- HĐLĐ có thể được giao kết bằng tiếng nước ngoài (chẳng hạn như Tiếng Anh) không?
BLLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào về ngôn ngữ được thể hiện trong HĐLĐ. Do đó, về mặt nguyên tắc, NSDLĐ và NLĐ có thể giao kết HĐLĐ bằng tiếng nước ngoài (ví dụ như tiếng Anh). Tuy nhiên, đối với mối quan hệ lao động nào được xác lập tại Việt Nam và các bên cũng sẽ thực hiện HĐLĐ tại Việt Nam, ngôn ngữ của HĐLĐ nên được thể hiện ít nhất bằng tiếng Việt vì ngoài việc ghi nhận quyền và nghĩa vụ của các bên, HĐLĐ còn là tài liệu làm cơ sở pháp lý để đăng ký, kê khai và đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật lao động cũng như khấu trừ TTNCN cho NLĐ tại các cơ quan bảo hiểm và cơ quan thuế có thẩm quyền. Ngoài ra, nếu có tranh chấp lao động xảy ra, khi HĐLĐ được nộp cho Tóa án để làm chứng cứ chứng minh của các bên cũng cần được được dịch ra tiếng Việt và được công chứng, chứng thực hợp pháp theo quy định[53].
2. Nếu là hợp đồng song ngữ Anh Việt thì khi có sự khác biệt về ngữ nghĩa giữa hai ngôn ngữ thì ngôn ngữ nào sẽ được ưu tiên sử dụng?
BLLĐ không có quy định nào cụ thể về loại ngôn ngữ sẽ được thể hiện trong HĐLĐ. Dù pháp luật không cấm việc giao kết HĐLĐ bằng tiếng nước ngoài nhưng khi nộp HĐLĐ cho Tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam để làm chứng cứ trong một vụ án tranh chấp lao động thì HĐLĐ đó phải được dịch sang tiếng Việt, công chứng và chứng thực hợp pháp theo quy định[54]. Như vậy, trên thực tế, nếu HĐLĐ được lập bằng cả hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, các bên thường sẽ thỏa thuận với nhau một điều khoản cụ thể ghi nhận ngôn ngữ nào sẽ được ưu tiên áp dụng khi có phát sinh tranh chấp giữa các bên. Tuy nhiên, nếu các bên không có sự thỏa thuận nào về ngôn ngữ sẽ được ưu tiên áp dụng thì, về mặt nguyên tắc, HĐLĐ nào mà các bên giao kết chính thức sẽ có hiệu lực pháp luật, bất luận HĐLĐ đó được thể hiện dưới dạng ngôn ngữ nào.
[53] Điều 96.3 Bộ luật Tố tụng Dân sự
[54] Điều 96.3 Bộ luật Tố tụng Dân sự