Trong giai đoạn chờ Tòa án giải quyết vụ án ly hôn thì hai bên vợ, chồng vẫn được pháp luật thừa nhận là vợ chồng hợp pháp[1]. Do vậy, vợ và chồng đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Nếu vợ hoặc chồng có mong muốn tự mình trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các con trong thời gian này thì vợ và chồng có thể thỏa thuận dựa trên nhiều yếu tố với mục đích tìm được người phù hợp nhất để có thể trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và đáp ứng một cách tốt nhất cho sự phát triển của con cái chẳng hạn như điều kiện về vật chất; điều kiện về tinh thần; nguyện vọng của các con.
Tuy nhiên trong trường hợp vợ hoặc chồng nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn vì lý do bên vợ hoặc chồng còn lại có hành vi bạo lực gia đình đối với các con khiến các con trở thành nạn nhân của nạn bạo lực gia đình và trong thời gian chờ Tòa án giải quyết ly hôn, người đó không muốn cho người còn lại trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các con thì có thể yêu cầu Tòa án và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền can thiệp.
Theo quy định của pháp luật có liên quan, Tòa án có thể ban hành quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình trong thời hạn không quá 04 tháng khi đang thụ lý giải quyết vụ án ly hôn khi có đủ các điều kiện sau đây[3]:
- Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trong trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bị bạo lực gia đình;
- Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân bị bạo lực gia đình; và
- Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.
Như vậy trong trường hợp đáp ứng các điều kiện nêu ở trên thì người vợ hoặc chồng đang trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các con trong thời gian chờ Tòa án giải quyết ly hôn có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án ban hành quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bị bạo lực gia đình để hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các con trong thời gian này.
Đồng thời, trong thời gian chờ Tòa án xem xét ra quyết định, nếu xét thấy cần nhanh chóng và cấp thiết hạn chế quyền của người vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình với các con, người vợ hoặc chồng còn lại có thể nộp đơn đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp phường hoặc xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình để nhờ sự can thiệp kịp thời của cơ quan này. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp phường hoặc xã, theo đó, sẽ ban hành quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình[5]. Tuy nhiên, thời hạn của quyết định này tối đa 03 ngày nên chỉ có thể giải quyết trong tình huống cấp bách. Để hạn chế quyền của vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình xuyên suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ án ly hôn, vợ hoặc chồng còn lại đang trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các con nên chọn giải pháp gửi đơn đến Tòa án để nhờ sự can thiệp, hỗ trợ.
[1] Điều 57.1 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
[3] Điều 21.1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 và Điều 129 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[5] Điều 20 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.