Tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xét xử các vụ án dân sự của Tòa án. Theo đó, nguyên đơn có quyền rút đơn yêu cầu ly hôn (thực chất là đơn khởi kiện) trong suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ án[1]. Tuy nhiên, điều kiện để thực hiện quyền rút đơn khởi kiện cũng như những hậu quả mà hành vi này mang lại sẽ là khác nhau tùy thuộc vào yêu cầu của các bên trong vụ án và thời điểm tiến hành quyền rút đơn. Hậu quả của việc rút đơn khởi kiện trong mỗi tình huống sẽ được làm rõ qua phân tích sau:
- Trường hợp 01: Nếu nguyên đơn tiến hành rút đơn tại giai đoạn xét xử sơ thẩm (tức là trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định của mình) thì việc rút đơn không cần sự đồng ý của các bên còn lại[3]. Tuy nhiên, nếu bị đơn có các yêu cầu phản tố trong vụ án đã được Tòa án chấp nhận và vẫn muốn giữ lại những yêu cầu phản tố này khi nguyên đơn rút đơn thì vụ án sẽ vẫn tiếp tục được Tòa án giải quyết mà không bị đình chỉ (từ ngữ thông thường gọi là “đóng lại vụ án”). Đối với trường hợp này, quá trình giải quyết vụ án sẽ diễn ra tình huống mà pháp luật gọi là “thay đổi địa vị tố tụng”. Theo đó, nguyên đơn trong vụ án sẽ trở thành bị đơn, và bị đơn lại được chuyển thành nguyên đơn. Khi đó, vụ án sẽ được tiếp tục giải quyết với sự thay địa vị tố tụng nói trên và Tòa án sẽ xem xét đối với các yêu cầu của bị đơn. Bên cạnh đó, các đương sự trong vụ án ly hôn, ngoài nguyên đơn và bị đơn thì còn có thể có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, và các đương sự này vẫn có quyền đưa ra các yêu cầu độc lập được Toà án chấp nhận[4]. Trong trường hợp này, nếu các đương sự này muốn giữ các yêu cầu độc lập khi nguyên đơn rút đơn thì dù bị đơn đồng ý và cũng rút các yêu cầu phản tố của mình, Tòa án vẫn phải tiếp tục giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ trở thành nguyên đơn, một trong hai bên hoặc cả hai bên còn lại sẽ trở thành bị đơn của vụ án[5].
Vì vậy, trong vụ án ly hôn, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, nguyên đơn có quyền rút đơn mà không cần sự đồng ý của bị đơn. Nếu bị đơn có yêu cầu phản tố và vẫn giữ nguyên các yêu cầu của mình thì Tòa án sẽ tiếp tục giải quyết với sự thay đổi địa vị tố tụng mà không cần đóng lại vụ án để mở ra một vụ án mới. Ngược lại, nếu nguyên đơn rút đơn và vụ án không có yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập khác, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án và vụ án sẽ được đóng lại.
- Trường hợp 02: Nếu nguyên đơn rút đơn tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, việc rút đơn phải được sự đồng ý của bị đơn. Nếu bị đơn đồng ý, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Khi đó, vụ án ly hôn sẽ được đóng lại. Tuy nhiên, nếu bị đơn không đồng ý thì Tòa án cấp phúc thẩm vẫn phải tiếp tục giải quyết vụ án.
Ngoài ra, việc rút đơn khởi kiện ở mỗi giai đoạn tố tụng khác nhau sẽ mang đến những hậu quả pháp lý khác nhau. Chẳng hạn, nếu rút đơn khởi kiện tại giai đoạn xét xử sơ thẩm thì đương sự không phải đóng án phí. Tuy nhiên, nếu rút đơn tại phiên tòa phúc thẩm thì đương sự vẫn phải đóng án phí sơ thẩm theo bản án sơ thẩm và một nửa án phí phúc thẩm.
- Trường hợp 03: Nếu vụ án ly hôn được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm thì phải được sự đồng ý của bị đơn, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan nếu nguyên đơn muốn rút đơn [9]. Đây là điểm mới của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 so với Bộ luật Tố tụng dân sự trước đó. Quy định này giúp bảo vệ bị đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tốt hơn, vì họ đã trải qua một quá trình tố tụng rất dài và tốn kém do việc khởi kiện của nguyên đơn.
[1] Điều 5.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
[3] Điều 244.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[4] Điều 201 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[5] Điều 245.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[9] Điều 217.4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.