(Nguyễn Thị Thu Thủy & Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty Luật Phuoc & Partners)
Ngày 01/11/2022, dư luận đã có dịp xôn xao về việc đại diện của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đệ đơn lên Tòa án để yêu cầu cựu Tổng thống Donald Trump bồi thường khoảng 1,06 triệu USD phí pháp lý cho vụ kiện liên quan đến cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 của Ông Trump.
Cụ thể, vào tháng 3/2022, Ông Trump đã khởi kiện Bà Clinton và những bị đơn khác vì cho rằng những người này đã “âm mưu phá hoại” chiến dịch tranh cử tổng thống của ông với cáo buộc ông thông đồng với Nga. Tháng 9/2022, thẩm phán phụ trách vụ kiện đã ra phán quyết bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Ông Trump. Phán quyết này đã là cơ sở để Bà Clinton yêu cầu Tòa án buộc Ông Trump phải trả các khoản chi phí dịch vụ pháp lý mà bà phải trả cho luật sư để bảo vệ quyền lợi của bà tại tòa. Theo nhóm luật sư của Bà Clinton, vụ kiện này vô lý do ông Trump khởi xướng chỉ nhằm “tạo dựng danh tiếng chính trị” của ông ấy.
Chi phí dịch vụ pháp lý , mà chủ yếu là tiền thuê luật sư, thường được xem là khoản chi đáng kể đối với các bên liên quan đến vụ kiện, nhất là với những vụ kiện quan trọng hoặc có tính chất phức tạp mà các bên cần có luật sư để tư vấn và đại diện trong suốt quá trình giải quyết vụ kiện tại Tòa án. Sau quá trình nỗ lực theo đuổi vụ kiện và thắng kiện, một bên có thể đưa ra yêu cầu buộc bên còn lại phải bồi thường toàn bộ chi phí hợp lý mà bên thắng kiện đã bỏ ra để thuê luật sư. Tuy nhiên, tùy vào từng quốc gia và hệ thống pháp luật khác nhau, các yêu cầu bồi thường chi phí luật sư sẽ được cơ quan giải quyết tranh chấp hoặc Tòa án có thẩm quyền nhận định và giải quyết khác nhau. Sau sự việc của Bà Clinton và Ông Trump, vấn đề bồi thường chi phí luật sư được đang được tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn pháp lý và hiện tại vẫn chưa đi đến hồi kết.
Cơ sơ lý luận cho vấn đề bồi thường chi phí luật sư theo các hệ thống pháp luật trên thế giới
Tại hầu hết các quốc gia thuộc hệ thống thông luật (common law), Quy tắc của Anh (English rule) được áp dụng một cách phổ biến. Theo đó, bên thua kiện sẽ phải bồi thường chi phí luật sư ở mức hợp lý cho bên thắng kiện. Cơ sở lý luận cho quy tắc này dựa vào việc một đương sự (dù là nguyên đơn hay bị đơn) có quyền được yêu cầu luật sư bảo vệ và nếu như thắng kiện, họ sẽ không phải gánh chịu phí luật sư của chính mình.
Trái lại, theo Quy tắc của Hoa Kỳ (American rule), các bên tranh chấp phải trả phí luật sư của riêng họ, bất kể là bên nào thắng kiện (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác). Quy tắc này được thiết lập để đảm bảo rằng một người khi muốn khởi kiện sẽ không quá do dự bởi những lo ngại về việc phải trả phí luật sư cho cả bên thắng kiện nếu họ thua kiện. Một số ngoại lệ của quy tắc này có thể kể đến như trường hợp cả hai bên đồng ý trong hợp đồng rằng Quy tắc của Hoa Kỳ sẽ không được áp dụng khi giải quyết tranh chấp; vụ án có liên quan đến tổ chức thuộc Chính phủ, chống phân biệt đối xử; hoặc thẩm phán kết luận rằng bên thua đã cố tình khởi xướng một vụ kiện phi lý.
Trên thực tế, Quy tắc của Hoa Kỳ đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và sự không đồng tình từ phía thẩm phán và các nhà luật học vì được cho là chưa đề cao tính răn đe trong xã hội.
Bồi thường chi phí luật sư dưới góc nhìn của pháp luật Việt Nam
Thực tiễn giải quyết các tranh chấp tại Tòa án cho thấy rất nhiều trường hợp đương sự đã đưa ra yêu cầu này. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, chi phí trả cho luật sư là khoản tiền phải trả cho luật sư theo thỏa thuận của đương sự với luật sư. Điều này cho thấy bản chất của chi phí luật sư được hiểu là khoản chi do ai thuê luật sư thì người đó phải trả, chứ không được xem là chi phí mà bên thua kiện phải trả cho bên thắng kiện.
Tuy nhiên, với các vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ thì Luật Sở hữu trí tuệ lại cho phép bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quyền yêu cầu Tòa án buộc nguyên đơn phải thanh toán cho mình chi phí hợp lý thuê luật sư hoặc các chi phí khác theo quy định, nếu Tòa án kết luận họ không thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Dẫu rằng tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về nghĩa vụ bồi thường chi phí luật sư của bên thua kiện (dù bên đó là nguyên đơn hay bị đơn), hầu hết các Tòa án đều có chung quan điểm là không chấp nhận yêu cầu về bồi thường chi phí luật sư, nhất là đối với các vụ án không thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, vẫn có một số ít Tòa án chấp nhận yêu cầu bồi thường này nhưng lập luận và phán quyết của những Tòa án đó vẫn gây nhiều tranh cãi.
Tòa án khi bác yêu cầu bồi thường chi phí luật sư thường đưa ra nhận định dựa trên ba lý do chính là: bên thua kiện đã phải chịu án phí dân sự (một phần hoặc toàn bộ) khi yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận dựa trên kết quả của bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án; pháp luật không quy định buộc nguyên đơn hay bị đơn phải thuê luật sư, việc thuê luật sư là tự nguyện xuất phát từ nhu cầu của các bên muốn bảo vệ quyền và lợi ích của mình; và hành vi vi phạm của một bên không là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại phải thuê luật sư (ở đây được cho là không có mối quan hệ nhân quả).
Tuy vậy, đối với các tranh chấp được giải quyết theo thủ tục tố tụng trọng tài thương mại, nhiều Hội đồng Trọng tài chẳng hạn như Trung Tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vẫn nhận định rằng chi phí thuê luật sư là một loại thiệt hại và là chi phí hợp lý mà bên thua kiện phải bồi thường cho bên thắng kiện, dù vụ án đó là thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ hay kinh doanh thương mại. Theo đó, Hội đồng Trọng tài có thể xem xét chấp nhận yêu cầu này nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng về điều khoản bồi thường chi phí luật sư và bên yêu cầu có khả năng chứng minh chi phí đó bằng các hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của pháp luật (ví dụ như: hợp đồng dịch vụ pháp lý ký kết với công ty/văn phòng luật sư, hóa đơn thanh toán, v.v..).
Nên có quy định cụ thể về việc bồi thường chi phí luật sư tại Việt Nam
Khi thế giới vẫn còn đang tranh luận thì câu chuyện trên cũng đã được đặt vào bối cảnh pháp lý tại Việt Nam để xem xét liệu rằng vấn đề bồi thường chi phí luật sư có thực sự phù hợp hay không. Có thể thấy, tính đến thời điểm hiện tại, các nhà làm luật và đa số các cơ quan tài phán đều bảo lưu quan điểm cho rằng khoản chi phí thuê luật sư không phải là chi phí bắt buộc để theo đuổi một vụ kiện. Tuy nhiên, cách nhận định khi bác yêu cầu chi phí luật sư của Tòa án như nêu trên dường như chưa đủ thuyết phục, nhất là khi tình hình thực tiễn trong quá trình giải quyết các vụ kiện tụng đang dần cho thấy tầm quan trọng của luật sư và nhu cầu thuê luật sư để bảo vệ các đương sự trong các vụ kiện. Bên cạnh đó, việc đánh giá, xem xét yêu cầu bồi thường khoản chi phí luật sư là hợp lý và cần được cân nhắc dựa vào nhiều yếu tố, chứ không chỉ là cơ chế mặc nhiên, chẳng hạn như việc khởi kiện của một bên có căn cứ hay không? bên yêu cầu có đủ các tài liệu, chứng cứ để chứng minh khoản chi phí luật sư mà mình đã gánh chịu là hoàn toàn do lỗi của bên kia. Nếu không, một số cá nhân, tổ chức có thể lạm dụng quyền khởi kiện của mình chỉ để “tạo drama”, gây ồn ào, đánh bóng tên tuổi, thu hút truyền thông và mạng xã hội, cố tình gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh. Để đảm bảo tính khách quan, Tòa án chắc hẳn cũng cần xem xét một cách cẩn trọng các yếu tố này trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vấn đề này. Ngoài ra, việc bồi thường chi phí luật sư có thể được xem là “vấn đề hai chiều” – cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều có quyền yêu cầu bồi thường nếu họ có thể chứng minh tính hợp lý của khoản chi này.
Thế nhưng, việc các Tòa án ở Việt Nam chưa chấp nhận khoản bồi thường chi phí luật sư tại Việt Nam cũng có một vài ưu điểm nhất định. Ở thời đại ngày nay, bất kỳ công dân nào cũng có quyền đưa vụ việc tranh chấp ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Song, nếu họ thua kiện và phải trả phí luật sư cho bên kia, tiền án phí cùng với nỗi lo ngại về sự thiếu khách quan khi xét xử của Tòa án sẽ làm công dân ngần ngại trong việc khởi kiện. Do đó, xét về mục tiêu quản lý xã hội, cũng tương tự như việc ủng hộ Quy tắc của Hoa Kỳ, mục đích sâu xa của quan điểm này là tạo điều kiện cho bên yếu thế và những người khó khăn về kinh tế không bị áp lực khi nộp đơn khởi kiện đến Tòa án, thúc đẩy quyền của công dân được tiếp cận công lý.
Nên chăng, trong tương lai gần, chúng ta mong đợi từ các nhà làm luật hoặc từ các cơ quan giải quyết tranh chấp có những điểm cải cách hoặc hướng dẫn chi tiết hơn có liên quan đến việc bồi thường chi phí luật sư để tòa án vừa có hướng áp dụng thống nhất, vừa đáp ứng được mục tiêu quản lý chặt chẽ, đảm bảo công bằng xã hội.