Quy định của BLLĐ cho phép doanh nghiệp đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong thời gian đình công do không đủ điều kiện để duy trì hoạt động bình thường hoặc để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp[594]. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải thông báo việc tạm thời đóng cửa doanh nghiệp ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc, phải niêm yết công khai quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc tại nơi làm việc cũng như thông báo cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, bao gồm: (i) Tổ chức đại diện NLĐ đang tổ chức và lãnh đạo đình công; (ii) UBND cấp Tỉnh ở nơi làm việc dự kiến đóng cửa; (iii) UBND cấp huyện ở nơi làm việc dự kiến đóng cửa[595]. NSDLĐ sẽ không được phép đóng cửa tạm thời nơi làm việc trước 12 giờ từ thời điểm bắt đầu đình công ghi trong quyết định đình công; hoặc sau khi tập thể NLĐ đã ngừng đình công[596].
Khi đóng cửa tạm thời nơi làm việc thì tất cả NLĐ, bao gồm cả những NLĐ không tham gia đình công cũng phải ngừng việc và NSDLĐ phải trả lương cho những NLĐ này như sau[597]: (i) NLĐ nào không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo mức do các bên tự thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại thời điểm đó[598]; và (ii) NLĐ nào tham gia đình công sẽ không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của luật lao động, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Pháo luật lao động không có quy định cụ thể nào về việc NSDLĐ có được mời các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương hay thuê các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo vệ hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian đình công hay không. Tuy nhiên, hành vi “dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của NSDLĐ” và “xâm phạm trật tự, an toàn công cộng” có thể được xem là những hành vi bị cấm trước, trong và sau khi đình công[599]. Do đó, trên thực tế, khi nhận thấy những NLĐ tham gia đình công có hành vi gây rối làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng hay có nhu cầu cần phải bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, NSDLĐ có thể nhờ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương như công an hoặc thuê các doanh nghiệp được phép cung cấp dịch vụ bảo vệ để hỗ trợ. Tuy nhiên, việc can thiệp hay hỗ trợ này phải đảm bảo không được cản trở quyền đình công của NLĐ[600].
[594] Điều 203.3 (b) BLLĐ
[595] Điều 205 BLLĐ
[596] Điều 206 BLLĐ
[597] Điều 207 BLLĐ
[598] Điều 99.2 BLLĐ
[599] Điều 208.2 và Điều 208.3 BLLĐ
[600] Điều 208.1 BLLĐ