Câu hỏi 151. NSDLĐ có quyền tiến hành xử lý KLLĐ đối với NLĐ không nếu NLĐ không đồng ý với hình thức xử lý KLLĐ của NSDLĐ? Có những rủi ro pháp lý nào đối với doanh nghiệp trong trường hợp này?

1. NSDLĐ có thể tiến hành xử lý KLLĐ đối với NLĐ nếu NLĐ có ý kiến phản đối tại cuộc họp xử lý KLLĐ và trong thời gian NSDLĐ chưa ban hành Quyết định xử lý KLLĐ đối với NLĐ?

Theo quy định tại Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, khi tiến hành xử lý KLLĐ đối với NLĐ có hành vi vi phạm NQLĐ của doanh nghiệp, NSDLĐ phải tiến hành lập biên bản vi phạm và thông báo đến tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà NLĐ là thành viên. Nếu NSDLĐ phát hiện hành vi vi phạm sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra thì NSDLĐ sẽ thực hiện việc thu thập chứng cứ chứng minh vi phạm của NLĐ. Sau đó, NSDLĐ phải gửi thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý KLLĐ, họ và tên của NLĐ bị xử lý KLLĐ, hành vi vi phạm đến tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở và NLĐ ít nhất 05 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp xử lý vi phạm KLLĐ đối với NLĐ.

1.1 Trong trường hợp NLĐ phản đối hình thức xử lý KLLĐ được đưa ra tại cuộc họp bằng cách không tham dự cuộc họp xử lý KLLĐ

Theo quy định tại Điều 70.2 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, khi nhận được thông báo của NSDLĐ thì các thành phần tham dự được nêu ở trên phải xác nhận tham dự cuộc họp. Nếu một trong các thành phần tham dự không thể tham dự họp theo thời gian và địa điểm đã thông báo thì NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp. Nếu NLĐ vẫn không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì NSDLĐ vẫn có thể tiến hành cuộc họp để xử lý KLLĐ đối với NLĐ. Như vậy, nói chung NSDLĐ có quyền tiến hành cuộc họp xử lý KLLĐ bất kể việc NLĐ có mặt tại cuộc họp hay không, với điều kiện NLĐ không rơi vào các trường hợp bị cấm xử lý KLLĐ theo quy định tại Điều 122.4 BLLĐ.

1.2 Trong trường hợp NLĐ phản đối hình thức KLLĐ được đưa ra tại cuộc họp KLLĐ bằng cách không ký vào biên bản cuộc họp xử lý KLLĐ

Theo quy định tại Điều 70.3 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cuộc họp xử lý KLLĐ phải được lập thành biên bản và được thông qua bởi các thành phần tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự bao gồm: tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà NLĐ đang bị xử lý KLLĐ là thành viên, NLĐ, người lập biên bản và các thành phần tham dự khác (nếu có). Nếu NLĐ không đồng ý với kết quả của cuộc họp xử lý KLLĐ và theo đó không đồng ý ký vào biên bản cuộc họp thì biên bản phải ghi rõ cụ thể lý do.

Quy định của BLLĐ không có hướng dẫn trong trường hợp NLĐ không chịu ký vào biên bản và cũng không nêu lý do tại sao lại làm như vậy. Do đó, trên thực tế, NSDLĐ có thể nhờ một đến hai NLĐ khác, có quyền và lợi ích độc lập làm nhân chứng và ký vào biên bản cuộc họp xử lý KLLĐ.

2. Rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp nếu NSDLĐ ban hành quyết định xử lý KLLĐ mà bị NLĐ phản đối quyết định đó

Theo quy định tại Điều 131 BLLĐ, NLĐ nào bị xử lý KLLĐ mà nhận thấy không thỏa đáng với quyết định của NSDLĐ thì có quyền: (i) khiếu nại với chính NSDLĐ, với cơ quan quản lý quản lý lao động có thẩm quyền; hoặc (ii) yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án có thẩm quyền theo trình tự do pháp luật quy định. Qua đó có thể thấy rằng, BLLĐ cho phép NLĐ được thực hiện quyền khiếu nại hoặc quyền khởi kiện đối với quyết định xử lý KLLĐ của NSDLĐ trong mọi trường hợp bất kể quyết định đó được xem là đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hay chưa.

2.1 Nếu NLĐ yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án có thẩm quyền

Theo quy định tại Điều 188.1 (a) BLLĐ, tranh chấp lao động cá nhân bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp lao động có liên quan đến xử lý KLLĐ theo một trong các hình thức sau đây: – Khiển trách; – Kéo dài thời hạn nâng lương; hoặc – Cách chức.

Như vậy, NLĐ có thể trực tiếp yêu cầu Tòa án có thẩm quyền mà không cần thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước đối với tranh chấp lao động về xử lý KLLĐ theo hình thức sa thải.

2.2 Nếu NLĐ khiếu nại NSDLĐ

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP của Chính phủ, NLĐ sẽ gửi khiếu nại lần đầu đến NSDLĐ là doanh nghiệp và NSDLĐ sẽ trực tiếp thực hiện việc giải quyết trong thời hạn 30 ngày từ ngày nhận đơn khiếu nại[440]. Nếu NLĐ vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của NSDLĐ hoặc quá thời hạn nêu trên mà khiếu nại vẫn chưa được NSDLĐ giải quyết thì NLĐ có thể thực hiện quyền khởi kiện như được nêu ở trên[441] hoặc có thể thực hiện việc khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH Tỉnh/Thành phố nơi NLĐ làm việc.

Nếu NLĐ quyết định khiếu nại lần hai đối với quyết định xử lý KLLĐ của NSDLĐ, doanh nghiệp có nghĩa vụ giải trình về tính hợp pháp, đúng đắn của quyết định bị khiếu nại khi có yêu cầu của Chánh Thanh tra, và chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật[442].

Có thể thấy rằng pháp luật lao động cho phép NLĐ được quyền khiếu nại hoặc khởi kiện doanh nghiệp nếu NLĐ không cảm thấy thỏa đáng với quyết định xử lý KLLĐ mà NSDLĐ đã ban hành. Do đó, để tránh rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp khi áp dụng hình thức xử lý KLLĐ, NSDLĐ cần chắc chắn rằng hành vi bị xử lý KLLĐ đối với NLĐ đã được quy định trong NQLĐ của doanh nghiệp hoặc được thỏa thuận trong HĐLĐ hoặc pháp luật lao động có quy định cụ thể hành vi vi phạm[443], đồng thời việc xử lý KLLĐ phải được thực hiện theo đúng nguyên tắc, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật lao động và người xử lý KLLĐ phải đúng thẩm quyền theo luật định.

Nếu không, trong trường hợp phán quyết của Tòa án hoặc kết luận của cơ quan Nhà nước giải quyết khiếu nại khác với quyết định xử lý KLLĐ của doanh nghiệp, NSDLĐ buộc phải hủy bỏ hoặc ban hành một quyết định khác thay thế cho quyết định xử lý KLLĐ đã ban hành. Đồng thời, NSDLĐ còn phải khôi phục lại quyền và lợi ích của NLĐ bị vi phạm. Riêng đối với trường hợp KLLĐ bằng hình thức sa thải trái pháp luật thì NSDLĐ có nghĩa vụ nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và phải trả tiền lương, BHXH, BHYT trong những ngày NLĐ không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ theo Điều 41 BLLĐ.


[440] Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/02/2018

[441] Điều 10.2 (a) Nghị định 24/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/02/2018

[442] Điều 11.2 (đ), (e) Nghị định 24/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/02/2018

[443] Điều 127.3 BLLĐ