Nên chọn làm nghề luật sư tư vấn hay luật sư tranh tụng?

Chào mừng bạn đã quay trở lại với chuyên mục quản trị công ty luật của tôi sau khi bạn có thể đã đọc qua những chủ đề thú vị khác trong quyển sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi. Xin mời bạn tiếp tục tham khảo một chủ đề khác cũng rất thú vị của quyển sách này nhé.

…………………..

Khi bạn được cấp thẻ luật sư, đó là lúc bạn chính thức trở thành một luật sư được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trở thành một luật sư giỏi và có tiếng tăm, bạn không nên dừng lại ở đó mà cần dành thời gian để phát triển thêm bản thân. Quan trọng hơn, bạn phải xác định con đường hành nghề luật sư mà bạn muốn đi và gắn bó với nó như thế nào. Mặc dù hệ thống pháp luật của Việt Nam không phân biệt nhưng trong thực tế hành nghề luật sư, các luật sư Việt Nam thường được chia thành hai loại chính là luật sư tranh tụng (tiếng Anh gọi là barrister hay prosecution counsel) và luật sư tư vấn (tiếng Anh gọi là solicitor). Luật sư tư vấn có thể được xem là những người canh giữ thành trì, luôn tìm cách gia cố tường thành để trở nên vững chắc hơn. Họ tư vấn cho khách hàng của mình về pháp luật, giúp chuẩn bị các tài liệu và hồ sơ pháp lý và do đó họ thường thì họ ít xuất hiện ở tòa án. Còn luật sư tranh tụng là những người đi công thành, luôn tìm cách công phá, đột nhập vào thành trì của đối thủ. Họ tìm mọi khe hở pháp luật để công phá và đưa ra các lập luận pháp lý nhằm phục vụ lợi ích cho khách hàng của mình.

Do đó, để trở thành một luật sư tư vấn giỏi, bạn cần phải có kiến thức pháp luật sâu rộng và bao quát về các vấn đề pháp lý của khách hàng. Tính thận trọng trong công việc là rất quan trọng để bạn có thể đưa ra những tư vấn pháp lý đúng đắn, phù hợp, kịp thời và cần thiết để khách hàng không chỉ tuân thủ pháp luật mà còn giảm bớt khe hở của pháp luật do các quyết định thương mại và quản trị doanh nghiệp của khách hàng đưa ra trong hoạt động kinh doanh hằng ngày của họ.

Do yêu cầu về tính cẩn trọng đặt lên hàng đầu, các luật sư tư vấn không cần thiết phải quá nhạy bén hay nhanh chóng trong công việc. Tuy nhiên, khả năng ăn nói lưu loát vẫn là yếu tố cần thiết để tạo niềm tin đối với khách hàng. Ngược lại, với luật sư tranh tụng, yêu cầu quan trọng nhất là phải thật sự nhạy bén trong công việc để đưa ra những hướng xử lý hợp tình, hợp lý trong thời gian ngắn nhất có thể. Đặc biệt, khi có những tình tiết mới phát sinh trong quá trình tham gia vụ án của khách hàng, luật sư tranh tụng phải có khả năng ứng biến nhanh chóng tại phiên xử án. Họ cũng cần có khiếu ăn nói, khả năng hùng biện, ngoại hình thân thiện và dễ nhìn, cũng như thông thạo thủ tục tố tụng tại tòa án hoặc trọng tài.

luat-su-tu-van

Tuy nhiên, luật sư tranh tụng không cần phải có kiến thức pháp luật quá đào sâu trong một lĩnh vực pháp luật đặc thù nào đó, trừ pháp luật về tố tụng. Điều này đặc biệt đúng trong những lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên môn cao như ngân hàng, xây dựng, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, vì họ thường sẽ được sự trợ giúp đắc lực từ các luật sư tư vấn chuyên ngành làm chung với họ trong cùng vụ việc của khách hàng.

Tóm lại, sự lựa chọn giữa trở thành luật sư tư vấn hay luật sư tranh tụng phần lớn tùy thuộc vào tố chất, khả năng, tính cách, đam mê và mục tiêu của từng luật sư. Lời khuyên dành cho bạn là trong những năm đầu sau khi được cấp thẻ luật sư, hãy cố gắng tham gia cả hai lĩnh vực tư vấn và tranh tụng trong một thời gian để có được cái nhìn tổng quan và kinh nghiệm thực tế của cả hai lĩnh vực. Từ đó, bạn sẽ có thể xác định được lựa chọn phù hợp nhất với mình và phát triển công việc hành nghề luật sư theo hướng đã chọn.

Đừng ép buộc bản thân phải quyết định từ đầu là trở thành luật sư tranh tụng hay luật sư tư vấn, bởi điều đó cần có thời gian trải nghiệm và quá trình hành nghề luật sư sau đó mới có thể giúp bạn tìm ra câu trả lời phù hợp nhất với bản thân.

Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình. Xin chào bạn.

7 Điều Cần Lưu ý Trước Khi Tìm Luật Sư Tư Vấn