Điều 3.5 BLLĐ quy định mối quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh từ việc thuê mướn, sử dụng lao động và trả lương giữa NLĐ, NSDLĐ và các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mối quan hệ lao động bao gồm mối quan hệ lao động cá nhân và mối quan hệ lao động tập thể. Tuy nhiên, BLLĐ lại chưa có định nghĩa nào về khái niệm “thuê mướn lao động” cho nên có thể hiểu một cách nôm na rằng thuê mướn lao động là việc NLĐ bán sức lao động của mình cho NSDLĐ để đổi lại là được NSDLĐ trả lương và các phúc lợi lao động khác.
Mối quan hệ lao động bắt đầu hình thành từ khi NSDLĐ tuyển dụng NLĐ vào làm việc cho NSDLĐ và sẽ kéo dài trong suốt thời gian sử dụng NLĐ. Theo quy định của BLLĐ, cũng có một số mối quan hệ khác phát sinh ngay từ trước khi NSDLĐ và NLĐ giao kết HĐLĐ chẳng hạn như hợp đồng thử việc trong quá trình thử việc, hợp đồng đào tạo nghề trong quá trình học nghề, đào tạo nghề. Tùy vào thỏa thuận cụ thể giữa các bên, mặc dù các bên có thể thỏa thuận và gọi tên thỏa thuận bằng một tên gọi khác chứ không phải là HĐLĐ nhưng khi có tranh chấp xảy ra, vẫn có khả năng là các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có kết luận rằng thỏa thuận đó là HĐLĐ căn cứ vào việc trên thực tế có sự thuê mướn, sử dụng lao động và trả lương giữa các bên. Nếu có phát sinh mối quan hệ lao động theo quy định tại Điều 3.5 BLLĐ như được nêu ở trên mà các bên lại không giao kết HĐLĐ, NSDLĐ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về việc không giao kết HĐLĐ với NLĐ với mức phạt từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng cho hành vi vi phạm từ 01 người đến 10 NLĐ[1].
Như vậy, tóm lại, kể cả khi NSDLĐ và NLĐ không giao kết HĐLĐ, mối quan hệ lao động giữa các bên vẫn được hình thành nếu trên thực tế có phát sinh việc thuê, mướn, sử dụng lao động và trả lương giữa các bên.
[1] Điều 8.1 Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/03/2020