Trong vụ án ly hôn có người bị khuyết tật (câm) thì quy định của pháp luật có bắt buộc là cũng phải có người biết chữ, ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật không?
Theo quy định của Luật Tố tụng dân sự, về nguyên tắc, mọi ngôn ngữ và chữ viết đều phải thể hiện bằng tiếng Việt. Vì vậy, không những đối với trường hợp ngoại ngữ hay tiếng dân tộc thiểu số đều cần có người phiên dịch, trong trường hợp người bị khuyết tật phải dùng ngôn ngữ riêng của họ khi tham gia vụ án thì cũng cần có người chuyển tải nội dung để Tòa án có thể hiểu những gì họ trình bày. Những người này, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, cũng được tính là người phiên dịch[1]. Do đó, khi vụ án ly hôn có người khuyết tật (câm) tham gia, pháp luật sẽ yêu cầu có người phiên dịch để chuyển “thủ ngữ” họ sử dụng thành tiếng Việt.
Chi phí trả cho người thông dịch ai sẽ chịu?
Người thông dịch tham gia vào vụ án ly hôn có thể do các đương sự hoặc chính Tòa án yêu cầu. Trong những trường hợp này, quy định về chi phí người thông dịch sẽ khác nhau.
Nếu người thông dịch là do đương sự yêu cầu, chi phí sẽ do đương sự yêu cầu người thông dịch chịu và mức phí sẽ theo thỏa thuận giữa hai bên, có thể thông qua hợp đồng dịch vụ hoặc dưới một hình thức khác nào đó. Tuy nhiên, các đương sự hoàn toàn có quyền thỏa thuận với nhau về việc đương sự nào phải trả chi phí của người thông dịch mà không nhất thiết là người yêu cầu phải trả.
Nếu Tòa án yêu cầu người thông dịch, chi phí trả cho người thông dịch sẽ do Tòa án chịu. Trong trường hợp này, chi phí người thông dịch sẽ theo mức quy định của pháp luật, bao gồm: Chi phí tiền công cho người thông dịch; Chi phí đi lại; Chi phí lưu trú; Các chi phí khác theo quy định của pháp luật[3]. Điều kiện để thanh toán là các chi phí phải là chi phí phát sinh thực tế, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, tài liệu theo quy định của pháp luật.
Ai sẽ là người chọn người biết chữ, ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật?
Theo quy định của pháp luật, người thông dịch do một hoặc hai bên vợ, chồng thoả thuận lựa chọn nhưng phải được Tòa án chấp thuận. Do đó, vợ hoặc chồng đều có quyền lựa chọn người biết chữ, ngôn ngữ ký hiệu của người khuyết tật, nhưng sự lựa chọn này phải được Tòa án chấp thuận mới có hiệu lực. Về điều kiện để Tòa án chấp thuận người thông dịch hiện nay không được pháp luật quy định một cách rõ ràng. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng khi quyết định chấp thuận sự lựa chọn người thông dịch, Tòa án sẽ căn cứ vào việc người thông dịch có đủ năng lực thông dịch hay không, có thể thông dịch một cách khách quan công bằng hay không, ý kiến của các đương sự về người thông dịch. Chẳng hạn, khi chồng muốn chọn người thông dịch A nhưng vợ lại không đồng ý vì sợ người A này thông đồng với chồng. Trong trường hợp này, Tòa án có thể sẽ không đồng ý chấp thuận người A là người thông dịch mà có thể yêu cầu vợ chồng thỏa thuận chọn một người thông dịch.
Ngoài vợ, chồng thì Tòa án cũng có thể lựa chọn người thông dịch khi xét thấy cần thiết. Ví dụ, Tòa án triệu tập người làm chứng bị câm và vợ chồng không có yêu cầu về người thông dịch thì Tòa án sẽ chỉ định một người làm người thông dịch.
Một trong hai bên vợ, chồng có thể thay đổi người biết chữ, ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật không?
Người thông dịch cũng như những người tham gia tố tụng khác có yêu cầu thông dịch sẽ phải từ chối thông dịch hoặc bị thay đổi trong một số trường hợp mà pháp luật cho rằng người thông dịch không thể thực hiện tốt vai trò của mình, chẳng hạn như đã tham gia vào vụ án ly hôn theo một tư cách khác chẳng hạn như người làm chứng, người giám định, luật sư, người thân thích của một bên vợ hoặc chồng. Những trường hợp này, người thông dịch phải từ chối thông dịch hoặc sẽ bị Tòa án thay đổi. Tuy nhiên, pháp luật cũng trao quyền cho các đương sự trong vụ án ly hôn được phép yêu cầu Tòa án thay đổi người thông dịch trong một số trường hợp luật cho phép nhằm bảo vệ quyền lợi của mình[5]. Các trường hợp mà pháp luật cho phép một bên vợ hoặc chồng yêu cầu Tòa án thay đổi người thông dịch bao gồm:
- Người thông dịch đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự;
- Người thông dịch đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó;
- Người thông dịch đã tiến hành tố tụng với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; và
- Có căn cứ rõ ràng cho rằng người thông dịch có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Khi vợ hoặc chồng có căn cứ rõ ràng người thông dịch thuộc vào một trong những trường hợp ở trên, họ có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người biết ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật.
[1] Điều 81.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[3] Điều 52.1 Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng và Điều 15 Nghị định 81/2014.
[5] Điều 70.14 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.