Hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp không chính thức cung cấp dịch vụ thám tử – dịch vụ điều tra cho các cá nhân, tổ chức. Sự phát triển của dịch vụ thám tử tư dựa trên nhu cầu rất lớn trên thị trường Việt Nam. Mặc dù vậy, khi cân nhắc sử dụng dịch vụ này, doanh nghiệp cần lưu ý rằng pháp luật chưa có khung pháp lý điều chỉnh cụ thể các hoạt động thám tử tư, hay nói cách khác, nghề thám tử tư chưa được pháp luật công nhận là một nghề kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam. Trên thực tế, phần đông các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thám tử tư – dịch vụ điều tra tại Việt Nam đều đang kinh doanh dưới danh nghĩa cung cấp dịch vụ cung cấp thông tin, dịch vụ bảo vệ hoặc tương tự theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 21 Hiến pháp 2013 và Điều 38 Bộ luật Dân sự, thông tin cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập thông tin của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu là dựa theo quyết định của cơ quan, tổ chức Nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, vì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thám tử tư – dịch vụ điều tra chưa phải là đơn vị có chức năng và thẩm quyền thu thập thông tin được pháp luật công nhận, việc NSDLĐ sử dụng dịch vụ thám tử tư và theo đó đơn vị thám tử tư tự tiến hành điều tra và có hành vi thu thập thông tin cá nhân của NLĐ đó thì có thể bị xem là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền riêng tư của NLĐ bị điều tra, nếu NLĐ không đồng ý. Do vậy, doanh nghiệp nên cân nhắc kỹ các vấn đề pháp lý trước khi quyết định sử dụng dịch vụ thám tử tư – dịch vụ điều tra của bên thứ ba.
Liên quan đến vấn đề thu thập bằng chứng về hành vi vi phạm của NLĐ, theo quy định tại Điều 122.1(a) BLLĐ, một trong các nguyên tắc khi tiến hành xem xét và xử lý KLLĐ đối với những hành vi vi phạm của NLĐ là NSDLĐ phải chứng minh được lỗi của NLĐ. Việc chứng minh ở đây có thể được hiểu là NSDLĐ phải thu thập và cung cấp các chứng cứ, tài liệu ghi nhận về hành vi vi phạm tương ứng của NLĐ để làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý KLLĐ. Mặt khác, các chứng cứ và tài liệu đó cũng có thể được NSDLĐ sử dụng trước Tòa án hoặc cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền để chứng minh cho quan điểm của doanh nghiệp, nếu có phát sinh tranh chấp hoặc khiếu kiện về lao động có liên quan đến việc xử lý KLLĐ.
Hiện chưa có quy định pháp luật nào quy định về thủ tục xác minh, thu thập chứng cứ cũng như quy định về hình thức và điều kiện của các chứng cứ được sử dụng để xử lý KLLĐ đối với NLĐ. Tuy vậy, NSDLĐ vẫn có thể tham khảo các quy định về chứng cứ ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo các Điều 94 và 95 Bộ luật Tố tụng dân sự, chứng cứ hợp pháp có thể bao gồm:
- Tài liệu đọc được (bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận);
- Tài liệu nghe được, nhìn được (phải được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó);
- Dữ liệu điện tử (trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác);
- Vật chứng (là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc);
- Lời khai của đương sự, của người làm chứng (được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh);
- Kết luận giám định;
- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
- Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
- Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập (ví dụ như vi bằng được lập bởi đơn vị thừa phát lại); và/hoặc
- Văn bản công chứng, chứng thực.
Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có quyền tự mình thu thập chứng cứ bằng cách tự mình[409]: (i) thu thập các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, thông điệp dữ liệu điện tử, vật chứng có liên quan đến vụ việc; và/hoặc (ii) xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng. Bên cạnh đó, việc thu thập chứng cứ cũng có thể được thực hiện bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan và yêu cầu UBND cấp Xã/Phường chứng thực chữ ký của người làm chứng. Riêng đối với trường hợp phát sinh tranh chấp được giải quyết tại Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ; đồng thời cũng có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản cho mục đích thu thập chứng cứ. Bằng cách tiến hành các công việc như đã đề cập ở trên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xác minh và thu thập được các chứng cứ hợp lệ như được liệt kê.
Như vậy, NSDLĐ có thể tự mình (hoặc có thể ủy quyền hợp lệ cho một bên thứ ba – việc ủy quyền ở đây được hiểu là theo nguyên tắc chung và đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật dân sự, riêng việc ủy quyền cho dịch vụ thám tử tư thì cần phải lưu ý các vấn đề bất khả xâm phạm thông tin cá nhân được trình bày bên trên) tiến hành việc thu thập chứng cứ phục vụ cho mục đích xem xét và xử lý KLLĐ đối với hành vi vi phạm của NLĐ.Trong thực tiễn, NSDLĐ có thể làm việc với NLĐ có liên quan và/hoặc người chứng kiến/biết về vụ việc và lập biên bản ghi nhận các buổi làm việc như vậy, hoặc cũng có thể đề nghị những người này lập và cung cấp bản tường trình/bản khai về sự việc cho mục đích thu thập chứng cứ. Bên cạnh đó, để củng cố giá trị pháp lý của các chứng cứ được thu thập, NSDLĐ cần cân nhắc việc sử dụng dịch vụ thừa phát lại. Theo đó, thừa phát lại sẽ lập vi bằng ghi nhận các buổi làm việc giữa NSDLĐ và những NLĐ có liên quan và/hoặc ghi nhận việc những NLĐ có liên quan và những người chứng kiến/biết về vụ việc đã cung cấp các bản tường trình về vụ việc cho NSDLĐ như đã đề cập trên đây.
Ngoài ra, nếu NLĐ có dấu hiệu thực hiện một trong các hành vi sau đây: trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong NQLĐ theo Điều 125.1 và 125.2 BLLĐ, NSDLĐ có quyền (cũng đồng thời là nghĩa vụ) báo cáo những hành vi vi phạm đó đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều tra (ví dụ như cơ quan công an) để vụ việc được tiếp nhận và xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, cơ quan điều tra có thẩm quyền có thể tiến hành điều tra vụ việc và thu thập các chứng cứ, tài liệu có liên quan. Trong trường hợp này, NSDLĐ sẽ phải chờ kết quả điều tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều tra xác minh và có kết luận đối với hành vi vi phạm mới có thể tiến hành xử lý KLLĐ đối với NLĐ được[410].
Điểm cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng cần lưu ý đó là, khi tiến hành xem xét xử lý KLLĐ đối với NLĐ, NSDLĐ phải đảm bảo rằng hành vi vi phạm của NLĐ đã được ghi nhận là hành vi vi phạm tương ứng trong NQLĐ của doanh nghiệp đã được đăng ký tại cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền hoặc được thỏa thuận trong HĐLĐ đã giao kết hoặc được quy định cụ thể hành vi trong BLLĐ[411]; và NSDLĐ cũng cần thực hiện đúng và đầy đủ quy trình xử lý KLLĐ theo quy định của BLLĐ[412].
[409] Điều 97.1 Bộ luật Tố tụng dân sự
[410] Điều 122.4 (c) BLLĐ
[411] Điều 127.3 BLLĐ
[412] Điều 122 BLLĐvà Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/12/2020