Câu hỏi 13: Trong những trường hợp nào thì Tòa án được quyền từ chối thụ lý hay trả lại đơn kiện cho nguyên đơn?

Theo nguyên tắc chung, Tòa án phải thụ lý đơn khởi kiện của đương sự nhưng không có nghĩa là trong mọi trường hợp Tòa án đều phải thực hiện nghĩa vụ này. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án có quyền trả lại đơn khởi kiện khi phát sinh một trong các trường hợp sau đây:

  1. Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, cụ thể[1]:
  • Người khởi kiện không phải là một bên vợ hoặc chồng;
  • Người khởi kiện không phải là cha, mẹ, người thân thích khác khi một bên vợ hoặc chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc một căn bệnh gì khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Ví dụ: Chị C là hàng xóm với vợ chồng anh A và chị B. Chị C cho rằng chị B bị bệnh tâm thần và thường xuyên bị anh A đánh đập, dẫn đến việc tinh thần của chị B ngày càng suy sụp, sức khỏe đi xuống. Vì vậy, chị C đã nộp đơn xin ly hôn lên Tòa án yêu cầu cho chị B và anh A ly hôn. Trong trường hợp này, chị C không có quyền khởi kiện vụ án ly hôn theo quy định của pháp luật.

2. Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật[3]

“Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật” là trường hợp Luật Tố tụng dân sự và các luật khác có quy định về các điều kiện để cá nhân khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó[5]. Ví dụ: Vợ khởi kiện vụ án ly hôn với chồng nhưng bị Tòa án bác yêu cầu. Theo quy định của pháp luật thì tối thiểu phải 01 năm sau kể từ ngày bản án có hiệu lực thì vợ mới được quyền khởi kiện lại. Tuy nhiên, vợ lại nộp đơn yêu cầu ly hôn lần hai với chồng trong thời hạn chỉ mới 06 tháng kể từ ngày có hiệu lực của bản án bác yêu cầu ly hôn. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ trả lại đơn yêu cầu ly hôn của vợ.

3. Hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng[7].

4. Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án[9]

Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là trường hợp mà theo quy định của pháp luật các tranh chấp hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác hoặc đang do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết[11].

Tuy nhiên, khi xét thấy vụ việc dân sự đã được thụ lý không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Nhân dân địa phương khác cùng cấp hoặc khác cấp thì Tòa án đã thụ lý vụ việc dân sự sẽ ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xóa sổ thụ lý. Trong trường hợp này, Tòa án không trả lại đơn khởi kiện cũng như tạm ứng án phí mà đương sự đã đóng. Đồng thời, Tòa án phải ra văn bản thông báo cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp biết.

5. Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán[13]

Khi nội dung đơn khởi kiện không có đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật, Thẩm phán phụ trách sẽ yêu cầu nguyên đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong một thời hạn do Thẩm phán ấn định nhưng không được vượt quá một tháng. Nếu quá thời hạn này mà nguyên đơn không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện. Ví dụ, đơn xin ly hôn của vợ không ghi địa chỉ cư trú của chồng thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện và ấn định 20 ngày để nguyên đơn bổ sung đơn. Tuy nhiên, đã hết 20 ngày nhưng nguyên đơn  vẫn không bổ sung được địa chỉ của chồng hoặc vợ trong đơn khởi kiện thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện cho vợ.

6. Người khởi kiện rút đơn khởi kiện[15]

Khi đã nộp đơn xin ly hôn và được Tòa án thụ lý, vợ hoặc chồng là nguyên đơn vẫn có quyền rút lại đơn khởi kiện vào bất kỳ lúc nào (trừ trường hợp nguyên đơn rút đơn tại phiên tòa phúc thẩm thì phải được sự đồng ý của bị đơn). Lúc này, Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện và đình chỉ vụ án nếu Tòa án đã thụ lý.

Khi thuộc một trong những trường hợp ở trên, Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn, đồng thời ra văn bản trả nêu rõ lý do Tòa án trả lại đơn khởi kiện. Khi đó, Tòa án hoặc sẽ không thụ lý đơn khởi kiện hoặc nếu đã thụ lý thì sẽ tiến hành đình chỉ vụ án.


[1] Điều 192.1.(a) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[3] Điều 192.1.(b) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[5] Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP.

[7] Điều 192.1.(d) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[9] Điều 192.1.(đ) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[11] Điều 4 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP.

[13] Điều 192.1.(e) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[15] Điều 192.1.(g) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.