Câu hỏi 142. Theo Khoản 1, Điều 41 BLLĐ, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì NSDLĐ phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và trả tiền lương, BHXH, BHYT trong những ngày NLĐ không được làm việc. Như vậy, nếu một NLĐ ký HĐLĐ xác định thời hạn mà khi có bản án của Tòa án yêu cầu phải nhận lại NLĐ nhưng thời hạn HĐLĐ đã hết vậy thì NSDLĐ có buộc phải nhận lại NLĐ không? Nếu buộc phải nhận lại thì thời gian nhận lại có phải bằng với thời gian từ lúc NLĐ bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ cho đến khi HĐLĐ hết hạn không? Về nghĩa vụ trả tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN (áp dụng cho NLĐ là người Việt Nam) trong những ngày NLĐ không được làm việc thì khái niệm “những ngày NLĐ không được làm việc” được tính từ ngày NLĐ bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ cho đến khi HĐLĐ hết hạn hay sẽ từ ngày NLĐ bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ cho đến ngày có bản án hay là ngày NLĐ trở lại làm việc hay là ngày các bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ?

1. Nếu một NLĐ ký HĐLĐ xác định thời hạn với NSDLĐ mà khi có bản án của Tòa án yêu cầu phải nhận lại NLĐ thì thời hạn HĐLĐ đã hết vậy NSDLĐ có buộc phải nhận lại NLĐ không? Nếu buộc phải nhận lại thì thời gian nhận lại có phải bằng với thời gian từ lúc NLĐ bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ cho đến khi HĐLĐ hết hạn không?

Theo Điều 41.1 BLLĐ, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ trái pháp luật thì NSDLĐ phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết, tức là bao gồm cả thỏa thuận về thời hạn của HĐLĐ. Điều này có nghĩa rằng, NSDLĐ chỉ phải nhận lại NLĐ làm việc theo thời hạn của HĐLĐ đã giao kết.

Qua tham khảo một số bản án đã có hiệu lực pháp luật về vấn đề tương tự, Tòa án có thẩm quyền đã tuyên HĐLĐ sẽ hết hạn vào ngày hết hạn của HĐLĐ. Theo đó, nếu tại thời điểm ban hành bản án mà HĐLĐ đã hết hạn thì NSDLĐ sẽ không có nghĩa vụ phải nhận NLĐ trở lại làm việc nhưng vẫn có nghĩa vụ thanh toán các khoản phải trả khác cho NLĐ theo quy định. Nếu tại thời điểm ban hành bản án mà thời hạn HĐLĐ vẫn còn thì NSDLĐ buộc phải nhận NLĐ trở lại làm việc cho tới khi hết hạn HĐLĐ trừ khi NLĐ muốn thỏa thuận với NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ đã giao kết.

2. Về nghĩa vụ trả tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN (“Khoản Phải Trả”) trong những ngày NLĐ không được làm việc thì khái niệm “những ngày NLĐ không được làm việc” được tính từ ngày NLĐ bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ cho đến khi HĐLĐ hết hạn hay sẽ từ ngày NLĐ bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ cho đến ngày có bản án của Tòa án hay là ngày NLĐ trở lại làm việc hay là ngày các bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ?

BLLĐ không quy định rõ ràng về cách tính số ngày NLĐ không được làm việc trong trường hợp này. Tuy nhiên, về mặt bản chất, đây là quy định nhằm đảm bảo tính liên tục của HĐLĐ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ (đó là được làm việc và được trả lương) trong thời hạn của HĐLĐ đã giao kết đối với trường hợp bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Do đó, đối với NLĐ nào làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn, số ngày mà NLĐ đó không được làm việc cần được hiểu là số ngày mà NLĐ đó không được làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn đã giao kết.

Trong thực tiễn xét xử cũng cho thấy rằng các Tòa án có thẩm quyền cũng chỉ yêu cầu NSDLĐ phải thanh toán cho NLĐ các Khoản Phải Trả được nêu ở trên tương ứng với khoảng thời gian mà NLĐ không được làm việc theo HĐLĐ đã giao kết hoặc thỏa thuận khác của các bên (nếu có). Trên thực tế, số ngày mà NLĐ không được làm việc sẽ được tính từ ngày NLĐ bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ cho đến ngày mà đáng lý ra NLĐ phải được làm việc theo HĐLĐ đã giao kết, cụ thể như sau:

  • Nếu tại thời điểm ban hành bản án mà thời hạn của HĐLĐ đã hết thì số ngày NLĐ không được làm việc sẽ được tính đến ngày HĐLĐ hết hạn;
  • Nếu tại thời điểm ban hành bản án mà thời hạn HĐLĐ vẫn còn thì số ngày NLĐ không được làm việc sẽ được tính từ ngày NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ cho đến ngày NSDLĐ nhận NLĐ trở lại làm việc; và
  • Nếu NLĐ không đồng ý quay trở lại làm việc hoặc NSDLĐ không muốn nhận NLĐ quay lại làm việc và NLĐ đồng ý thì số ngày NLĐ không được làm việc được tính đến ngày ban hành bản án hoặc theo thỏa thuận của các bên.