Câu hỏi 113: Chi phí giám định theo yêu cầu của một bên trong vụ án ly hôn và được Tòa án đồng ý sẽ do ai chịu? Chi phí này có tùy thuộc vào việc ai trong vợ và chồng sẽ thắng ai sẽ thua trong vụ án ly hôn không?

Giám định là việc nghiên cứu các sự vật, tình trạng sức khỏe, đặc điểm thể chất, v.v., do cá nhân (hoặc tổ chức) có hiểu biết năng lực chuyên môn tiến hành theo yêu cầu của Tòa án hoặc yêu cầu của đương sự. Chi phí giám định là khoản tiền phải chi trả cho công việc giám định do tổ chức hoặc cá nhân thực hiện công việc này.

Trong vụ án ly hôn, liên quan đến chi phí giám định, nghĩa vụ của các đương sự bao gồm nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định và nghĩa vụ chịu chi phí giám định[1]. Nếu vợ chồng không có thỏa thuận chung về nghĩa vụ đối với việc giám định thì căn cứ để xác định nghĩa vụ thanh toán theo từng trường hợp cụ thể sẽ như sau:

  1. Đối với nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định[3]
  • Trường hợp 01: Vợ chồng cùng yêu cầu giám định về cùng một đối tượng thì số tiền giám định mà mỗi bên đương sự sẽ chịu là một nửa số tiền tạm ứng chi phí giám định;
  • Trường hợp 02: Trong trường hợp Tòa án xét thấy việc trưng cầu giám định là một bước cần thiết cho việc giải quyết vụ án thì vợ hoặc chồng là nguyên đơn (người yêu cầu giải quyết vụ án ly hôn) hoặc người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng; và
  • Trường hợp 03: Nếu Tòa án không chấp nhận việc giám định nhưng đương sự tự mình yêu cầu tổ chức, cá nhân giám định thì đương sự tự nộp số tiền này[5].

2. Đối với nghĩa vụ nộp chi phí giám định[7]

  • Trường hợp 01: Người nào yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định thì chịu tất cả chi phí trong trường hợp giám định cho thấy yêu cầu của người đó không có căn cứ. Trong trường hợp có căn cứ một phần, thì bên vợ hoặc chồng nào yêu cầu chịu phí tương ứng đối với phần yêu cầu của họ được chứng minh là không có căn cứ.
  • Trường hợp 02: Đương sự không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định của bên còn lại phải nộp chi phí giám định, nếu kết quả giám định chứng minh được bên yêu cầu trưng cầu giám định là có căn cứ, trong trường hợp có căn cứ một phần thì đương sự không chấp nhận yêu cầu chịu phí tương ứng với phần yêu cầu có căn cứ.
  • Trường hợp 03: Do Tòa án không chấp nhận trưng cầu giám định nên đương sự tự mình yêu cầu cá nhân, tổ chức giám định và nếu như kết quả giám định cho thấy yêu cầu của đương sự có căn cứ thì bên thua kiện chịu chi phí giám định, trong trường hợp kết quả giám định cho thấy có căn cứ một phần, đương sự yêu cầu chỉ đóng phần giám định không có căn cứ còn lại.

[1] Điều 159.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[3] Điều 160 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[5] Điều 32 Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13.

[7] Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.