1. Đình công khác lãng công như thế nào?
Đình công | Lãng công | |
Định nghĩa | Đó là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể NLĐ nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện NLĐ có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.[587] | Hành vi của NLĐ cố tình cùng nhau làm việc một cách chây lười, một hình thức của đấu tranh đòi quyền lợi của công nhân. |
Cách thức thực hiện | Tổ chức đại diện NLĐ là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền đình công trong các trường hợp sau đây: 1. Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải; 2. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc dù có thành lập nhưng lại không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc NSDLĐ là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.[588] | NLĐ nghỉ việc lẻ tẻ, làm việc lơ là, cầm chừng mang tính đối phó không tuân thủ NQLĐ của doanh nghiệp, không sử dụng hết thời gian làm việc và công suất máy móc, thiết bị. |
Cơ sở pháp lý | Pháp luật lao động ghi nhận cụ thể về trình tự cũng như quyền và nghĩa vụ của những NLĐ thực hiện đình công. Theo đó, đình công hợp pháp phải do tổ chức đại diện NLĐ tổ chức và lãnh đạo đình công[589]. | Không được pháp luật lao động ghi nhận mà là do NLĐ thực hiện tự phát, không được tổ chức và điều hành bởi một cá nhân hay tổ chức nào. |
2. Doanh nghiệp có được quyền áp dụng biện pháp xử lý KLLĐ đối với những NLĐ nào tham gia đình công trong thời gian đình công hay thời gian sau khi đình công chấm dứt không?
NSDLĐ không được phép chấm dứt HĐLĐ hoặc xử lý KLLĐ đối với NLĐ đình công, người lãnh đạo đình công hoặc điều động NLĐ, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác chỉ vì lý do những người đó chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công[590]. Như vậy, trong thời gian trước, trong và sau khi đình công, NSDLĐ đều không được quyền xử lý KLLĐ đối với NLĐ tham gia đình công.
Tuy nhiên, nếu cuộc đình công được Tòa án có thẩm quyền quyết định là bất hợp pháp mà NLĐ lại không chịu ngừng đình công, không trở lại làm việc, thì tuỳ theo mức độ vi phạm thì NLĐ có thể bị xử lý KLLĐ theo quy định[591].
Đối với những thiệt hại mà doanh nghiệp phải chịu do việc đình công bất hợp pháp gây ra thì ai sẽ chịu và việc bồi thường sẽ được thực hiện như thế nào?
Nếu cuộc đình công được Tòa án có thẩm quyền tuyên là bất hợp pháp mà gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì tổ chức đại diện NLĐ tổ chức và lãnh đạo đình công phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật[592]. Theo đó, NSDLĐ sẽ có văn bản yêu cầu tổ chức đại diện NLĐ lãnh đạo cuộc đình công bất hợp pháp bồi thường thiệt hại. Căn cứ vào nội dung văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại của NSDLĐ, tổ chức đại diện NLĐ lãnh đạo đình công sẽ có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, có một điểm cũng cần lưu ý là chưa có quy định hướng dẫn nào của pháp luật về trình tự thực hiện việc thương lượng khi NSDLĐ yêu cầu tổ chức đại diện NLĐ tổ chức và lãnh đạo đình công bồi thường thiệt hại do việc đình công bất hợp pháp gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn trực tiếp về về thương lượng bồi thường thiệt hại nếu đình công bất hợp pháp, doanh nghiệp có thể tham khảo quy trình được nêu tại Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH (hướng dẫn Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ mà đã hết hiệu lực). Theo đó, nếu tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công không đồng ý với một trong các nội dung chủ yếu trong văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại của NSDLĐ, các bên sẽ thực hiện tuần tự theo các bước sau đây:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại của NSDLĐ, tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công có văn bản yêu cầu NSDLĐ tổ chức thương lượng;
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu thương lượng, NSDLĐ sẽ trao đổi, thống nhất với đại diện tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công về thời gian, địa điểm, thành phần tham gia phiên họp thương lượng bồi thường thiệt hại.
Phiên họp thương lượng bồi thường thiệt hại phải được lập biên bản, có chữ ký của các bên tham gia thương lượng và của người ghi biên bản, trong đó phải có những nội dung đã được các bên thống nhất (nếu có), những nội dung còn ý kiến khác nhau. Biên bản phiên họp thương lượng là cơ sở pháp lý xác định quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường thiệt hại.
Kết thúc thương lượng, và nếu các bên thống nhất được với nhau về nội dung thương lượng thì các bên sẽ phải thực hiện theo nội dung đã thỏa thuận; nếu không thống nhất nội dung thương lượng thì một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
[587] Điều 198 BLLĐ
[588] Điều 199 BLLĐ
[589] Điều 204.2 BLLĐ
[590] Điều 208.4 BLLĐ
[591] Điều 217.2 BLLĐ
[592] Điều 217.2 BLLĐ