Việc yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn là quyền của các đương sự và trên nguyên tắc Tòa án không thể từ chối thụ lý giải quyết bất cứ yêu cầu chính đáng nào của người dân. Tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, như đã xác định ở các phần trước, gồm có bất động sản và động sản. Vì vậy, trong trường hợp các bên yêu cầu Tòa án phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân là các tài sản có giá trị nhỏ và nếu phân chia thì không còn giá trị sử dụng như các vật dụng gia đình, chén đũa, bàn ghế, ti-vi, v.v., thì Tòa án vẫn phải thụ lý giải quyết.
Trong thực tế giải quyết các vụ án ly hôn hiện nay, nhiều trường hợp Tòa án nhận được một danh sách rất dài các tài sản chung mà vợ chồng yêu cầu Tòa giải quyết. Luật đã quy định tài sản là “vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”[1]. Thế cho nên, dù hai bên muốn chia đôi cả chén, đũa, vật dụng nhà bếp hay một vật có thể trị giá 01 đồng thì trên nguyên tắc Tòa án vẫn phải giải quyết. Vậy Tòa án sẽ dựa trên những nguyên tắc nào để giải quyết trong tình huống này?
Dưới đây là 05 nguyên tắc chính được Tòa án áp dụng để giải quyết yêu cầu phân chia tài sản nêu trên của các bên.
- Nguyên tắc thứ nhất
Dựa trên sự thỏa thuận của vợ chồng trong thời gian hòa giải. Nguyên tắc này được pháp luật tôn trọng và khuyến khích thực hiện. Trong nhiều trường hợp, Tòa án tạo điều kiện và khuyến khích hai bên vợ chồng tự nguyện thỏa thuận về việc phân chia các tài sản này.
- Nguyên tắc thứ hai
Nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng, hay còn được hiểu là nguyên tắc chia đôi. Nguyên tắc này hợp lý với xã hội hiện nay khi nam nữ bình quyền, vợ chồng cùng chung tay thực hiện nghĩa vụ chung trong việc xây dựng mái ấm gia đình của họ. Trong trường hợp tài sản khi chia đôi không còn giá trị sử dụng thì Tòa án sẽ cân nhắc để có thể phân chia các vật dụng sao cho cân đối giá trị cho cả hai bên vợ, chồng.
Tuy nhiên, để nguyên tắc này được hài hòa, phù hợp với việc xét xử trong hệ thống Tòa án dân sự nói chung và Tòa án Gia đình và Người chưa thành niên nói riêng, Tòa án cần bổ sung nguyên tắc làm căn cứ xác định tỷ lệ chia tài sản chung của vợ chồng theo Điều 59.2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014[3] và Điều 7.4 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn điều này, gồm các yếu tố: hoàn cảnh gia đình của vợ chồng (sau khi ly hôn, bên nào gặp trở ngại nhiều về cuộc sống, không đảm bảo ổn định cuộc sống thì phần ưu tiên hơn trong việc hỗ trợ các loại tài sản để cải thiện cuộc sống); công sức đóng góp của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản chung; thừa nhận rằng việc nội trợ gia đình của vợ, chồng cũng là một hình thức lao động có thu nhập; lợi ích chính đáng mỗi bên trong hoạt động nghề nghiệp được bảo đảm; yếu tố lỗi.
- Nguyên tắc thứ ba
Nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị được hưởng[5]. Nguyên tắc này được thực hiện dựa trên thực tế đã được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự về khái niệm vật có thể phân chia được[6] (là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu, chẳng hạn như lúa, gạo, xi măng, v.v.) và vật không thể phân chia được (là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu, chẳng hạn như xe máy, máy giặt, máy lạnh, chén đũa, v.v.). Vì vậy, Tòa án sẽ ưu tiên chia bằng vật đối ứng có giá trị tương đương trước, khi không thể thì Tòa án mới áp dụng cho một bên nhận hiện vật và một bên nhận trị giá thành tiền tương ứng giá trị hiện vật bên kia được nhận.
- Nguyên tắc thứ tư
Nguyên tắc đảm bảo tài sản được phân chia phù hợp với nhu cầu thiết thực của vợ chồng nhằm phục vụ đời sống của vợ, chồng sau khi ly hôn. Nguyên tắc này được cân nhắc áp dụng khi một tài sản gắn liền với nhu cầu sử dụng của vợ hoặc chồng. Chẳng hạn như trong thời kỳ hôn nhân, chồng kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm, vợ tạo thu nhập bằng cách mở tiệm in, sao chụp giấy tờ thì khi cân nhắc phân chia các tài sản chung của vợ chồng trong yêu cầu phân chia tài sản khi ly hôn của cặp vợ chồng này, Tòa án sẽ phân chia các tài sản là dụng cụ phục vụ công việc chạy xe ôm cho chồng và các tài sản là dụng cụ phục vụ công việc in, photocopy cho vợ, trên nguyên tắc giá trị các tài sản được phân chia ngang bằng nhau.
- Nguyên tắc thứ năm
Nguyên tắc này bảo vệ người vợ, người con chưa thành niên hoặc người con mất năng lực hành vi dân sự, hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Nguyên tắc này cũng được Tòa án cân nhắc áp dụng, không chỉ trong việc phân chia các tài sản mà nếu việc phân chia không còn giá trị sử dụng như đã nêu ở trên, mà cả trong suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ án ly hôn.
Trên đây là các nguyên tắc mà các Tòa án đang áp dụng để giải quyết bài toán phân chia tài sản trong các vụ án ly hôn. Các nguyên tắc này được các Thẩm phán cân nhắc áp dụng linh hoạt trên cơ sở đảm bảo tốt nhất sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ án ly hôn.
Thực tiễn cho thấy, việc xác định công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản chung của vợ chồng theo nguyên tắc thứ ba ở trên là không hề đơn giản. Như đã đề cập, lao động của vợ, chồng trong gia đình được xem là lao động có thu nhập. Tuy nhiên, thực tế áp dụng quy định này không thống nhất, có nhiều cách hiểu khác nhau cho cùng một vấn đề. Bởi lẽ, để xem xét công sức đóng góp của vợ, chồng vào khối tài sản chung cần nhìn vào nguồn gốc hình thành tài sản, người quản lý, giữ gìn tài sản. Tài sản có giá trị càng lớn thì đòi hỏi tính chuyên môn cũng như thời gian hình thành, giữ gìn và bảo quản tài sản càng cao. Chính vì pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể bằng các con số cụ thể cho trường hợp này nên việc áp dụng mang tính quan điểm, định tính của từng Tòa án[9].
Mặc dù có những khó khăn như đã nêu ở trên, theo quan điểm của các tác giả, vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết được trong tương lai với điều kiện người áp dụng luật phải có xu hướng tiếp cận sự phát triển nhanh của xã hội. Đối với lao động trong gia đình, chúng ta có thể phân loại một số loại lao động phổ biến như sau: Mua nguyên vật liệu, sơ chế, chế biến thực phẩm cho gia đình; vệ sinh nhà; trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái (trong giáo dục con cái có thể tính rõ ràng nhất là công sức đưa rước con đi học); trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi trong gia đình; chăm sóc vườn, vật nuôi, trang trí nhà cửa, v.v. Khi đã định hình được công việc nội trợ hay lao động trong gia đình là gì thì có thể tham chiếu giá thị trường cung cấp các dịch vụ đó để xác định giá trị bằng tiền của công sức lao động trong gia đình của vợ, chồng, và quan trọng là, chi phí cơ hội mà người nội trợ phải chịu để đánh giá công sức đóng góp của mỗi người vợ, chồng trong tổng thể tài sản chung của vợ chồng. Ví dụ: với sự xuất hiện của thị trường xe ôm hay taxi công nghệ, có thể tính được công sức (dù là tương đối) của việc đưa rước con đi học, vui chơi, giải trí mỗi ngày mà người lao động trong gia đình bỏ ra. Người lao động có thu nhập sẽ phải bỏ ra một chi phí tương đương cho việc này nếu như không có người lao động trong gia đình. Do đó, chi phí tiết kiệm được này cần được tính vào tài sản chung của vợ chồng.
Bên cạnh đó, đối với yếu tố lỗi, khi chia tài sản hầu
hết các Tòa án khi xét đến điều kiện này đều chỉ xét đến các lỗi trực tiếp.
Trên thực tế, có những trường hợp lỗi phát sinh từ vợ nhưng vì lý do từ người
chồng trước đó nên mới phát sinh ra lỗi này. Lấy ví dụ như trong trường hợp người
chồng phá tán tài sản của gia đình để thỏa mãn nhu cầu nghiện hút và trong thời
gian đó thường hay bạo hành vợ nhưng vì cuộc sống của các con nên vợ vẫn lặng lẽ
chịu đựng. Sau thời gian ầm ĩ như vậy, vợ sống bất hạnh và được sự che chở của
một người khác nên đã ngoại tình với người này. Khi đưa vụ án ly hôn ra xét xử,
Tòa án chỉ xét đến lỗi trực tiếp là việc ngoại tình của vợ nên dẫn đến kết quả
là dù chồng đã có lỗi trong đời sống hôn nhân nhưng lại không bị pháp luật can
thiệp[11].
[1] Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015.
[3] Điều 59.2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
[5] Điều 59.3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
[6] Điều 111 Bộ luật Dân sự 2015.
[9] Nguyễn Xuân Bình và Lê Vân Anh, “Nguyên tắc chia tài sản vợ chồng khi ly hôn”, Tạp chí Tòa án Nhân dân, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/nguyen-tac-chia-tai-san-chung-cua-vo-chong-khi-ly-hon.
[11] Nguyễn Xuân Bình và Lê Vân Anh, “Nguyên tắc chia tài sản vợ chồng khi ly hôn”, Tạp chí Tòa án Nhân dân, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/nguyen-tac-chia-tai-san-chung-cua-vo-chong-khi-ly-hon.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.