Khi một bản nhạc được chơi không chỉ bằng một (ton) giọng từ đầu đến cuối như thường thấy trong đa số các bản nhạc mà thay vào đó ở một đoạn nào đó của bản nhạc (thường là ở đoạn điệp khúc B hoặc là đoạn chuẩn bị kết thúc bản nhạc), tác giả lại đổi bản nhạc sang một (ton) giọng khác để tạo thêm màu sắc cho bản nhạc. Trong trường hợp đó, bạn nên sử dụng một trong ba cách sau đây:
- Cách 1: Bạn tìm một hợp âm chung của hai (ton) giọng đó, sau đó bắt đầu chơi từ đầu đến cuối phần bản nhạc thuộc (ton) giọng thứ nhất rồi chuyển sang hợp âm chung của hai (ton) giọng để từ đó tiếp tục di chuyển đến hợp âm 7 át của hợp âm chủ của phần bản nhạc thuộc (ton) giọng thứ hai để tạo sức hút từ hợp âm 7 át về hợp âm chủ rồi hút về hợp âm chủ của phần bản nhạc thuộc (ton) giọng thứ hai. Cần chú ý rằng:
- Sau khi đã về hợp âm chủ của phần bản nhạc thuộc (ton) giọng thứ hai mà bạn lại muốn khẳng định một lần nữa sự thay đổi (ton) giọng này thì sẽ chuyển trở lại hợp âm 7 át của hợp âm chủ của phần bản nhạc thuộc (ton) giọng thứ hai một lần nữa rồi mới quay về hợp âm chủ của phần bản nhạc thuộc (ton) giọng thứ hai;
- Khi quay về hợp âm chủ của phần bản nhạc thuộc (ton) giọng thứ hai, tùy thể đảo nào của hợp âm 7 át tại thời điểm đó mà bạn sẽ tìm thế bấm thuận lợi nhất để di chuyển về hợp âm chủ của phần bản nhạc thuộc (ton) giọng thứ hai (sẽ là ở thể nguyên vị hoặc một trong các thể đảo của hợp âm chủ để làm sao nghe liền bậc và có hòa âm);
- Nếu cả hai hợp âm chủ của cả hai (ton) giọng có hơn một hợp âm chung thì bạn phải chọn hợp âm chung nào bạn nghe hay nhất để sử dụng cho phù hợp;
- Có đôi khi, hợp âm chủ của (ton) giọng thứ hai mà bạn dự định chuyển đến lại cũng là một trong những hợp âm có trong hợp âm chủ của (ton) giọng thứ nhất. Khi gặp trường hợp đó, bạn sẽ chuyển (ton) giọng trực tiếp từ (ton) giọng thứ nhất sang (ton) giọng thứ hai mà không cần tìm một hợp âm chung gián tiếp khác giữa hai (ton) giọng. Ví dụ, bản nhạc giọng Đô trưởng và bạn muốn chuyển qua giọng Fa trưởng thì bạn sẽ chuyển thẳng luôn từ C qua F thay vì phải di chuyển về một hợp âm chung nào đó của cả hai (ton) giọng trước (ví dụ như Bb) vì trong âm giai của hợp âm Đô trưởng có hợp âm F trưởng; và
- Bạn nên đặt các hợp âm sẽ chuyển qua (ton) giọng thứ hai ở phách mạnh.
Ví dụ: Phần bản nhạc thuộc giọng (ton) thứ nhất có hợp âm chủ là C mà bao gồm bốn hợp âm chính và bốn hợp âm song song là: C, F, G, G7, Am, Dm, Em, E7 trong khi phần bản nhạc thuộc (ton) giọng thứ hai có hợp âm chủ là Gm gồm bốn hợp âm chính và bốn hợp âm song song là Gm, Cm, Dm, D7, Bb, E, F, F7 thì cả hai (ton) giọng trên có một hợp âm chung là Dm. Như vậy, khi chơi hợp âm chủ sau cùng của phần bản nhạc thuộc (ton) giọng thứ nhất là C thì từ đó bạn sẽ di chuyển qua hợp âm bắt cầu Dm rồi di chuyển tiếp đến hợp âm 7 át của hợp âm chủ của phần bản nhạc thuộc (ton) giọng thứ hai là D7 rồi mới di chuyển trở về hợp âm chủ thứ hai là Gm, và nếu bạn muốn khẳng định việc chuyển (ton) giọng thêm một lần nữa thì sẽ chơi một lần nữa hợp âm D7 trước khi di chuyển về hợp âm Gm.
- Cách 2: Khi di chuyển từ hợp âm chủ của (ton) giọng thứ nhất sang hợp âm chủ của (ton) giọng thứ hai mà cả hai (ton) giọng đều không có hợp âm chung trong thang âm 7 hợp âm của hai âm giai đó thì bạn sẽ tìm đến các hợp âm chung gián tiếp của hai hợp âm chủ trong giọng trưởng và giọng thứ hòa thanh và giọng trưởng và giọng thứ giai điệu (chắn chắn là có hợp âm chung) để từ đó bạn di chuyển về hợp âm chung gián tiếp của chúng rồi tiếp tục di chuyển đến hợp âm 7 át của hợp âm chủ thứ hai để rồi từ đó có lực hút di chuyển về hợp âm chủ thứ hai.
Ví dụ 1: Hợp âm chủ A khi di chuyển qua Bb thì cả hai (ton) giọng đều không có hợp âm chung vì 7 hợp âm trong âm giai của A chỉ bao gồm các hợp âm sau đây: A, D, E, F#m, Bm, C#m và G#dim và 7 hợp âm của âm giai Bb chỉ có các hợp âm sau đây: Bb, Eb, F, Gm, Cm, Dm và A#dim nên bạn phải tìm đến các hợp âm có trong trưởng hòa thanh của hợp âm A tức là Dm thay vì D (nốt F# đổi thành F) và như vậy cả hai âm giai A và Bb đều có một hợp âm chung là Dm nên từ A bạn sẽ di chuyển qua Dm trước rồi tiếp tục di chuyển qua Eb (bậc IV của Bb vì Eb rất gần với Dm) rồi từ đó di chuyển tiếp đến hợp âm 7 át của Bb là F7 để hút về Bb.
Ví dụ 2: hợp âm chủ Am khi di chuyển qua Bbm thì cả hai (ton) giọng đều không có hợp âm chung vì 7 hợp âm trong âm giai của Am chỉ gồm các hợp âm sau đây: Am, Dm, E, C, F, G và Bdim và 7 hợp âm của âm giai Bbm chỉ gồm các hợp âm sau đây: Bbm, Ebm, Fm, Db, Gb, Ab và Cdim nên bạn phải tìm đến các hợp âm có trong thứ hòa thanh của hợp âm Am tức là Dm thay vì D (nốt F# đổi thành F) và như vậy cả hai âm giai A và Bb sẽ có một hợp âm chung là Dm nên từ A bạn di chuyển qua Dm trước rồi từ đó di chuyển qua Eb (bậc IV của Bb vì Eb rất gần với Dm) rồi tiếp tục di chuyển đến hợp âm 7 át của Bb là F7 để hút về Bb.
- Cách 3: Bạn sẽ dùng kỹ thuật chromatic nữa cung để chữa cháy nếu bạn không có đủ thời gian để tính toán và xử lý chuyển điệu theo Cách 1 hoặc Cách 2 nêu trên.
Ví dụ, bản nhạc gốc không có chuyển (ton) giọng nhưng khi hát ca sĩ lại muốn xử lý chuyển (ton) giọng ở một đoạn nào đó của bản nhạc để tạo thêm màu sắc cho âm nhạc hoặc nếu ca sĩ bị lạc nhịp và muốn đổi (ton) giọng ngay lúc đó để hát được thì trong trường hợp bất ngờ như vậy bạn không còn cách nào khác là nên chơi từ nốt chính của hợp âm chủ của phần bản nhạc thuộc (ton) giọng thứ nhất rồi di chuyển sang nốt chính của hợp âm chủ của phần bản nhạc thuộc (ton) giọng thứ hai. Kỹ thuật chromatic cần được sử dụng trong tình huống này giúp xóa nhòa điệu tính của hợp âm chủ của phần bản nhạc thuộc (ton) giọng thứ nhất để người nghe dễ dàng chấp nhận hợp âm chủ của phần bản nhạc thuộc (ton) giọng thứ hai.
Khi chơi hai bản nhạc mà không có cùng (ton) giọng và cũng không cùng tiết điệuví dụ như điệu Boston và điệu Slow Rock dẫn đến trường hợp tốc độ, nhịp và tiết điệu của cả hai bản nhạc đều khác nhau và mỗi bản nhạc lại ở một (ton) giọng khác nhau thì để chuyển (ton) giọng cho liền lạc, sẽ có hai trường hợp xảy ra như sau:
- Từ bản nhạc có nhịp điệu chậm ví dụ như điệu Slow Rock chuyển sang bản nhạc có nhịp điệu nhanh ví dụ như điệu Pop, bạn sẽ sử dụng kỹ thuật dằn như Tutti, Tace để từ phần của bản nhạc có tiết điệu chậm chuyển sang phần của bản nhạc có tiết điệu nhanh; và
- Từ bản nhạc có tiết điệu nhanh ví dụ như điệu Slow Rock chuyển sang bản nhạc có tiết điệu chậm ví dụ như điệu Boston, bạn sẽ sử dụng kỹ thuật Rall, Rit để làm tốc độ của bản nhạc thứ nhất (điệu Slow Rock) chậm lại bằng với tốc độ của bản nhạc thứ hai (điệu Boston) rồi dùng kỹ thuật rải hợp âm chậm chậm di chuyển từ hợp âm chủ của bản nhạc thứ nhất sang hợp âm chung của hai bản nhạc rồi từ đó di chuyển tiếp đến hợp âm 7 át của hợp âm chủ của bản nhạc thứ hai rồi từ đó hút về hợp âm chủ của bản nhạc thứ hai và bạn cũng sẽ tiếp tục khẳng định lại một lần nữa nếu muốn.
Cũng có trường hợp bạn phải chơi một bản nhạc ở hai (ton) giọng khác nhau vì ca từ của bản nhạc khá đơn điệu và lặp đi lặp lại nhiều lần. Để tránh nhàm chán cho người nghe, bạn sẽ tạm thời chuyển (ton) giọng của bản nhạc trong một đoạn ngắn nào đó của bản nhạc sang một giọng (ton) thứ hai rồi sau đó quay trở lại với (ton) giọng thứ nhất. Kỹ thuật này thường được gọi với tên gọi là ly điệu, tức là mượn những thang âm xa để hòa âm cho những giai điệu vốn nhàm chán.
Cần chú ý rằng khi chuyển (ton) giọng thì bạn cũng phải di chuyển qua hợp âm chung của hai (ton) giọng rồi từ đó di chuyển đến hợp âm 7 át của (ton) giọng thứ hai rồi mới di chuyển trở về hợp âm chủ của (ton) giọng thứ hai. Tuy nhiên, nếu muốn di chuyển đột ngột sang hợp âm chủ thứ hai mà không phải di chuyển qua hợp âm chung của hai (ton) giọng, bạn nên chọn hợp âm chủ thứ hai là hợp âm mà hợp âm chủ thứ nhất là hợp âm át của hợp âm chủ thứ hai (tức là hai hợp âm cách nhau một quãng bốn). Ví dụ: bản nhạc được chơi ở hợp âm chủ C thì khi sử dụng kỹ thuật ly điệu, bạn nên chọn hợp âm chủ là F vì hợp âm chủ C là hợp âm át của F nên sẽ có sức hút từ C về F.
Chú ý, khi chơi độc tấu piano mà bạn muốn chuyển tạm qua một hợp âm chủ nào khác thì cũng được nhưng nếu là đệm hát thì cần chú ý là khi bạn chuyển từ hợp âm chủ này sang hợp âm chủ khác thì hợp âm chủ khác đó phải nằm trong khoảng nốt giai điệu (tức là âm vực mà ca sĩ đang hát bản nhạc đó sẽ hát được nếu không thì ca sĩ sẽ bị trật (ton) giọng ngay).
Cũng có một vài trường hợp một bản nhạc lại được tác giả bản nhạc sử dụng hai tiết điệu khác nhau ví dụ như đoạn phiên khúc A thì chơi điệu Boston nhưng đến đoạn điệp khúc B thì lại chơi điệu Slowrock. Trong trường hợp đó, bạn phải biết các phách mạnh và mạnh vừa của từng loại nhịp, số phách cũng như các mẫu âm hình đệm của điệu (chủ yếu là các âm Bass) để điều chỉnh các điểm nhấn của tay trái của bạn theo âm hình tiết tấu phù hợp nhất. Bên cạnh đó, tùy vào tiết tấu nhanh hoặc chậm của từng tiết điệu mà bạn còn phải tự điều chỉnh trường độ của giai điệu sao cho phù hợp với tính chất của từng điệu. Nếu chơi liên khúc từ hai bản nhạc trở lên mà cả hai bản nhạc đều không được chơi ở cùng một tiết điệu thì ngoài việc phải tìm hợp âm chung như trong trường hợp chuyển bản nhạc có cùng tiết điệu, bạn còn phải biết cách chuyển đổi qua lại giữa các tiết điệu như trong trường hợp một bản nhạc được chơi ở hai tiết điệu khác nhau.
Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.