- Nhiều bạn mới tập chơi đàn piano không biết rằng kỹ thuật chơi đàn piano đã có nhiều thay đổi trong quá trình phát triển âm nhạc và phụ thuộc nhiều vào tác giả bản nhạc. Ví dụ, từ Bach tới Beethoven và rồi tới Chopin. Các tác phẩm cổ điển vào thời kỳ đầu được viết dành cho đàn piano có bộ phím (action) nhẹ hơn nhiều chứ không phải dành cho đàn grand piano như hiện nay. Vì vậy, kỹ thuật của ngón tay là hết sức quan trọng trong giai đoạn đó. Các phần đối âm trong đó giọng trung nổi bật cần các ngón tay nhạy cảm và sinh động và vì thế luôn có sự liên hệ mật thiết giữa não và các đầu ngón tay.Thời kỳ phức điệu trong thời kỳ của Beethoven, và tiếp diễn đến thời kỳ Chopin đã mở rộng toàn bộ phong cách viết cho piano. Chopin được xem là nhà soạn nhạc đầu tiên viết cho piano như cho chính nó. Mục tiêu của Chopin là tạo ra một loạt âm thanh đặc trưng và dùng các âm sắc của piano để thể hiện ý tưởng của mình.
Tuy nhiên, với Beethoven thì khác. Beethoven viết cho piano nhưng lại nghĩ như đang viết cho dàn nhạc giao hưởng. Đàn piano của Beethoven chỉ là phương tiện để kết thúc, nhưng mục tiêu của Beethoven là sự trọn vẹn của giai điệu. Beethoven nghe thấy được âm thanh của tứ tấu đàn dây, dàn nhạc trong tiếng đàn piano. Sự khác biệt trong phong cách viết nhạc của hai nhạc sĩ thiên tài trên đã dẫn đến những thay đổi trong kỹ thuật piano. Trước thời kỳ Beethoven, cổ tay của người chơi đàn piano không được chú trọng trong kỹ thuật piano nhưng kể từ đó trở đi việc sử dụng cổ tay đã trở thành một trong những yếu tố chính của kỹ thuật piano. Bây giờ, kỹ thuật piano lý tưởng của các nghệ sĩ piano sẽ bao gồm sự chuyển động của cổ tay và thư giãn cánh tay.
Ngoài chức năng chính là chơi giai điệu của bản nhạc, tay phải của bạn còn phụ trách phần chạy ngón, lót câu, tô điểm và đảm nhận một phần chức năng đệm phụ với tay trái khi cần. Sau đây là một số các kỹ thuật đàn piano dành cho tay phải để bạn tham khảo:
- Chơi nốt giai điệu cùng với các nốt có trong hợp âm
Khi gặp một ô nhịp nào đó có nhiều nốt giai điệu là nốt đen hoặc nốt trắng có trường độ dài thì giai điệu ở những vị trí đó rất loảng, ít có hòa âm nên bạn sẽ sử dụng kỹ thuật bắt cầu bằng cách chơi xen kẽ nốt giai điệu và các nốt có trong hợp âm nằm ở phía bên tay trái với trường độ là các móc đơn, liên ba hay móc kép.
- Chơi nốt giai điệu hai lần
Khi gặp các nốt giai điệu của bản nhạc trong một ô nhịp nào đó có móc đơn hoặc móc đen, để làm đầy giai điệu bạn sẽ chơi hai lần nốt giai điệu đó. Ví dụ, nốt móc đơn thì bạn sẽ chơi thành hai nốt móc kép, nốt móc đen thì bạn chơi thành hai nốt móc đơn. Tuy nhiên, chỉ sử dụng kỹ thuật trên thoáng qua trong một đến hai ô nhịp để bản nhạc thêm phong phú.
- Chơi nhịp dỡ
Bằng cách sử dụng nhịp dỡ hay còn gọi là lơi nhịp tức là nốt giai điệu sẽ được bạn chơi sớm hơn hoặc muộn hơn một ít (thường thì độ trễ sẽ có trường độ khoảng bằng một móc kép, một liên ba hoặc một móc đơn) cũng giúp giai điệu thêm mềm mại và mượt mà hơn.
- Thay đổi tiết tấu
Nếu các nốt giai điệu là các nốt móc đen, bạn có thể thay đổi chúng thành các nốt liên ba móc đen. Thêm vào đó, nếu các nốt giai điệu là móc đơn thì bạn cũng sẽ thay đổi chúng thành nốt liên ba móc đơn hoặc ngược lại.
- Chơi chồng (bè)
Tương tự như hát bè, kỹ thuật chơi bè piano cũng gồm hai loại là chơi bè hòa âm (tức là chồng các nốt lên nhau) và chơi bè phức điệu (rải hợp âm).
- Bè hòa âm
Bè hòa âm tức là bạn chơi giai điệu sao cho tròn trịa, đầy đặn tương tự như có nhiều người đang cùng hát hay nhiều nhạc cụ được chơi cùng một lúc, trong đó mỗi người sẽ phụ trách một bè và thường được sử dụng tại các vị trí của phách mạnh hoặc phách mạnh vừa trong đoạn phiên khúc A và trong các đoạn phần cao trào của đoạn điệp khúc B cần giai điệu mạnh mẻ, đầy đặn. Chơi bè hòa âm có tác dụng tạo cấu trúc hòa âm cho bài đệm piano. Nhìn từ các hợp âm 3 nốt cơ bản, bạn sẽ cảm thấy nó đơn giản nhưng khi bạn phát triển chúng thành các hợp âm có nhiều nốt hơn ví dụ như các hợp âm 7, 9, 11, 13 thì dù nó khó tập hơn nhưng bản nhạc của bạn sẽ trở nên đa dạng và phong phú hơn với nhiều cách chơi đàn ở cả hai tay.
Bạn sẽ chơi bè quãng ba, quãng bốn, quãng năm, quãng sáu hoặc quãng tám tùy thích vì đây là các quãng thuận nghe thuận tai, trong đó bè quãng ba và bè quãng sáu thường được sử dụng nhiều nhất vì quãng ba gần với nốt giai điệu nên thuận lợi cho thế tay của bạn còn bè quãng 6 là hình thức đảo quãng của bè quãng ba và cả hai giúp phân biệt được điệu thức trưởng và điệu thức thứ, kế đến là bè quãng tám vì khá dễ tập và chỉ có tác dụng làm cho giai điệu đầy đặn, mạnh mẻ hơn dù không có hòa âm vì nốt giai điệu và nốt bè giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ là chúng cách nhau một quãng tám.
Một số lưu ý khi chơi bè hòa âm:
- Nốt bè nên nằm ở phía bên tay trái của nốt giai điệu thì mới làm cho giai điệu nổi bật được. Tay phải của bạn cũng sẽ cùng lúc sử dụng kỹ thuật chồng âm nhiều bè hơn (ba bè hoặc bốn bè) nhưng thông thường sẽ là hai bè. Bạn không nhất thiết phải giữ một loại bè mọi lúc mà sẽ sử dụng nhiều loại bè khác nhau trong cùng một đoạn nhạc có sử dụng bè, tùy thuộc vào thế tay của bạn khi đó thuận lợi như thế nào, tuy nhiên nốt giai điệu có nhiều bè hơn thường sẽ nằm ở các phách mạnh và phách mạnh vừa;
- Bạn không nên chồng bè toàn bộ các nốt có trong một ô nhịp, câu, đoạn bạn chọn chơi bè mà chỉ nên chồng bè ở các nốt ở các phách mạnh và phách mạnh vừa để hỗ trợ cho phần hòa âm bên tay trái khi tay trái của bạn phải rải hợp âm theo một mẫu âm hình đệm nào đó mà không đủ các nốt có trong hợp âm làm cho không đủ hòa âm tại vị trí đó và vì thế cần có thêm sự hỗ trợ chồng quãng của tay phải;
- Bạn nên tránh bè quãng hai và quãng bảy vì đây là những quãng nghịch, khó nghe và không có hòa âm. Cũng cần nhớ rằng bè quãng sáu có nguồn gốc từ bè quãng ba (đó là khi bè quãng ba có thang âm cao quá buộc bạn phải hạ xuống một quãng tám để trở thành bè quãng sáu), trong khi bè quãng bốn lại bắt nguồn từ bè quãng năm, khi nốt của bè quãng năm có thang âm quá cao thì bạn buộc phải hạ xuống một quãng tám cho ra bè quãng bốn). Khi chơi bè, cần chú ý là ở các phách mạnh và các phách mạnh vừa thì nốt bè phải nằm ở các nốt có trong hợp âm tại ô nhịp đó, còn ở các phách yếu khi giai điệu chỉ lướt qua thì bạn sẽ bè ở các nốt khác ví dụ như bè quãng ba, quãng bốn, quãng năm, quãng sáu, quãng tám miễn sao các nốt bè có trong âm giai của bản nhạc là được; và
- Do kỹ thuật bè phải tuân theo các hợp âm tại từng ô nhịp nên có một số trường hợp bạn sẽ không luôn luôn giữ bè thấp hơn một quãng ba hoặc một quãng năm được.
Ví dụ: giai điệu chính là: | A E | F E | D trong vòng hợp âm l: Am, Dm, G. Kỹ thuật hát bè quãng ba sẽ như sau: | E C | D C | B |. Theo đó, A được bè bằng E hay C (vì E và C là những nốt có trong hợp âm Am thay vì F dù F là quãng 3 vì F không có trong ba nốt có trong hợp âm Am và vị trí bè lại nằm ở phách mạnh của ô nhịp nên không thể chọn F. Còn giữa E và C thì nên chọn E vì E ở gần với nốt giai điệu hơn C) và E được bè bằng C (C có trong các nốt của hợp âm Am); F được bè bằng D (F nằm trong các nốt của hợp âm Dm) và E được bè bằng C (dù C không nằm trong ba nốt có trong hợp âm Dm nhưng nó lại nằm trong các nốt của âm giai Am (bao gồm A, B, C, D, E, F, G) và lại nằm ở phách yếu của tiết nhịp nên vẫn sẽ chấp nhận được). Sau cùng, D sẽ được bè bằng B do B nằm trong các nốt của hợp âm G.
- Bè phức điệu (rải hợp âm)
Tác dụng của bè phức điệu hay rải hợp âm là tạo ra hòa âm theo lối giai điệu, thể hiện tính dàn trải cho cấu trúc của bản nhạc và thường được sử dụng cho các thể loại có tốc độ trung bình hoặc chậm ví dụ như Ballad, Pop, Slow Rock. Khi chơi bè phức điệu thì bạn không chơi nốt bè và nốt giai điệu cùng một lúc mà bạn phải chơi đuổi theo sau các nốt giai điệu ngay tại khu vực nốt giai điệu vừa chơi nhưng ở các quãng khác so với quãng của các nốt giai điệu với chức năng nối các câu giai điệu lại với nhau hay chơi theo cách mà giai điệu vừa chơi nhưng ở khoảng cách một đến hai quãng tám với chức năng như là một câu lót.
Khi chơi bè phức điệu, cần lưu ý rằng nốt bè không cần luôn luôn nằm ở bên tay trái của nốt giai điệu vì vào lúc đó không có nốt giai điệu nào được chơi nên nốt bè sẽ nằm ở bất kỳ vị trí nào cũng được.
Bạn cũng sẽ sử dụng kỹ thuật chơi bè riêng một mình để tạo thành đoạn dạo đầu, giang tấu, hay đoạn kết nhằm tạo ra một giai điệu mới giống với giai điệu của bản nhạc nhưng lại được bạn chơi ở các quãng khác.
- Tay trái chồng hợp âm trong khi tay phải rải móc kép hoặc liên ba móc đơn hoặc ngược lại
Với kỹ thuật này, đặc biệt là một bên tay phải hay tay trái của bạn chơi chồng âm, còn tay còn lại sẽ chơi liên ba móc đơn vì hai tay sẽ tác chiến độc lập với nhau. Nếu trong đoạn điệp khúc B có hai phần thì phần đầu bạn sẽ chơi chồng âm một bên tay và bên tay còn lại sẽ chơi liên ba móc đơn, sau đó đến phần hai thì bạn sẽ chơi một bên là chồng âm còn bên tay còn lại sẽ chơi móc kép để tiết tấu có phần được rộn ràng hơn phần 1.
- Kỹ thuật Tremolo (láy rền)
Tremolo được xem là sự rung động giữa hai nốt nhạc cách xa nhau và được ghi chú bằng biểu tượng dấu gạch chéo. Kỹ thuật tremolo tạo nên sự phong phú cho tiết tấu, giúp giai điệu nổi bật và dễ chịu hơn khi đến tai người nghe nên bạn sẽ sử dụng nó để làm cho âm thanh của giai điệu trở nên hấp dẫn, thêm sức sống và hứng khởi hơn.
Tremolo sẽ được chơi bằng cả tay trái và tay phải, nhưng thường được sử dụng ở tay phải nhiều hơn. Khi sử dụng kỹ thuật tremolo, trường độ chung của cả mẫu âm hình đệm sẽ được xác định bằng trường độ của nốt. Bạn sẽ dùng kỹ thuật tremolo ở các quãng thuận ví dụ như quãng ba, quãng sáu, quãng bốn, quãng năm và quãng tám để làm cho giai điệu thêm du dương. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chức năng chính của tremolo là tô điểm cho giai điệu trong một đoạn nhạc nào đó nên ô nhạc nào có khoảng trống không có nốt giai điệu thì tremolo nên dừng lại và bạn sử dụng các kỹ thuật nối dẫn khác sẽ hay hơn thay vì sử dụng kỹ thuật tremolo tại chỗ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, nếu khoảng trống đó ngắn với trường độ chỉ bằng một phách thì bạn sẽ sử dụng kỹ thuật tremolo để lướt qua khoảng trống đó và di chuyển luôn đến ô nhạc có giai điệu kế tiếp để tạo sự liên kết của kỹ thuật tremolo.
- Kỹ thuật Trill (láy đều)
Là kỹ thuật tạo màu sắc phong phú cho tiết tấu của âm nhạc và thường được sử dụng để diễn tả tính chất vui tươi trong bản nhạc nhưng đôi khi cũng cùng với lối chơi tự do về nhịp độ, nó cũng tạo nên cảm giác sâu lắng.
- Chuyển mẫu âm hình đệm tạm thời qua tay phải và chuyển giai điệu sang tay trái
Bạn sẽ tạm chuyển phần mẫu âm hình đệm của bản nhạc ở bên tay trái sang tay phải hay chuyển giai điệu từ bên tay phải sang bên tay trái trong một vài ô nhịp nào đó nhằm tạo sự khác biệt (chéo tay) để tạo sắc thái mới cho bản nhạc.
- Chạy ngón (fill-in)
Kỹ thuật chạy ngón hay còn gọi là fill-in là một trong những kỹ thuật cơ bản và kỹ thuật nâng cao, thường được dùng cho các motif âm nhạc nào đó mang hình tượng nhiều chi tiết, tính đặc sắc cho giai điệu. Khi chơi đàn piano theo phong cách nhạc nhẹ, kỹ thuật chạy ngón hay fill-in thường được sử dụng trong các đoạn ứng tấu, giang tấu, những đoạn độc tấu và ở tất cả các thể loại.
Bạn sẽ chạy ngón hay fill-in theo các nốt có trong hợp âm từ trái qua phải hoặc từ phải qua trái từ hai đến bốn quãng tám theo âm hình móc đơn, móc liên ba, móc kép ở những khoảng trống giữa các câu nhạc.
- Di chuyển thế bấm
Đây là kỹ thuật có tính chất bao quát của tất cả các loại kỹ thuật piano được trình bày ở trên. Vì mang tính chất bao quát nên việc luyện tập kỹ thuật này cũng hết sức đa dạng. Nó bao gồm việc áp dụng các kỹ thuật hợp âm chùm, hợp âm rải, chạy ngón, với đặc trưng là di chuyển tư thế tay ở các khoảng cách từ hẹp đến rộng và rất rộng và ngược lại.
- Dấu nhấn
Bạn cũng sẽ dùng dấu nhấn (>) để nhấn mạnh vào nốt của giai điệu hoặc hợp âm nào mà bạn muốn để tạo cường độ khác đi cho giai điệu.
Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.
Luật sư chuyên về Thuế, Lao Động & Ly Hôn