Theo quy định của Luật Tố tụng dân sự, đương sự có quyền nộp chứng cứ là các tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số hoặc tiếng nước ngoài cho Tòa án và ngôn ngữ được sử dụng trong tố tụng dân sự phải là tiếng Việt[1]. Do đó, các đương sự khi giao nộp các tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số hoặc tiếng nước ngoài mà muốn được Tòa án xem xét thì phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp[2]. Đương sự có thể yêu cầu phòng tư pháp của các Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc phòng công chứng, văn phòng công chứng tiến hành các công việc này. Lưu ý, nếu đương sự sử dụng dịch vụ dịch thuật tại các công ty có cung cấp dịch vụ dịch thuật, cá nhân hoặc tự mình dịch thuật thì bản dịch dù có đóng dấu của công ty dịch thuật, chữ ký hoặc cam kết của người dịch vẫn không được xem là bản dịch được công chứng, chứng thực hợp pháp. Việc công chứng, chứng thực bản dịch chỉ có thể được tiến hành tại cơ quan Nhà nước hoặc cơ quan được Nhà nước trao quyền.
Việc đương sự nộp tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số hoặc bằng tiếng nước ngoài mà không được dịch sang tiếng Việt hoặc có dịch sang tiếng Việt nhưng bản dịch không được công chứng, chứng thực hợp pháp sẽ dẫn đến hậu quả là Tòa án sẽ không công nhận đó là chứng cứ[5]. Do đó, các bên cần lưu ý đến vấn đề này trong quá trình tố tụng nếu vụ án có liên quan đến tài liệu tiếng dân tộc thiểu số hoặc tiếng nước ngoài.
[1] Điều 20 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[2] Điều 96.3 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[5] Điều 3.3 Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.