Về mặt nguyên tắc, quyền thỏa thuận giữa các đương sự luôn được pháp luật tôn trọng, trừ một số lĩnh vực pháp luật đặc thù chẳng hạn như hình sự, hành chính hay hộ tịch. Quy định của Luật Hôn nhân và gia đình cũng như Luật Tố tụng dân sự cũng không là ngoại lệ. Trong vụ án ly hôn, hai bên vợ, chồng có thể thỏa thuận với nhau về các vấn đề có liên quan đến giải quyết vụ án, không chỉ vào lúc tiến hành hòa giải mà còn ngay trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, thậm chí là cả tại giai đoạn thi hành án[1]. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình đồng thời cũng đưa ra những ràng buộc để các bên không thể lợi dụng quyền tự thỏa thuận của mình để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, vì những thỏa thuận đó sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tiêu cực đến Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích của những người khác được pháp luật bảo vệ. Do đó, việc vợ chồng có những thỏa thuận trái với quy định của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội khi tiến hành hòa giải tại Tòa án thì sẽ không được Tòa án công nhận. Ngoài ra, để ngăn chặn việc công nhận những thỏa thuận nói trên, pháp luật đã có một số quy định sau đây:
- Một là: Nhiệm vụ của Tòa án Nhân dân chính là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, việc Tòa án công nhận một thỏa thuận trái pháp luật, trái đạo đức xã hội là điều không thể[3];
- Hai là: Theo quy định của pháp luật, giải quyết vụ án lý hôn cũng được xem là một quá trình tố tụng dân sự. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã quy định rõ, trong một vụ án dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, nhưng không được vi phạm các điều cấm của luật và không trái với đạo đức xã hội[5]. Do đó, thỏa thuận nêu trên của vợ chồng rõ ràng là không được phép tiến hành trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn; và
- Ba là: Bộ luật Dân sự 2015 đã khẳng định các thỏa thuận có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái với đạo đức xã hội thì đều bị vô hiệu. Thậm chí, thời hiệu để yêu cầu Tòa án tuyên bố những thỏa thuận này vô hiệu là không bị hạn chế, khác với những trường hợp vô hiệu khác của hợp đồng dân sự thông thường là chỉ trong vòng hai năm[7].
Do đó, Tòa án sẽ không công nhận những thỏa thuận trái pháp luật, trái với
đạo đức xã hội như trên của vợ chồng. Và ngay cả khi vợ chồng có tự thỏa thuận
riêng mà không yêu cầu Tòa án công nhận thì những thỏa thuận này cũng có thể bị tuyên vô hiệu nếu bên thứ ba có quyền lợi liên quan bị ảnh hưởng có
yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch
này vô hiệu. Bên cạnh đó, việc vợ chồng cố tình thỏa thuận và thực hiện các
hành vi trái pháp luật, trái với đạo đức xã hội còn có thể phải gánh chịu các
biện pháp xử lý hành chính, thậm chí là chế tài hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Chẳng hạn, nếu vợ chồng cố ý định giá bất động sản thấp để giảm số thuế thu nhập
cá nhân và lệ phí trước bạ phải nộp theo quy định,
cơ quan thuế có thể xử phạt vợ chồng tội
vi phạm hành chính trong lĩnh vực
thuế và truy thu số thuế còn thiếu. Nếu hành vi trốn thuế đủ để cấu thành tội
phạm hình sự thì vợ chồng còn có thể bị truy tố và chịu trách nhiệm hình sự.
[1] Điều 6 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014.
[3] Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 2014.
[5] Điều 5.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[7] Điều 124 và Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.