(Nguyễn Thị Thanh Ngân, Nguyễn Thị Hồng Nhung & Luật sư Nguyễn Hữu Phước)
Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, mạng xã hội và các trang thông tin điện tử đang dần chiếm vị trí quan trọng trong việc cập nhật thông tin đến người dân, thay thế cho các phương tiện truyền thông truyền thống như báo chí hay truyền hình. Tuy nhiên, đi kèm với hiện tượng này là việc bùng nổ các hình thức quảng cáo trên các phương tiện truyền thông này, ví dụ như Facebook, Instagram, Tiktok, Youtube, v.v… Đặc biệt, nhiều quảng cáo đưa ra những nội dung có tính chất thổi phồng, sai sự thật về công dụng, chức năng của sản phẩm, và thậm chí sử dụng sự tham gia của những người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm của họ.
Điều này thật sự đáng lo ngại vì người dân thường tin tưởng vào thần tượng của mình, những người nổi tiếng, và khi nghe những lời quảng cáo “có cánh” thì dễ dàng bị lôi kéo và mua sản phẩm mà không suy nghĩ thiệt hơn. Nguy hiểm nhất là những loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là có công dụng như thuốc chữa bệnh, nhưng thực tế lại có thể kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng và đôi khi làm mất tiền của họ.
Hiện tại, luật quảng cáo và các văn bản pháp luật có liên quan chưa được điều chỉnh chi tiết và không được áp dụng sâu rộng vào thực tiễn, gây “bức xúc” cho người dân. Điều này đòi hỏi chúng ta cần tìm hiểu vấn đề và đưa ra các giải pháp thích hợp. Vì vậy, tác giả muốn bàn về một số mặt còn hạn chế trong quy định có liên quan của pháp luật hiện hành và đưa ra một số kiến nghị để bổ sung, hoàn thiện chính sách từ góc nhìn thực tế.
Thực trạng “quảng cáo sai sự thật” đáng báo động
Gần đây, một đoạn video quảng cáo của nghệ sĩ Quyền Linh đã gây ra tranh cãi khi tuyên bố rằng một loại thực phẩm chức năng có thể chữa trị căn bệnh tiểu đường từ gốc rễ. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã bác bỏ những tuyên bố này và cho rằng sản phẩm này chưa được chứng nhận bởi các tổ chức y tế. Quyền Linh đã phủ nhận bất kỳ hợp đồng quảng cáo nào liên quan đến sản phẩm này và cho rằng mình chỉ là nạn nhân của những video cắt ghép.
Tình trạng quảng cáo sai sự thật không chỉ xuất hiện trong trường hợp này. Trên mạng xã hội, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều video quảng cáo với những lời tuyên bố kỳ quặc, như một người tự xưng là bác sĩ quân y giới thiệu bài thuốc chữa dạ dày khỏi ngay trong vòng 7 ngày, hoặc lương y tự xưng có thể chữa khỏi các loại bệnh với đủ loại thuốc mà không cần thăm khám trực tiếp. Thậm chí, nhiều ca sĩ, nghệ sĩ cũng tham gia vào việc quảng cáo các loại thuốc giảm cân, thuốc viêm xoang, xương khớp với những tuyên bố công dụng thần kỳ.
Tuy nhiên, theo Cục An toàn Thực phẩm, các sản phẩm này chỉ là thực phẩm chức năng và không có tác dụng chữa bệnh như quảng cáo. Thậm chí, thống kê cho thấy tới 60% các quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội đều là gian lận.
Điều đáng lo ngại hơn cả là tình trạng quảng cáo sai sự thật đối với các sản phẩm này đang ngày càng trầm trọng hơn. Năm 2020, đã có 48 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng bị xử phạt hành chính với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Con số này tiếp tục tăng lên trong những năm sau đó, và trong năm 2022, đã có tới 28 cơ sở vi phạm với số tiền là hơn 1,2 tỷ đồng.
Liệu pháp luật quảng cáo có thể chi phối đến mức nào?
Theo Luật Quảng cáo, người tham gia hoạt động quảng cáo bao gồm nhiều thể chủ thể khác nhau, như người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Luật Quảng cáo cấm mọi hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn về sản phẩm và người kinh doanh sản phẩm, cũng như quảng cáo không đúng sự thật. Điều kiện quảng cáo theo Luật Quảng cáo yêu cầu chủ thể quảng cáo phải cung cấp đầy đủ các giấy phép hoặc chứng nhận lưu hành để chứng minh nguồn gốc và công dụng của sản phẩm được quảng cáo.
Tuy nhiên, đối với một số sản phẩm đặc biệt như thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, sữa cho trẻ em, hóa chất, trang thiết bị y tế, phân bón, chế phẩm sinh học, việc quảng cáo chỉ được thực hiện sau khi có các giấy phép và chứng nhận lưu hành được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo..
Tuy nhiên, quy trình cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo hiện tại được đánh giá là chưa phù hợp với thực tế, rườm rà và khó thực hiện. Việc giám sát và chế tài vi phạm cũng còn mơ hồ, do đó nhiều tổ chức, cá nhân đã vi phạm quy định và thực hiện quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung quảng cáo.
Trách nhiệm của người chuyển tải nội dung quảng cáo còn bị bỏ ngỏ
Hiện nay, Luật Quảng cáo chỉ quy định trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người phát hành quảng cáo. Tuy nhiên, Luật này chưa đề cập đến trách nhiệm của những người chuyển tải nội dung quảng cáo.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang ký kết hợp đồng với những người nổi tiếng để làm đại diện cho sản phẩm của mình. Với sự nổi tiếng và lòng yêu mến từ công chúng, những người nổi tiếng dễ dàng tạo được niềm tin đối với sản phẩm mà họ quảng cáo. Tuy nhiên, nếu sản phẩm không đáp ứng được thông tin trong quảng cáo, không đạt yêu cầu chất lượng, hoặc sai công dụng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, trách nhiệm của người đại diện thương hiệu sẽ được đặt ra và chế tài xử phạt sẽ được áp dụng.
Điều này cần được thảo luận kỹ lưỡng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo rằng các nhân vật nổi tiếng không được miễn trách nhiệm trong trường hợp sản phẩm của họ không đáp ứng được yêu cầu quảng cáo. Chắc chắn rằng việc quy định rõ ràng và minh bạch sẽ giúp đưa ra quyết định công bằng và giữ cho ngành quảng cáo ngày càng phát triển và phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường hiện nay..
Kiến nghị và giải pháp xử lý
Với tình trạng quảng cáo sai sự thật đáng báo động như hiện nay, tác giả cho rằng việc trước mắt mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần làm là tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý việc quảng cáo sai sự thật. Có như vậy, người dân – trong đó có những người tham gia vào hoạt động quảng cáo – sẽ thấy được sự nghiêm minh của pháp luật và tăng cường việc tuân thủ pháp luật.
Tuy nhiên, chẳng ai muốn vui mừng lên tiếng về việc bị lừa dối bởi những quảng cáo “giả tưởng” đâu. Vì vậy, việc sửa đổi và bổ sung các quy định của pháp luật nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, bổ sung các quy định còn thiếu và tăng tính khả thi của các quy định, chẳng hạn như làm rõ trách nhiệm của những người đại diện thương hiệu, nhà sản xuất sản phẩm, tổ chức cung cấp nền tảng quảng cáo nhằm phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động quảng cáo là điều thật sự cần thiết.
Các biện pháp xử lý, phạt vi phạm cũng cần phải xem xét đến việc điều chỉnh tăng nặng để các chủ thể thực hiện quảng cáo không bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, việc chỉ định về bồi thường trực tiếp cho người mua sản phẩm không đúng với nội dung quảng cáo cũng là vấn đề cần được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cân nhắc bổ sung.
Sau khi tham khảo thông tin tại một số quốc gia lân cận, có thể thấy rằng Trung Quốc vừa mới thay đổi Luật Quảng cáo của mình để xử lý những nghệ sĩ đại diện thương hiệu quảng cáo khi họ lừa dối khách hàng. Từ giờ trở đi, người đại diện thương hiệu không được phép quảng cáo cho sản phẩm mà họ chưa từng sử dụng và phải chịu trách nhiệm nếu sản phẩm không tốt hoặc gây tổn thương đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Nếu vi phạm, họ sẽ bị xử phạt và không được phép thực hiện quảng cáo trong 3 năm liên tiếp.
Còn tại Hàn Quốc, quảng cáo ngầm cũng bị cấm. Nếu không tuân thủ tiêu chuẩn “Hướng dẫn thẩm định quảng cáo”, các tổ chức thực hiện quảng cáo sai phạm sẽ bị phạt hành chính tối đa 2% doanh thu từ hoạt động quảng cáo hoặc tối đa đến 500 triệu Won (tương đương với 421.550 USD). Nếu bị Viện Kiểm sát khởi tố, họ còn có thể phải ngồi tù tới 2 năm hoặc bị xử phạt hành chính tối đa 150 triệu Won (tương đương với 126.500 USD).
Đặc biệt, những người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội cũng phải cẩn thận khi đăng tải đánh giá sản phẩm để đổi lấy lợi ích kinh tế riêng của mình. Nếu không, họ cũng sẽ bị xem như đã nhận tài trợ và nội dung đăng tải sẽ được xem như là quảng cáo, từ đó sẽ bị xử phạt.
Đặc biệt, những người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội cũng phải cẩn thận khi đăng tải đánh giá sản phẩm để đổi lấy lợi ích kinh tế. Nếu không, họ cũng sẽ bị xem như đã nhận tài trợ và nội dung đăng tải sẽ được coi là quảng cáo, từ đó bị phạt.
Trong khi đó, tại Việt Nam, mức xử phạt hành chính dành cho hành vi quảng cáo không đúng sự thật tùy vào nội dung quảng cáo chỉ dao động trung bình từ mức 20.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Đơn cử việc quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung quảng cáo có thể bị phạt 50.000.000 đồng đối với tổ chức (tương đương với mức phạt bằng ½ đối với cá nhân). Tuy nhiên, các mức xử phạt này quá thấp so với các mức của Trung Quốc và Hàn Quốc và chưa thể hiện tính răn đe của chúng.
Tác giả nhận thấy rằng các quy định tại hai quốc gia trên là những biện pháp xử lý thiết thực và có thể giúp giảm bớt tình trạng quảng cáo sai sự thật của những người nổi tiếng. Vì vậy, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam nên tham khảo những ví dụ điển hình này để đưa ra các quy định phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Trong khi đợi sự hoàn thiện của pháp luật và việc xử lý việc quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội hiện nay, tác giả mong muốn mỗi người dân phải luôn tỉnh táo và trở thành người tiêu dùng thông minh. Đừng vội tin vào những lời quảng cáo của những người nổi tiếng mà phải tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định chọn mua bất kỳ loại sản phẩm nào. Chỉ khi là người tiêu dùng thông minh và cẩn thận, chúng ta mới có thể tự bảo vệ mình trước vấn nạn quảng cáo sai sự thật hiện nay.