trưởng, quãng ba thứ, quãng sáu trưởng, quãng sáu thứ. Ngoài ra, còn có một loại quãng khác nữa là quãng hòa âm thuận hỗn hợp (tức là nó vừa nửa thuận lại vừa nửa nghịch) đó là quãng bốn đúng. Còn đối với tất cả các quãng hòa âm hoà điệu khác ví dụ như quãng hai trưởng, quãng hai thứ, quãng bốn tăng hoặc quãng năm giảm, quãng năm tăng hoặc quãng sáu giảm, quãng bảy trưởng và quãng bảy thứ thì đều là các quãng nghịch.
Ví dụ, trong âm giai Đô trưởng có 28 quãng như bên dưới. Trong đó, các quãng được in đậm là các quãng nghịch.
- C-D (quãng hai trưởng), C-E (quãng ba trưởng), C-F (quãng bốn đúng), C-G (quãng năm đúng), C-A (quãng sáu trưởng), C-B (quãng bảy trưởng), C-C (quãng tám đúng);
- D-E (quãng hai trưởng), D-F (quãng ba thứ), D-G (quãng bốn đúng), D-A (quãng năm đúng), D-B (quãng sáu trưởng), D-C (quãng bảy thứ);
- E-F (quãng hai thứ), E-G (quãng ba thứ), E-A (quãng bốn đúng), E-B (quãng năm đúng), E-C (quãng sáu thứ);
- F-G (quãng hai trưởng), F-A (quãng ba trưởng), F-B (quãng bốn tăng hoặc 5 giảm), F-C (quãng năm đúng);
- G-A (quãng hai trưởng), G-B (quãng ba trưởng), G-C (quãng bốn đúng);
- A-B (quãng hai trưởng), A-C (quãng ba thứ); và
- B-C (quãng hai thứ).
Cần lưu ý, quãng hai thứ thường có xu hướng hút về các nốt của hợp âm cách chúng nửa cung nằm ở phía trước hoặc phía sau chúng. Bên cạnh đó, khi một bản nhạc mà xác định được hợp âm chủ là hợp âm nào thì vào lúc đó bạn mới cần tính quãng của hợp âm chủ đó ở những ô nhịp nào có hợp âm chủ đó xuất hiện để xác định chất lượng của các quãng trong vòng một quãng tám. Tuy nhiên, vì không phải ở ô nhịp nào cũng đều xuất hiện hợp âm chủ mà trong bản nhạc sẽ còn xuất hiện các hợp âm khác ví dụ như hợp âm bà con, họ hàng ở các bậc IV, V, II, III, VI, VII, các hợp âm tăng giảm, v.v…thay phiên nhau đang xen với hợp âm chủ để tạo ra vòng hòa âm cho bản nhạc nên ở những ô nhịp nào có các hợp âm bà con, họ hàng khác với hợp âm chủ thì bạn không cần chú trọng đến việc tính quãng và kiểm tra chất lượng của quãng. Thay vào đó, tại những ô nhịp đó các quãng giữa các nốt có trong hợp âm sẽ được xem là các quãng thuận (quãng ba thứ, quãng ba trưởng, quãng năm đúng, quãng bảy thứ, quãng bảy trưởng, quãng tăng, quãng giảm), còn các nốt khác thì dù có trong các nốt âm giai của hợp âm chủ nhưng lại không phải là các nốt có trong hợp âm nên sẽ được xem là các quãng nghịch dù chúng vẫn nằm trong bảy nốt của âm giai của hợp âm chủ. Ngoài ra, đối với năm nốt nằm ngoài bảy nốt âm giai của hợp âm chủ trong tổng số 12 nốt có trong một quãng tám thì sẽ được xem là các quãng nghịch. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ là đối với các hợp âm 7, hợp âm tăng, hợp âm giảm, hợp âm sus, v.v … nếu các hợp âm đó có các nốt nằm ngoài bảy nốt của âm giai thì các nốt đó vẫn được xem là các quãng thuận nhưng chỉ ở tại các ô nhịp mà các hợp âm đó xuất hiện. Nếu chúng có xuất hiện các nốt như vậy nhưng lại ở các ô nhịp khác không có các hợp âm nêu trên xuất hiện ở các ô nhịp đó thì vẫn được xem là các quãng nghịch.
- Mẹo để đọc quãng nhanh
Hai nốt nhạc cùng nằm trên các hàng kẻ hoặc cùng nằm ở các khe nhạc của khuông nhạc thì luôn là quãng lẻ: ví dụ: quãng ba, quãng năm, quãng bảy, quãng chín. Còn nếu một nốt nhạc nằm ở trên dòng kẻ còn nốt nhạc còn lại của khuông nhạc nằm ở trong khe nhạc thì luôn là quãng chẳn. Ví dụ: quãng hai, quãng bốn, quãng sáu, quãng tám.
Chú ý: quãng chín = quãng hai. Quãng mười bằng quãng ba, quãng 11 bằng quãng bốn, tức là bạn lấy số quãng trừ đi cho bảy.
- Quãng đơn và quãng kép và đảo quãng
- Quãng đơn và quãng kép
Quãng đơn là quãng không quá một quãng tám đúng. Quãng kép là quãng lớn hơn một quãng tám đúng.
- Đảo quãng
Đảo quãng được sử dụng khi hai nốt của một quãng nào đó quá rộng dẫn đến tình trạng khó đọc quãng một cách chính xác. Để giúp đọc quãng dễ dàng trong trường hợp đó, bạn nên đổi ngược tên các nốt có trong quãng và đó được gọi là đảo quãng. Có hai loại đảo quãng là: (1) Đảo quãng đơn (tức là nốt gốc và nốt ngọn chỉ cách nhau trong một quãng tám); và (2) Đảo quãng kép (tức là nốt gốc và nốt ngọn của quãng cách nhau hơn một quãng tám).
- Có hai cách để đảo một quãng đơn là: (1) giữ nguyên âm ngọn, di chuyển âm gốc lên một quãng tám đúng; hoặc (2) giữ nguyên âm gốc, di chuyển âm ngọn xuống một quãng tám đúng. Công thức của đảo quãng đơn là: quãng bình thường sẽ bằng 9 – quãng đảo. Hoặc nói theo cách khác, tổng độ lớn số lượng của một quãng đơn và quãng đảo của nó luôn bằng 9. Ví dụ: quãng của nốt C và nốt B trong một quãng tám đúng là như sau: bạn chuyển nốt C lên một quãng tám và như vậy khoảng cách giữa nốt B và nốt C là quãng hai thứ nên quãng của hai nốt C và B sẽ là 9 – 2 = 7 tức là quãng bảy trưởng. Bạn cũng sẽ làm theo cách khác là chuyển nốt B xuống một quãng tám và như vậy khoảng cách giữa nốt B và nốt C sẽ là quãng hai thứ nên quãng của hai nốt C và B là 9 – 2 = 7 tức là quãng bảy trưởng; và
- Có ba cách để đảo một quãng kép là: (1) giữ nguyên âm ngọn, chuyển âm gốc lên hai quãng tám đúng; (2) giữ nguyên âm gốc, chuyển âm ngọn xuống hai quãng tám đúng; và (3) chuyển âm gốc lên một quãng tám đúng đồng thời chuyển âm ngọn xuống một quãng tám đúng. Công thức của đảo quãng kép là: quãng bình thường sẽ bằng 16 – quãng đảo. Hay nói theo cách khác, tổng độ lớn số lượng của một quãng kép và quãng đảo của nó luôn là 16.
Trừ các quãng đúng mà sau khi đảo quãng thì quãng đảo vẫn là quãng đúng, tất cả các quãng khác còn lại sau khi đảo quãng sẽ trao đổi tính chất cho nhau. Cụ thể, độ lớn chất lượng của quãng đúng sau khi đảo quãng vẫn là quãng đúng. Độ lớn chất lượng của quãng trưởng sau khi đảo quãng sẽ trở thành quãng thứ. Độ lớn chất lượng của quãng thứ khi đảo quãng sẽ trở thành quãng trưởng. Độ lớn chất lượng của quãng tăng khi đảo quãng sẽ trở thành quãng giảm. Độ lớn chất lượng của quãng giảm khi đảo quãng sẽ trở thành quãng tăng.
- Quãng giúp ích gì cho bạn khi chơi đàn piano
Học để biết về quãng, phân loại, tính chất và công dụng của quãng sẽ giúp bạn xác định được tính chất cấu tạo và diễn tiến của các âm, hợp âm để từ đó có thể nhận định một cách chính xác và hiểu rõ hơn về nội dung bản nhạc. Hay nói theo cách khác, khi biết được chất lượng của quãng thông qua đặc tính của từng loại quãng trong năm đặc tính của quãng nêu trên cũng như biết được âm giai (scale) của bản nhạc, bạn sẽ có thể sử dụng lặp lại từng quãng mà bạn chọn hoặc có thể kết hợp một cặp hai quãng với nhau (ví dụ như khi quãng hai trưởng được chơi nối tiếp nhau thì âm thanh sẽ nghe như giai điệu đang chạy trên âm giai của bản nhạc, cho cảm giác bồng bềnh. Hoặc khi quãng hai thứ được sử dụng nối tiếp nhau sẽ tạo sự chuyển động chromatic vì có khoảng cách nửa cung tạo ra cảm giác căng thẳng, kích thích. Hoặc khi quãng hai trưởng và quãng hai thứ được chơi đan xen nhau sẽ tạo ra các câu nhạc có tính chất dịu dàng di chuyển đi lên hoặc đi xuống, trên cơ sở quãng nghịch trong âm giai sẽ di chuyển về quãng thuận trong âm giai hoặc di chuyển từ quãng nghịch ngoài âm giai về quãng thuận trong âm giai cũng như cách trộn lẫn các quãng qua lại với nhau để hình thành các câu lót ở những chỗ trống không có giai điệu của bản nhạc, hay giúp bạn có thể hiểu và lý giải được cách thức mà các đoạn chạy ngón hay fill-in được tác giả bản nhạc đưa vào ở các đoạn phiên khúc A di chuyển vào đoạn điệp khúc B, cũng như sử dụng các thủ pháp biểu diễn để tô điểm làm đẹp các nốt giai điệu mà không sợ bị sai.
Bên cạnh đó, quãng có mối liên hệ mật thiết đến cấu tạo của hợp âm và hòa âm. Ví dụ, các hợp âm ba bao gồm một quãng ba trưởng và một quãng ba thứ chồng lên nhau và một quãng năm đúng, đây là các quãng thuận nên sẽ nghe êm tai. Các hợp âm bảy gồm ba quãng ba chồng lên nhau, trong đó có một quãng ba trưởng và hai quãng ba thứ hay hai quãng ba trưởng và một quãng ba thứ, một quãng bốn tăng, một quãng năm đúng và một quãng bảy thứ hay một quãng bảy trưởng, đây là các quãng vừa có thuận và vừa có nghịch nên phải giải quyết về chủ âm.
Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin ửng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.