Hòa giải tại địa phương chính là hoạt động hòa giải ở cấp cơ sở (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác[1]). Trong vụ án ly hôn, hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ vợ chồng đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật để giữ gìn mối quan hệ hôn nhân[2]. Vì vậy, hòa giải có ý nghĩa vô cùng to lớn để hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt, giải quyết các tranh chấp, xung đột giữa vợ chồng một cách ổn thỏa, đảm bảo quyền và lợi ích của cả vợ chồng và con cái bởi quan hệ vợ chồng là điểm mấu chốt để duy trì một gia đình hạnh phúc, trọn vẹn và Luật Hôn nhân và Gia đình luôn cố gắng bảo vệ tối đa mối quan hệ này. Tuy nhiên, theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, hòa giải ở cơ sở là thủ tục được khuyến khích thực hiện khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn[3], và không còn là thủ tục bắt buộc. Nếu vợ hoặc chồng không muốn hòa giải tại địa phương thì có thể khởi kiện ngay vụ án ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền. Và khi đó, thủ tục hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc phải được tiến hành trong vụ án ly hôn. Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải nhằm mục đích khôi phục mối quan hệ hôn nhân vợ chồng, và chỉ khi hòa giải không thành thì Tòa án mới tiếp tục giải quyết yêu cầu ly hôn.
Như vậy, hòa giải tại địa phương nơi vợ chồng cư trú chỉ là biện pháp mang tính khuyến khích của Nhà nước trong vụ án ly hôn. Tùy thuộc vào nguyện vọng và hoàn cảnh của vợ chồng để tiến hành hoặc không tiến hành việc hòa giải này.
[1] Điều 2.2 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013.
[2] Điều 2.1 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013.
[3] Điều 52 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.