Chào mừng bạn đã quay trở lại với chuyên mục quản trị công ty luật của tôi sau khi bạn có thể đã đọc qua những chủ đề thú vị khác trong quyển sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi. Xin mời bạn tiếp tục tham khảo một chủ đề khác cũng rất thú vị của quyển sách này nhé.
……………………..
Khung pháp lý cho việc chia tách
Hiện nay, pháp luật về luật sư và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện pháp luật về luật sư vẫn chưa có quy định cụ thể nào đối với khung pháp lý cho việc chia tách công ty luật. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật này đã quy định về trường hợp chuyển đổi loại hình của công ty luật do việc giảm bớt hoặc tăng thêm số lượng luật sư thành viên.
Một cách giải thích hợp lý đối với tình huống này là khi soạn thảo Luật Luật sư, các nhà lập luật đã cho rằng khi bất kỳ luật sư thành viên nào không còn muốn tiếp tục hành nghề với các luật sư thành viên khác trong cùng một công ty luật thì họ có thể rời khỏi công ty luật đó để thành lập một công ty luật mới hoặc tham gia vào các công ty luật hiện đang hoạt động khác. Tuy nhiên, việc chia tách trên thực tế thường tạo ra nhiều vấn đề pháp lý quan trọng mà các bên phải giải quyết. Các vấn đề này bao gồm thương hiệu của công ty luật hiện tại, phân chia danh mục khách hàng, danh sách nhân viên, tài sản cố định và tài sản vô hình như thương hiệu, nhãn hiệu, v.v….
Nếu không có những quy định cụ thể và sự thỏa thuận trước giữa các bên, việc chia tách có thể dẫn đến những tranh chấp phát sinh giữa các luật sư thành viên không đáng có. Vì vậy, việc chia tách công ty luật của bạn cần được thực hiện thông qua khung pháp lý của thủ tục này. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, Luật Luật sư sẽ được Quốc hội sửa đổi, bổ sung với các điều khoản có liên quan đến việc chia tách công ty luật để các luật sư thành viên trong công ty luật có hướng giải quyết cho vấn đề này.
Các bước và quy trình chia tách
Như đã đề cập trước đó, hiện tại pháp luật chưa quy định cụ thể về khung pháp lý cho việc chia tách công ty luật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc chia tách có thể được thực hiện gián tiếp thông qua thủ tục chuyển đổi hình thức của công ty luật trách nhiệm hữu hạn và công ty luật hợp danh. Do đó, bạn có thể tham khảo các thủ tục dưới đây:
Theo quy định của pháp luật về luật sư, để chuyển đổi công ty luật, bạn cần gửi hồ sơ chuyển đổi đến Sở Tư pháp địa phương nơi công ty luật đó đăng ký hoạt động. Hồ sơ này bao gồm:
- Giấy đề nghị chuyển đổi, trong đó nêu rõ mục đích, lý do chuyển đổi và cam kết về việc kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của công ty luật được chuyển đổi;
- Dự thảo điều lệ của công ty luật chuyển đổi;
- Giấy đăng ký hoạt động của công ty luật được chuyển đổi;
- Danh sách các thành viên hoặc luật sư chủ sở hữu;
- Bản sao thẻ luật sư của các luật sư thành viên hoặc luật sư chủ sở hữu của công ty luật chuyển đổi; và
- Bản sao các giấy tờ chứng minh về trụ sở của công ty luật nếu có thay đổi về trụ sở.
Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp Tỉnh, Thành phố sẽ xét duyệt và cấp giấy đăng ký hoạt động cho công ty luật chuyển đổi trong vòng 7 ngày làm việc. Nếu hồ sơ không hợp lệ, Sở Tư pháp Tỉnh, Thành phố sẽ thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối. Việc chuyển đổi này giúp cho công ty luật có thể thích nghi tốt hơn với nhu cầu thị trường và đáp ứng được các yêu cầu về pháp lý.
Các bước thực hiện trong quá trình chia tách
Chung quy lại, quá trình chia tách công ty luật sẽ bao gồm các bước sau đây:
- Luật sư thành viên muốn chia tách sẽ tham khảo điều lệ công ty luật hoặc thỏa thuận của luật sư thành viên để yêu cầu triệu tập họp bất thường của hội đồng luật sư thành viên để quyết định về việc chia tách;
- Các bên sẽ tiến hành thương lượng về việc phân chia danh mục khách hàng, tài sản, thương hiệu, v.v… đến thời điểm chia tách;
- Lập biên bản họp hội đồng luật sư thành viên để thống nhất các vấn đề liên quan đến việc chia tách;
- Chuẩn bị và nộp hồ sơ thay đổi Giấy đăng ký hoạt động liên quan đến việc rút tên của luật sư thành viên cho Sở Tư pháp Tỉnh hoặc Thành phố;
- Theo dõi hồ sơ và nhận lại Giấy đăng ký hoạt động đã được điều chỉnh (giảm số lượng luật sư thành viên);
- Công bố việc thay đổi Giấy đăng ký hoạt động;
- Thông báo cho nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và các cơ quan Nhà nước có liên quan;
- Giải quyết các vấn đề tồn đọng giữa các bên (nếu có);
- Tổ chức tiệc chia tay nội bộ (nếu cần);
- Các luật sư thành viên chia tách sẽ di dời tài sản và đồ dùng cá nhân của họ ra khỏi văn phòng của công ty luật; và
- Các luật sư thành viên chia tách sẽ tiến hành thủ tục thành lập công ty luật mới hoặc tham gia vào một công ty luật hiện hữu khác. Nếu tham gia vào một công ty luật hiện hữu khác, công ty luật đó sẽ làm thủ tục thay đổi Giấy đăng ký hoạt động để bổ sung tên của các luật sư thành viên đó thành luật sư thành viên mới trong công ty luật đó.
Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình. Xin chào bạn.
[1] Điều 14, Nghị định Số: 123/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư