Những công việc nào có liên quan đến nghề luật sư?

Chào mừng bạn đã quay trở lại với chuyên mục quản trị công ty luật của tôi sau khi bạn có thể đã đọc qua những chủ đề thú vị khác trong quyển sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi. Xin mời bạn tiếp tục tham khảo một chủ đề khác cũng rất thú vị của quyển sách này nhé.

……………..

Sau khi mới tốt nghiệp đại học, nếu bạn được làm việc trong các công việc có liên quan đến nghề luật sư và được làm việc tại một công ty luật nước ngoài hoặc một công ty luật uy tín trong nước, bạn sẽ may mắn hơn rất nhiều so với những người khác có cùng xuất phát điểm. Nếu không có cơ hội như vậy, bạn có thể tìm kiếm các công việc tại các công ty luật nhỏ và trung bình tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, nếu bạn không thể tìm được việc làm có liên quan đến nghề luật sư, bạn nên tận dụng thời gian này để bổ sung kiến thức pháp luật bằng cách học cao học luật hoặc các môn hỗ trợ như ngoại ngữ, kế toán, vi tính văn phòng. Bạn nên tránh làm các công việc trái ngành hoặc trái nghề, vì nếu đã làm những công việc như vậy, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn quay lại với nghề luật sư chuyên nghiệp.

Kinh nghiệm cho thấy, nếu bạn bắt đầu làm việc trong các vị trí pháp lý nội bộ của doanh nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp đại học, khả năng quay lại với nghề luật sư chuyên nghiệp sẽ rất thấp. Thực tế chỉ có những người thực sự có ý chí và quyết tâm cao mới có thể quay lại và thành công với nghề luật sư chuyên nghiệp. Do đó, nếu bạn muốn theo đuổi nghề luật sư chuyên nghiệp, hãy tìm kiếm cơ hội làm việc tại các công ty luật có uy tín và tránh làm các công việc không có liên quan gì đến nghề luật sư.

nghe-luat-su

Trong thực tế, sau một thời gian dài làm công việc pháp lý trong nội bộ doanh nghiệp, bạn thường chỉ tập trung vào một số vấn đề pháp lý đặc thù của doanh nghiệp, ví dụ như lao động, hợp đồng, thương mại, thuế. Trong các vấn đề này, bạn thường chỉ tập trung vào các vấn đề có liên quan đến việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong công ty luật mà bạn làm việc, thường sẽ không có ai có kinh nghiệm về pháp luật cao hơn bạn để hướng dẫn cho bạn. Điều này, trong một chừng mực nào đó, sẽ khiến cho bạn không phải chịu nhiều áp lực trong công việc, từ đó không có cơ hội học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước có nhiều kinh nghiệm.

Do đó, như một lẽ tất yếu, khi quay trở lại với con đường hành nghề luật sư chuyên nghiệp, bạn sẽ gặp phải không ít khó khăn. Cách suy nghĩ, lập luận, tư duy và óc phân tích pháp lý của bạn đã khác đi nhiều so với cách thức mà một luật sư hành nghề chuyên nghiệp thường làm. Những thói quen mà bạn đã tích lũy được theo thời gian sẽ khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn hoặc có thể là bạn sẽ không bao giờ thay đổi được những thói quen đó.

Nếu bạn đã quyết định làm một công việc trái ngành ví dụ như nhân viên của phòng hành chính hay phòng nhân sự trong doanh nghiệp, thì khả năng sau này bạn quay trở lại với nghề luật sư chuyên nghiệp là rất khó khăn. Kiến thức pháp luật mà bạn đã học ở trường đại học sẽ dần rời xa tâm trí của bạn trong khoảng thời gian này, do bạn không có điều kiện sử dụng và cập nhật chúng một cách thường xuyên.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có một vài trường hợp ngoại lệ. Đã có không ít người có quyết tâm cao, chịu khó phấn đấu, nhạy bén với công việc, thì họ vẫn có thể gặt hái thành công khi quay trở lại với nghề luật sư chuyên nghiệp, dù họ phải làm công việc trái ngành hoặc công việc pháp lý trong nội bộ doanh nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp đại học.

Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình. Xin chào bạn.

7 Điều Cần Lưu ý Trước Khi Tìm Luật Sư Tư Vấn