Trong công việc kinh doanh, lợi nhuận thường là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư. Chẳng ai dại gì đầu tư vào một lĩnh vực nào đó mà không tạo ra lợi nhuận hay tạo ra lợi nhuận thấp hơn mức mong đợi. Riêng đối với các nhà đầu tư nước ngoài (“NĐTNN”) tại Việt Nam thì ngoài áp lực phải đạt được lợi nhuận cao, việc khi nào được Nhà nước Việt Nam cho phép chuyển số lợi nhuận có được từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam về nước để đầu tư vào các công việc kinh doanh khác hay chia cổ tức cho các cổ đông cũng không kém phần quan trọng và là một áp lực lớn cho ban điều hành.
Việc này nghe có vẻ đơn giản cho các doanh nghiệp Việt Nam vì nói chung các doanh nghiệp Việt Nam được tự chủ trong hoạt động kinh doanh, khi nào có lãi thì chia, thậm chí có trường hợp trong thực tế các cổ đông hay thành viên góp vốn còn chia lãi trước cả khi hoàn thành các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước hay sử dụng tiền lãi cho các mục đích cá nhân khác trước khi được chia. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (“DNCVĐTNN”), đây thật sự là một vấn đề quan trọng. Vì tiền vốn đầu tư vào Việt Nam của các NĐTNN là bằng ngoại tệ (thông thường là USD) nhưng doanh thu thu được thì đa số lại là tiền Đồng Việt Nam. Trong khi tiền Đồng Việt Nam đang mất giá khá nhiều trên thị trường thì việc càng để tiền Đồng Việt Nam nằm trong tài khoản của công ty con tại Việt Nam càng lâu bao nhiêu thì thiệt hạn về ngoại hối cho NĐTNN càng lớn bấy nhiêu. Do đó, việc được phép chuyển lợi nhuận về nước càng sớm càng tốt (trừ một vài trường hợp có nhu cầu tái đầu tư hay sử dụng tại Việt Nam) là một trong những mối ưu tiên hàng đầu của các NĐTNN.
Trước đây, Bộ Tài Chính có ban hành Thông tư 124/2004/TT-BTC (“Thông tư 124”) ngày 23/12/2004 hướng dẫn thực hiện việc chuyển lợi nhuận của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, các DNCVĐTNN được phép chuyển lợi nhuận về nước một lần toàn bộ số lợi nhuận được chia hoặc thu được hàng năm (sau khi đã trừ các khoản tái đầu tư hay các khoản sản xuất, kinh doanh hay tiêu dùng của NĐTNN tại Việt Nam) miễn là thỏa mãn tất cả các điều kiện sau: (i) sau khi kết thúc năm tài chính của doanh nghiệp; (ii) có báo cáo tài chính đã được kiểm toán; và (iii) đã nộp báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế địa phương. Thông tư 124 cũng cho phép việc tạm chuyển theo định kỳ hàng quý hoặc 6 tháng ngay trong năm tài chính trên cơ sở báo cáo tài chính hàng quý hoặc 6 tháng của doanh nghiệp, sau khi doanh nghiệp đã thực hiện việc kê khai thuế TNDN của năm tài chính và đã tạm nộp thuế TNDN hàng quý theo quy định (trừ trường hợp được hưởng ưu đãi miễn thuế TNDN). Để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, NĐTNN sẽ làm tờ khai chuyển lợi nhuận ra nước ngoài gửi cho cơ quan thuế địa phương và được cơ quan thuế xác nhận số thuế TNDN đã nộp liên quan đến số lợi nhuận mà NĐTNN đề nghị chuyển ra nước ngoài trong vòng 7-15 ngày làm việc. Việc cho phép tạm chuyển lợi nhuận hàng quý, 6 tháng cho các DNCVĐTNN trong một chừng mực nào đó, góp phần trong việc giải tỏa mối quan tâm của các NĐTNN về dòng chảy tiền mặt và tính thanh khoản của việc đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, do tình hình lạm phát tăng cao tại Việt Nam trên 10%/năm trong hai năm liên tiếp 2009 và 2010, giá USD trên thị trường tự do chênh lệch rất lớn so với tỉ giá chính thức của Ngân hàng Nhà nước, tình trạng khan hiếm ngoại tệ trên thị trường, dự trữ ngoại tệ của Nhà nước bị giảm sút, cán cân ngoại thương bị thâm hụt đã tạo áp lực buộc Bộ Tài chính, cùng với nỗ lực của các cơ quan nhà nước khác như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, đã thay đổi quy định của Thông tư 124 bằng Thông tư 186/2010/TT-BTC (“Thông tư 186”) ngày 18/11/2010 và có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký (tức ngày 02/01/2011).
Điểm được quan tâm chính của Thông tư 186 chính là việc các DNCVĐTNN không còn được phép tạm chuyển lợi nhuận về nước hàng quý và 6 tháng nữa. Bên cạnh đó, Thông tư 186 cũng không cho phép việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài trong trường hợp trên báo cáo tài chính của DNCVĐTNN của năm phát sinh lợi nhuận vẫn còn số lỗ lũy kế sau khi đã chuyển lỗ theo quy định của pháp luật về thuế TNDN. Duy nhất có một điểm thuận lợi của Thông tư 186 so với Thông tư 124 về mặt thủ tục là NĐTNN chỉ còn bị yêu cầu thông báo việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài cho cơ quan thuế địa phương trong vòng 07 ngày làm việc trước khi thực hiện việc chuyển lợi nhuận thay vì phải chờ cho đến khi có xác nhận của cơ quan thuế địa phương như trước đây.
Vậy việc ban hành Thông tư 186 có lợi gì không? Câu trả lời là có. Xét về mặt quản lý vĩ mô của nhà nước, cái lợi của Thông tư 186 là góp phần trong việc làm giảm áp lực tiền Đô La Mỹ lên thị trường và gián tiếp làm giảm áp lực cho tỉ giá giữa Đô La Mỹ và tiền Đồng. Tuy nhiên, mối quan ngại khi áp dụng Thông tư này chính là việc các DNCVĐTNN sẽ cố gắng tìm kiếm các biện pháp hợp pháp khác để dịch chuyển lợi nhuận hợp pháp của họ ra nước ngoài trong năm thay vì chờ đến đầu năm sau sau khi đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán và báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế địa phương.
Vậy họ vận dụng những cách gì?
Các NĐTNN có thể vận dụng nghiệp vụ chuyển giá hay gia tăng việc tính tiền bản quyền, phí, hay tính lãi tiền vay bằng cách xác lập các giao dịch với công ty con của họ tại Việt Nam để một phần lợi nhuận được chuyển về nước trước khi trả thuế TNDN. Dù rằng các NĐTNN phải nộp thuế nhà thầu từ các khoản thu nhập phát sinh từ các giao dịch trên, các khoản thu nhập chịu thuế của các công ty con là các DNCVĐTNN tại Việt Nam sẽ có thể giảm theo.
Tiền Bản Quyền
Một công ty mẹ ở nước ngoài có thể tính phí công ty con tại Việt Nam với tiền bản quyền cho việc sử dụng nhãn hiệu và bản quyền của công ty mẹ với thời hạn tối đa đến 10 năm (dựa vào hiệu lực của giấy chứng nhận nhãn hiệu thường là 10 năm và có quyền gia hạn nhiều lần). Phần thuận lợi nhất của việc sử dụng biện pháp này là việc thanh toán tiền bản quyền không được coi là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và do đó, nằm ngoài phạm vi của các hạn chế về chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của Việt Nam. Phí bản quyền có thể sử dụng như là một trong những phương tiện hiệu quả cho việc gián tiếp chuyển lợi nhuận ra nước ngoài vì các quy định hiện hành cho phép các điều khoản thương mại và điều kiện liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đối tượng quyền quyền sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như mức tiền bản quyền và thời hạn thanh toán được các bên giao kết hợp đồng tự do quyết định mà không còn chịu sự kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp tiền bản quyền quá lớn đến mức mà các giao dịch có thể được coi là không theo giá thị trường và dẫn đến nghi ngờ có vấn đề chuyển giá theo đánh giá của cơ quan thuế địa phương.
Theo quy định hiện hành thì tiền bản quyền phải chịu thuế nhà thầu với mức thuế nhà thầu hiện nay là 10% thuế TNDN trên tiền bản quyền theo hợp đồng. Các hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam ký với gần 60 nước trên thế giới có quy định thuế đánh trên tiền bản quyền trong các mức từ 5%, 7.5%, 10% hoặc 15% tùy từng hiệp định. Điều này nếu đem so sánh với mức thuế TNDN hiện hành của Việt Nam là 25% thì về lý thuyết các NĐTNN đã tiết kiệm được từ 10% – 20% tổng số lợi nhuận ròng của công ty con của họ tại Việt Nam khi chuyển đổi hình thức từ việc trả tiền bản quyền thay vì cổ tức.
Lãi tiền vay
Một số NĐTNN có thể xem xét việc cho công ty con của họ tại Việt Nam vay tiền có tính lãi theo mức lãi phù hợp với quy định của luật thuế TNDN (phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế là không được vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay).
Luật Việt Nam hiện hành chỉ quy định việc các hợp đồng vay trung và dài hạn phải đăng ký khoản vay với Ngân hàng nhà nước và thủ tục cũng khá đơn giản. Còn đối với hợp đồng vay ngắn hạn (đáp ứng cho nhu cầu vay vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh, theo đúng phạm vi hoạt động của doanh nghiệp được quy định trong giấy chứng nhận đầu tư) thì không cần phải đăng ký với Ngân hàng nhà nước. Hiện tại, trừ trong thời gian xây dựng mà số dư nợ ngắn, trung và dài hạn (gồm cả dư nợ vay trong nước) phải đảm bảo nằm trong giới hạn được vay và không làm vượt tổng vốn đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư, các trường hợp khác thì không bị giới hạn mức tiền vay dù rằng mức vay trung và dài hạn phải theo tỉ số vốn điều lệ/vốn đầu tư đã được đăng ký và ghi trong giấy chứng nhận đầu tư.
Lãi tiền vay cũng sẽ chịu thuế nhà thầu nhưng chỉ ở mức thuế suất là 10% thuế TNDN. Các hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký có quy định mức thuế đánh trên lãi tiền vay trong các mức 10% hoặc 15% tùy từng hiệp định. Điều này nếu đem so sánh với mức thuế TNDN hiện hành của Việt Nam là 25% thì có thể thấy rằng các NĐTNN đã tiết kiệm được từ 10% – 15% tổng số lợi nhuận ròng của công ty con tại Việt Nam.
Phí dịch vụ
Các NĐTNN cũng có thể cung cấp một số loại dịch vụ cho công ty con của họ tại Việt Nam (ví dụ dịch vụ tư vấn quản lý, tư vấn kỹ thuật) và được trả phí dịch vụ theo thoả thuận giữa hai bên. Hợp đồng dịch vụ nói chung không phải thực hiện thủ tục đăng ký hoặc trình nộp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam. Việc chuyển tiền phí dịch vụ sẽ thực hiện các yêu cầu thủ tục giấy tờ về kiểm soát ngoại hối ít hơn so với việc chuyển tiền phí bản quyền. Các NĐTNN sẽ lưu ý để mức tiền phí dịch vụ không quá lớn đến mức mà các giao dịch có thể bị coi là không theo giá thị trường và do đó gây ra vấn đề chuyển giá dưới con mắt nghiệp vụ của cơ quan thuế địa phương.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành thì phí dịch vụ sẽ chịu thuế nhà thầu nhưng mức thuế hiện hành chỉ là 5% thuế TNDN và 5% thuế GTGT trên tiền phí dịch vụ theo hợp đồng (trong đó 5% thuế GTGT lại được cho phép xem là thuế GTGT đầu vào của công ty con tại Việt Nam để trừ với thuế GTGT đầu ra của công ty này nên sẽ không coi là chi phí). Mức thuế này nếu đem so sánh với mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của Việt Nam là 25% thì có thể nhận thấy là NĐTNN đã tiết kiệm được 20% tổng số lợi nhuận ròng của công ty con ở Việt Nam, một con số không nhỏ tý nào.
Chuyển giá
Khi có hợp đồng mua bán được ký kết giữa công ty mẹ ở nước ngoài và công ty con ở Việt Nam liên quan đến việc công ty mẹ bán cho công ty con tại Việt Nam một số thứ gì đó (hàng hóa hoặc dịch vụ) với điều khoản thương mại (bao gồm giá cả và thời gian thanh toán) thuận lợi cho công ty mẹ, nó đưa đến kết quả là công ty con sẽ phải trả cho công ty mẹ nhiều hơn và nhanh hơn thông qua nghiệp vụ chuyển giá. Mặc dù phương pháp này là hợp
pháp, nó có thể vượt qua biên giới của tính hợp pháp nếu giá chuyển nhượng được thỏa thuận là hoàn toàn không phù hợp với mức giá của thị trường. Nghĩa là nó sẽ là hợp pháp chỉ khi giá chuyển nhượng là hợp lý và chính đáng. Mặc dù Việt Nam hiện đã có quy định về chống chuyển giá nhưng trong thực tiễn, các nhân viên thuế địa phương có giới hạn về sự hiểu biết cũng như vận dụng các quy định chống chuyển giá trong thực tế nên trong một chừng mực nào đó chưa có thể phát hiện được hết việc chuyển giá nội bộ giữa các công ty trong cùng tập đoàn.
Như vậy có thể thấy rằng việc giới hạn thời gian chuyển lợi nhuận của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thông qua việc ban hành Thông tư 186 xét về lý thuyết sẽ góp phần giải quyết được tình trạng thiếu hụt ngoại tệ hiện nay trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trên thực tế trong trung và dài hạn, các NĐTNN sẽ tìm mọi cách sử dụng các kênh giao dịch được phép khác như đã nói ở trên để gián tiếp chuyển lợi nhuận ra nước ngoài một cách hợp pháp mà có thể làm giảm nguồn thu về thuế và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Do đó, nhà nước cần xem xét có các giải pháp khác hữu hiệu hơn trong vấn đề này.
Nếu quý vị có nhu cầu biết thêm thông tin hỗ trợ về dịch vụ Tư vấn Đầu tư ra nước ngoài của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến số: +84 (28) 3622 3522 hoặc email cho chúng tôi tại: info@phuoc-associates.com
Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty Phước & Các Đồng Sự