Theo Điều 130 của Bộ luật Lao động, vấn đề bồi thường thiệt hại chỉ đặt ra đối với trường hợp người lao động làm hư hỏng, làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép của người sử dụng lao động. Vì vậy, đối với hành vi tự ý nghỉ việc dẫn đến gây thiệt hại nghiêm trọng cho người sử dụng lao động sẽ không được xem xét để áp dụng các chế định về bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật lao động.
Mặt khác, khi người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động có thể áp dụng hình thức kỷ luật sa thải theo quy định tại Điều 126.3 của Bộ luật Lao động và Điều 31 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015. Tuy nhiên, cần lưu ý là hành vi vi phạm này phải được quy định trong Nội quy lao động đã được tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và đăng ký với cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền. Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng cần tuân thủ chặt chẽ quy trình thủ tục tiến hành việc xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về lao động và việc làm, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 3622 3522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-associates.com