Thỏa Thuận Đánh Thuế Toàn Cầu Có Giúp Việt Nam Tận Thu Thuế Các “Ông Lớn”?

(Phạm Thị Kiều Oanh & Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Phuoc & Partners)

Vào ngày 5/6/2021, lãnh đạo các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 đã đạt được thỏa thuận thuế lịch sử (“Thỏa thuận thuế toàn cầu”) về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu, theo đó giải quyết việc tránh thuế của các công ty (đặc biệt là các công ty công nghệ) hoạt động ở nhiều quốc gia.

Thỏa thuận đánh thuế toàn cầu gồm những gì?       

Thỏa thuận thuế toàn cầu gồm 2 trụ cột chính. Theo đó, “Trụ cột” thứ nhất đảm bảo rằng, các công ty đa quốc gia (“CTĐQG”) phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (“Thuế TNDN”) ở quốc gia mà họ tạo ra doanh thu, thay vì chỉ lấy doanh thu nơi đặt trụ sở để áp thuế. Với trụ cột thứ nhất, các quốc gia nơi CTĐQG tạo ra doanh thu sẽ được trao quyền đánh Thuế TNDN mới đối với ít nhất 20% phần lợi nhuận vượt trên biên độ 10% đối với các CTĐQG lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất (các tỷ lệ phân bổ lại 20% và 10% này vẫn cần được thống nhất trong thời gian tới)[1].  

Trong khi đó, trụ cột thứ hai cho phép các quốc gia áp dụng mức thuế suất Thuế TNDN tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%. Biện pháp này sẽ có tác động tổng thể lớn hơn đến mức thuế mà các Chính phủ thu được nhưng ảnh hưởng của nó đối với các CTĐQG sẽ rất khác nhau. Cụ thể, tác động của nó có thể cao hơn nếu phần lớn số tiền kiếm được là ở các khu vực pháp lý không có thuế. Ngược lại, tác động của mức thuế tối thiểu sẽ giảm nếu trụ cột thứ nhất thúc đẩy các CTĐQG phân bổ lại một số khoản thu nhập ra khỏi các thiên đường thuế[2].

Ngày 9/7/2021, tại Italy đã khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của G20[3]. Theo đó, 131 quốc gia tán thành đánh thuế trên lợi nhuận của CTĐQG và đặt ra mức Thuế TNDN tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15% đối với trụ cột thứ hai của Thỏa thuận thuế toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được sự đồng thuận rộng rãi của các quốc gia và vùng lãnh thổ, Thỏa thuận thuế toàn cầu cần thời gian tương đối dài, đặc biệt là các thiên đường thuế như Bermuda, Quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI) và Quần đảo Cayman.

Đối với Việt Nam, Thỏa thuận thuế toàn cầu mới có thể khó mang lại kết quả tốt vì cơ chế chia sẻ thuế cho các quốc gia thị trường cũng đòi hỏi một hệ thống quản lý thuế có năng lực và các nỗ lực phối hợp ở tầm quốc tế. Đây cũng là lo ngại của Diễn đàn Hợp tác chung thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD khi thảo luận về kế hoạch chi tiết cho trụ cột thứ nhất, bởi đây là thách thức lớn với các nước đang phát triển với năng lực quản lý thuế còn yếu.

Cơ sở pháp lý thu thuế của Việt Nam

Thông tư 103/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh từ Việt Nam, có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, đều phải chịu thuế nhà thầu nước ngoài, trừ trường hợp họ cung cấp hàng hóa giao hàng tại cửa khẩu[4] hoặc có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam[5].

Về cách thức kê khai và nộp thuế đối với nhà thầu nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử hoặc dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì Luật Quản lý Thuế 2019 quy định họ “có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính[6]”. Để hướng dẫn cụ thể hơn, tại Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính ngày 25/02/2021, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế 2019, đã dành một chương quy định về quản lý thuế đối với thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số cho doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Tài chính cụ thể hóa quy định trách nhiệm của nhà thầu nước ngoài trong việc đăng ký, kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Nếu không thực hiện nghĩa vụ thuế, cácchế tài xử lý sẽ là: Ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải thu, nộp, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, nếu không thể khấu trừ, nộp thay thì phải theo dõi số tiền chuyển cho nhà cung cấp ở nước ngoài và hàng tháng gửi về Tổng cục Thuế, phong tỏa tài khoản[7].. theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế[8] giúp kiểm soát dòng tiền thanh toán, đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế.

Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ( “Hiệp định DTA”) có mâu thuẫn với cơ sở thu thuế hiện tại

Đến nay, Việt Nam đã ký kết hơn 80 Hiệp định DTA với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ[9] nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Vì mục đích của Hiệp định DTA là xác định quyền đánh thuế của các quốc gia đối với thu nhập của cá nhân hoặc doanh nghiệp nước ngoài phát sinh tại nước mình, cũng như đảm bảo khoản thu nhập đó không bị đánh thuế hai lần bởi các quốc gia liên quan. Theo hầu hết các Hiệp định DTA mà Việt Nam đã ký kết thì phần Thuế TNDN sẽ được miễn tại Việt Nam nếu NTNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Tại các Hiệp định DTA, về cơ bản, cơ sở thường trú được định nghĩa giống nhau: “là một cơ sở kinh doanh cố định mà qua đó một xí nghiệp thực hiện toàn bộ hay một phần hoạt động kinh doanh của mình[10].

Bên cạnh đó, Luật An ninh Mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập từ hoạt động trực tuyến tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu và thành lập hiện diện thương mại ở Việt Nam[11]. Từ đó, cơ quan Nhà nước có thể giám sát dòng tiền ra vào và xác định căn cứ yêu cầu NTNN thực hiện nghĩa vụ thuế. Thế nhưng đến nay, các công ty như Facebook, Tiktok, Google, Netflix, Amazon,… vẫn chưa đặt cơ sở thường trú tại Việt Nam, họ mới chỉ định các đại lý kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên nền tảng này.

Tham khảo kinh nghiệm các quốc gia khác, nhiều quốc gia đã có văn bản luật quy định doanh nghiệp nước ngoài phải tuân thủ luật chơi trên sân nhà của họ. Chẳng hạn EU áp dụng biện pháp quyết liệt lên các ông lớn ông nghệ yêu cầu thành lập trung tâm giải quyết tin tức xấu độc; Nga yêu cầu Facebook đặt máy chủ tại Nga nếu không thì phải dừng hoạt động. Tại Châu Á, ngoài Google, Facebook, WhatsApp, các công ty khác như Telegram và LinkedIn – đều đã có sự hiện diện đáng kể ở Ấn Độ.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng, các quốc gia nên có quy định cụ thể để đảm bảo các CTĐQG tuân thủ “luật chơi” của quốc gia nơi họ đầu tư. Đối với CTĐQG, họ phải có chính sách đầu tư phù hợp để minh bạch về thuế và tuân thủ luật chơi của quốc gia sở tại nhằm mang lại nguồn thu dài hạn, bền vững và công bằng cho các bên.

Thỏa thuận thuế toàn cầu tác động đến Việt Nam như thế nào?

Thỏa thuận thuế toàn cầu sẽ dẫn đến một sự phân bổ lại các nguồn lực đầu tư. Từ đó, dự định sẽ tác động đến Việt Nam theo các hướng sau:

  • Một mặt, Thỏa thuận thuế toàn cầu có thể làm giảm khả năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù hiện nay thuế suất Thuế TNDN của Việt Nam là 20%, cao hơn mức tối thiểu đề xuất, nhưng Việt Nam đang dành nhiều mức thuế ưu đãi cho nhiều đối tượng và dự án của nhà đầu tư nước ngoài vì nguồn thu từ thuế đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là Thuế TNDN. Một phần vì Việt Nam khó có thể thu được thuế từ khu vực kinh tế phi chính thức (như bán hàng rong, kinh doanh nhỏ lẻ). Các ưu đãi như ưu đãi thuế suất 10% lên đến 15 năm[12]; miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa đến 9 năm)[13]; cho phép chuyển lỗ (trong vòng 5 năm)[14]; hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư[15]; cho phép được khấu hao nhanh… Nếu mức thuế tối thiểu 15% theo Thỏa thuận thuế toàn cầu được áp dụng thì những ưu đãi này sẽ không còn áp dụng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của thỏa thuận này đến chính sách ưu đãi thuế Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như phạm vi và đối tượng mà Thỏa thuận thuế toàn cầu điều chỉnh do còn một số lượng đáng kể đối tượng được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi nhưng lại nằm ngoài phạm vi của Thỏa thuận thuế toàn cầu. Đối với những đối tượng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh, nội luật vẫn sẽ được áp dụng;
  • Mặt khác, Thỏa thuận thuế toàn cầu có thể mang đến lợi ích cho Việt Nam vì cho phép Việt Nam được quyền đánh thuế, trong một chừng mực nào đó, đối với CTĐQG nói chung và các ông lớn về công nghệ và thương mại điện tử nói riêng v.v, có nhiều doanh thu tại Việt Nam mặc dù không có hiện diện thương mại tại Việt Nam; và
  • Mức Thuế TNDN tối thiểu 15% có thể ảnh hưởng đến việc cơ cấu trong các giao dịch nội bộ giữa các CTĐQG, vì hành vi chuyển giá, tránh thuế thường được thực hiện khép kín giữa các bên liên kết trên cơ sở định giá các giao dịch nội bộ không tuân theo giá giao dịch giữa các bên độc lập (không có mối liên hệ liên kết) để chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao về nơi có thuế suất thấp hoặc nơi không thu thuế nhằm tránh thuế.

Vậy Việt Nam cần làm gì?

Hiện nay, với các Hiệp định DTA đã ký, Việt Nam có đủ cơ sở để yêu cầu nhà đầu tư, công ty kinh doanh lĩnh vực công nghệ nước ngoài đặt trụ sở tại Việt Nam theo Luật An ninh Mạng để làm căn cứ đánh thuế theo các Hiệp định DTA.

Tuy nhiên, với xu hướng đánh thuế của thế giới, chỉ tập trung vào nơi tạo ra lợi nhuận chứ không phải nơi đặt trụ sở, việc cập nhật và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như rà soát lại những hiệp định song phương và đa phương đã ký để đón đầu xu hướng thuế quốc tế là quan trọng và cần có lộ trình phù hợp.

Để làm được điều đó, Việt Nam đầu tiên cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về quản lý thuế theo hướng rà soát quy định trong nước và xây dựng lộ trình sửa đổi quy định pháp luật đi đôi với tham khảo xu hướng đánh thuế của quốc tế, cụ thể là thỏa thuận thuế toàn cầu để đảm bảo sự phối hợp đồng bộ trong triển khai thực hiện. Cụ thể:

  • Có thể điều chỉnh chế định “cơ sở thường trú” thống nhất giữa nội luật và các hiệp định DTA mà Việt Nam đã, đang và dự định sẽ ký kết theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế và phù hợp với hoạt động kinh doanh[16];
  • Cần tăng cường kỷ luật hành chính và tuân thủ để nâng cao tính tuân thủ thuế với các doanh nghiệp vừa và nhỏ[17];
  • Cần xây dựng và ban hành luật chống chuyển giá riêng đồng bộ, thống nhất và rõ ràng, dễ áp dụng. Cơ quan thuế cần xây dựng hệ thống dữ liệu xuyên quốc gia, tăng cường hợp tác với Chính phủ các nước nhằm thu thập, cung cấp, trao đổi thông tin, trong đó có thông tin giá cả và thị trường… để phòng, chống hiệu quả hơn nữa hành vi chuyển giá[18]; và
  • Cần nghiên cứu đánh giá thỏa thuận thuế toàn cầu, cân nhắc xem xét tác động với điều kiện pháp lý và tổ chức bộ máy của cơ quan thuế Việt Nam. Đồng thời, xây dựng cẩm nang hướng dẫn thực hiện theo thỏa thuận quốc tế với những nội dung nếu Việt Nam cam kết như quy định về tránh hình thành cơ sở thường trú, định nghĩa về đối tượng có quan hệ liên kết, quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến thỏa thuận; cần nghiên cứu bổ sung cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp về việc áp dụng quy định của Hiệp định DTA.

Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật Việt Nam mang tính định hướng kể cả về cách đăng ký, kê khai và nộp thuế lẫn chế tài để xử lý trường hợp không tuân thủ đều đã có, nhưng vẫn còn khó khăn trong việc truy thu thuế. Chính vì thế, cần: (i) xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu người nộp thuế đầy đủ, rõ ràng và cập nhật kịp thời; (ii) nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý thuế; (iii) tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế các nước để tìm kiếm thông tin, dữ liệu nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế, chuyển giá; và (iv) xây dựng và triển khai phần mềm ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử; (v) tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ của đối tác quốc tế để nâng cao năng lực trong nước, đáp ứng yêu cầu về hội nhập, đặc biệt trong lĩnh vực thuế.

Bài viết trên được soạn thảo dựa vào những kiến thức chuyên môn pháp luật cũng như kinh nghiệm 25 năm hành nghề luật sư của tôi. Nếu bạn thấy bài viết trên là hữu ích cho bạn, xin ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào webiste của Công ty luật Phuoc & Partners www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công trong công việc của mình. Thân ái.


[1] https://www.nytimes.com/2021/06/05/us/politics/g7-global-minimum-tax.html

[2] https://www.reuters.com/business/g7-global-tax-plan-may-hit-corporate-titans-unevenly-2021-06-10/

[3] https://www.g20.org/g20-finance-ministers-and-central-bank-governors-venice-meeting-and-side-events.html

[4] Khoản 2 Điều 2 Thông tư 103/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 06 tháng 8 năm 2014 về Hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại việt nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam (Thông tư 103/2014/TT-BTC)

[5] Khoản 3 Điều 2 Thông tư 103/2014/TT-BTC

[6] Điều 42 Luật Quản lý Thuế 2019

[7] Khoản 3 Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 hướng dẫn Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 05/12/2020

[8] Điều 28 Dự thảo Thông tư ngày 25/02/2021 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế 2019

[9] Sổ tay Thuế 2020, RSM Việt Nam, trang 39

[10] Điều 5 (1), Hiệp định giữa Việt Nam và Xing-ga-po về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập

[11] Khoản 3 Điều 26 Luật An ninh Mạng 2019

[12] Khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22 tháng 06 năm 2015

[13] Khoản 1 Điều 20 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 06 năm 2014

[14] Điều 7 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22 tháng 06 năm 2015

[15] Thông tư 26/2004/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2004

[16] Should Developing Countries Sign the OECD Multilateral Instrument to Address Treaty- Related Base Erosion and Profit Shifting Measures? Page 9

[17] Asian Development Bank Institute 2018, Edited by Satoru Araki and Shinichi Nakabayashi, Tax and Development: Challenges in Asia and the Pacific

[18] http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-03-17/ngan-chan-hanh-vi-lai-that-lo-gia-cua-doanh-nghiep-fdi-can-tien-toi-hinh-thanh-luat-chong-chuyen-gia-101133.aspx