Theo quy định tại Điều 3.2 BLLĐ, NSDLĐ bao gồm các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo thỏa thuận. Do đó, đối với các doanh nghiệp không được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, không trực tiếp sử dụng NLĐ như tập đoàn, công ty mẹ ở nước ngoài, thì về mặt pháp lý mà nói, thì họ sẽ không có quyền xem như là NSDLĐ và chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động Việt Nam.
Như vậy, về mặt nguyên tắc, các tập đoàn, công ty mẹ ở nước ngoài sẽ không có quyền tiến hành điều tra NLĐ của công ty con tại Việt Nam với tư cách là NSDLĐ trong mối quan hệ lao động. Để đảm bảo cho bộ phận tuân thủ của tập đoàn, công ty mẹ ở nước ngoài có thể tiến hành điều tra một cách hợp pháp trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật của công ty con tại Việt Nam cần có ủy quyền hợp pháp cho những người phụ trách của bộ phận đó trước khi thực hiện (việc ủy quyền ở đây được hiểu là theo nguyên tắc chung và đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam). Theo đó, những người phụ trách của bộ phận đó sẽ được ủy quyền đại diện cho công ty con ở Việt Nam tiến hành các quy trình, thủ tục điều tra nội bộ thu thập chứng cứ chứng minh lỗi của NLĐ, làm cơ sở cho việc xử lý KLLĐ đối với NLĐ. Mặc dù chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về vấn đề này, nhưng phạm vi điều tra trong trường hợp này cũng sẽ chỉ có thể diễn ra gói gọn trong phạm vi lãnh thổ của doanh nghiệp bởi vì về mặt nguyên tắc, xử lý KLLĐ đối với NLĐ phải được căn cứ theo NQLĐ của doanh nghiệp, thỏa thuận trong HĐLĐ hoặc được quy định cụ thể hành vi vi phạm trong BLLĐ[404], và về mặt bản chất NQLĐ của doanh nghiệp là văn bản chính yếu điều chỉnh trật tự trong phạm vi doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng trong trường hợp này, công ty con tại Việt Nam với tư cách là NSDLĐ vẫn có nghĩa vụ chứng minh, giải thích đối với các chứng cứ do bộ phận tuân thủ của tập đoàn ở nước ngoài thu thập nếu NLĐ có khiếu nại, khiếu kiện vê quyết định xử lý KLLĐ ra các cơ quan quản lý lao động và Tòa án có thẩm quyền và cho rằng các chứng cứ thu thập được là không chính xác[405].
[404] Điều 127.3 BLLĐ
[405] Điều 122.1 (a) BLLĐ